Nguyễn Mỹ Linh (sn 1994) gây ấn tượng khi trở thành Business Development Manager (quản lý phát triển kinh doanh) tại VNTravel và Sales manager (quản lý bán hàng) tại P&G - công ty lớn hàng đầu trên thế giới trong ngành hàng tiêu dùng. Ngoài ra, Linh từng làm mảng phân tích thị trường ở Singapore và Nhật Bản.

Hiện nay, Mỹ Linh đang tập trung thực hiện các dự án kinh doanh riêng, làm dịch giả và học thêm những ngoại ngữ mới. Cô nàng 9x đã nghiên cứu khá lâu và bắt đầu thử sức với mảng chứng khoán được gần 1 năm.

1.

Chỉ đầu tư bằng vốn nhàn rỗi

Có những người đã có kinh nghiệm đầu tư dày dạn, tự tin vào kiến thức và tâm lý nên có thể dùng margin (đòn bẩy tài chính - vay tiền của công ty chứng khoán) để đầu tư.

Nhưng Mỹ Linh nghĩ với người mới bắt đầu thì chỉ nên đầu tư bằng vốn nhàn rỗi, như vậy sẽ đỡ mạo hiểm hơn và không bị ảnh hưởng tâm lý quá nhiều.

"Không phải trong chứng khoán nhưng mình đã thấy một số trường hợp tìm hiểu chưa kĩ mà đã vay tiền để đầu tư tiền ảo và thua lỗ nặng. Bất cứ hình thức đầu tư nào cũng có rủi ro, thế nên hãy xác định là bạn có thể sẽ mất tiền".

Để bớt rủi ro thì Mỹ Linh dùng vốn nhàn rỗi, đây là khoản tiền chúng ta sẽ không phải dùng đến trong một khoảng thời gian nhất định, có thể tối thiểu là một năm.

"Do mình vẫn có thêm những nguồn thu nhập khác nên hoàn toàn chưa cần dùng đến số vốn này. Ban đầu mình chỉ dùng khoảng 10% vốn nhàn rỗi của mình thôi, sau đó thì tăng lên dần. Cũng không nên bỏ hết vốn vào chứng khoán mà nên chia vốn nhàn rỗi ra các kênh đầu tư khác để hạn chế rủi ro.

Mình thấy những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm thì sẽ theo sóng của từng thị trường, lúc có sóng chứng khoán thì họ đổ thêm tiền vào chứng khoán, khi có sóng bất động sản thì họ tập trung sang bất động sản. Mình cũng đang cố gắng học thêm các kiến thức đầu tư để có thể nhanh nhạy hơn và đầu tư đa kênh", Mỹ Linh chia sẻ.

Mỹ Linh sẽ chỉ đầu tư vào chứng khoán bằng số tiền nhàn rỗi.

2.

Học hỏi và tìm hiểu những nguồn thông tin đáng tin cậy

Hãy tìm hiểu thông tin từ những nguồn đáng tin cậy để hiểu hơn về xu hướng thị trường, ngành và công ty cũng như tâm lý thị trường.

- Lập nhóm cùng bạn bè để cùng tìm hiểu kiến thức, chia sẻ những thông tin hữu ích.

- Đọc sách, các khóa học online: Có rất nhiều sách hay các khóa học đầu tư theo từng trường phái khác nhau, có thể chọn sách tùy theo trường phái bạn thích.

- Thông tin từ các báo tài chính uy tín, báo cáo quý, báo cáo thường niên, phân tích cơ bản của ngành và công ty.

- Phân tích từ các công ty chứng khoán: Các công ty chứng khoán thường chia sẻ phân tích thị trường, phân tích công ty cùng các khuyến nghị mua và bán. Có thể dễ dàng tìm được những thông tin này trên website, fanpage hay kênh Youtube của họ.

- Broker (người môi giới): Có một số người khá ác cảm với broker, cho rằng broker chuyên "lùa gà", "lừa đảo". May mắn là Mỹ Linh chưa gặp phải broker nào như vậy và việc tham khảo broker giúp tiết kiệm khá nhiều thời gian, có thêm thông tin và đưa ra quyết định tốt hơn.

Đầu tư chứng khoán muốn vốn không bị “bốc hơi” hãy tham khảo kinh nghiệm hữu ích từ 9X xinh đẹp này - Ảnh 5.

Linh luôn tìm hiểu thông tin từ những nguồn đáng tin cậy để hiểu hơn về xu hướng thị trường, ngành và công ty cũng như tâm lý thị trường.

"Nhìn chung thì hầu hết các room (phòng chat) cung cấp thông tin của broker đều miễn phí nếu đầu tư một số vốn nhất định. Nếu không hài lòng thì bạn có thể đổi sang broker khác. Mình thì thấy có broker không mất thêm phí gì mà lại thêm nhiều thông tin hữu ích nên cũng tham gia room của các broker.

Hãy chọn những broker có tâm, có phong cách đầu tư phù hợp với bạn (độ rủi ro thấp hay cao, đầu tư ngắn hạn hay trung/dài hạn,...), có kết quả đầu tư đã được chứng minh, được bạn bè bạn tin dùng. Và đặc biệt quan trọng là hãy kết hợp nhiều nguồn thông tin để tự đưa ra lựa chọn của mình.

Dù một broker giỏi có thể hạn chế rủi ro và giúp bạn đạt hiệu quả đầu tư cao hơn nhưng không ai có thể đảm bảo tỷ lệ chính xác 100%, kể cả những nhà đầu tư huyền thoại như Warren Buffett. Người khác có thể cho bạn lời khuyên nhưng bạn sẽ là người suy nghĩ, hành động và tự chịu trách nhiệm với kết quả đầu tư của bạn", Mỹ Linh chia sẻ.

3.

Hãy lập ra những quy tắc và kỷ luật tuân theo

- Chọn trường phái phù hợp

Có nhiều trường phái đầu tư với các nguyên tắc khác nhau, phổ biến nhất là đầu tư giá trị, đầu tư tăng trưởng, đầu tư cơ bản, đầu tư kỹ thuật. Hãy tìm hiểu xem phương pháp nào phù hợp với bạn. Hãy xác định số vốn, số thời gian bạn có thể đầu tư cũng như độ rủi ro mà bạn có thể chấp nhận.

- Không nên đầu tư vào quá ít hoặc quá nhiều mã

Số mã trong danh mục: Không nên đầu tư vào quá ít hoặc quá nhiều mã. "Mình nghĩ khoảng 3-5 mã là phù hợp. Nếu ít mã thì quá mạo hiểm còn nhiều mã quá thì lại khó quản lý và không nhanh nhạy khi thị trường biến động.

Ban đầu mình khá tham lam sợ bỏ lỡ cơ hội tốt và mua khá nhiều mã, sau đó mình nhận ra kể cả tất cả các mã có lãi hết đi chăng nữa thì cũng không mang lại hiệu suất đầu tư cao nhất. Nếu có số lượng mã phù hợp thì có thể nhanh chóng xử lý, ví dụ như mua thêm hay bán ngay nếu cần".

- Trường phái chậm mà chắc nên chủ yếu mua bluechip và midcap

Tùy theo vốn hóa thị trường mà phân loại công ty thành bluechip (vốn hóa lớn), midcap (trung bình) hay penny (vốn hóa nhỏ).

Những công ty bluechip và midcap sẽ tăng trưởng ổn định hơn và bớt rủi ro hơn, ngược lại thì cổ phiếu penny rủi ro cao hơn nhưng cũng có khả năng sinh lời lớn hơn. Thế nên tùy theo trường phái mà mỗi nhà đầu tư sẽ có một lựa chọn khác nhau. Mỹ Linh theo trường phái chậm mà chắc nên chủ yếu mua bluechip và midcap, với penny thì nếu mua cũng sẽ không mua nhiều.

Đầu tư chứng khoán muốn vốn không bị “bốc hơi” hãy tham khảo kinh nghiệm hữu ích từ 9X xinh đẹp này - Ảnh 6.

- Quy tắc cắt lỗ, chốt lời

Điều quan trọng nhất cần học được là xác định mốc chốt lời và cắt lỗ và kỷ luật tuân theo. Có những lúc tham lam, cứ nghĩ sẽ còn tăng nữa nên dùng dằng mãi không bán, nhưng nếu vậy khi thị trường điều chỉnh sẽ bị giảm lãi, hay thậm chí là thành lỗ luôn.

Nhưng nếu không cẩn thận thì hoàn toàn có thể xảy ra tình huống từ lãi 20% xuống thành lỗ. Thế nên khi đã đạt số lãi theo mục tiêu đề ra, ví dụ tầm 15% thì Mỹ Linh sẽ bán dần. Tương tự với việc cắt lỗ, bạn có thể đặt tỷ lệ cắt lỗ là 3%, 5% hoặc thậm chí là 8%, tùy mức độ rủi ro bạn có thể chịu.

Nếu bạn tiếp tục dùng số lãi của những cổ phiếu đã bán để đầu tư thì sẽ được hưởng lãi kép và gia tăng tài sản nhanh hơn. Tuy nhiên, với những người muốn hạn chế rủi ro hết mức và bảo toàn vốn thì có thể rút lãi ra dần.

Ví dụ như bạn đầu tư vào 100 triệu, lãi bao nhiêu bạn cứ rút ra dần và cuối cùng bạn đã lãi đủ 100 triệu và rút được toàn bộ số vốn 100 triệu ban đầu ra. Bạn có thể dùng 100 triệu còn lại để đầu tư và không cần rút lãi nữa mà để lại để hưởng lãi kép. Lúc đó bạn đã rút về được 100 triệu ban đầu nên không cần quá lo sợ về việc mất tiền vì chứng khoán.

- Canh giá mua bán, chia nhỏ thành nhiều lệnh

Mỹ Linh sẽ không mua hết tiền vào một lệnh mà sẽ chia nhỏ thành nhiều lệnh để theo dõi thêm, lúc bán cũng tương tự vậy. Khi đặt lệnh bán thì sẽ đặt thêm một lệnh giá trần (là mức giá cao nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch) để trong trường hợp đột ngột tăng mạnh ngoài dự kiến thì vẫn có được mức giá tốt hơn.

    4.

    Tâm lý - Hãy kiên nhẫn

Kỷ luật

Tuyệt đối tuân theo những kỷ luật đã đặt ra. "Thật ra mình vốn không phải là người quá kỷ luật, nhưng mình cũng đang cố gắng kỷ luật hơn vì mình biết là khi thị trường đang trong xu hướng tăng thì không sao nhưng nếu có những biến động lớn thì kỷ luật có thể cứu mình khỏi việc thua lỗ nặng", Mỹ Linh chia sẻ.

Tránh FOMO (Fear of missing out)

FOMO là trạng thái tâm lý khi ta sợ bỏ lỡ những cơ hội tốt do đang đứng ngoài cuộc. Trạng thái tâm lý này dễ dẫn đến những quyết định sai lầm, ví dụ chưa tìm hiểu kỹ mà mua ngay, hay đạt lãi đúng kỳ vọng nhưng chưa bán vì sợ bán xong còn tăng nữa, sẽ “mất hàng”.

Kiên nhẫn và bình tĩnh

Không thể lúc nào cũng kỳ vọng vừa mua là đã tăng vèo vèo ngay được, thế nên bạn cần kiên nhẫn. Tương tự thế thì cũng nên bình tĩnh trong bất cứ tình huống nào và giải quyết theo cách tốt nhất có thể. Việc mất bình tĩnh không chỉ dẫn đến quyết định sai lầm mà còn khiến tâm trạng bực bội, ảnh hưởng đến những công việc và mối quan hệ khác trong cuộc sống.

Không ngừng học hỏi

Hãy nhìn nhận lại những sai lầm mình đã mắc phải để đưa ra những quyết định tốt hơn trong tương lai. Cũng nên không ngừng học hỏi từ những người khác để gia tăng kiến thức.

"Đây là một số quan điểm mà mình đã rút ra sau một thời gian đầu tư. Mình cũng không dám tự nhận là chuyên gia gì cả, có rất nhiều người giỏi hơn mình với nhiều kiến thức, kinh nghiệm cũng như hiệu quả đầu tư cao hơn mình.

Mình cũng đang không ngừng học hỏi để ngày càng có thêm nhiều kiến thức về lĩnh vực đầu tư và tài chính nói chung. Nhưng mình mong là những chia sẻ này có thể giúp ích cho những bạn đang có ý định đầu tư, giúp các bạn tránh được một số lỗi thường gặp và đạt thành quả tốt hơn", Mỹ Linh chia sẻ.

Bài viết ghi theo lời chia sẻ của nhân vật - Ảnh và video: NVCC