Canxi là một loại khoáng chất được tìm thấy trong các loại thực phẩm như sữa, đậu phụ, hải sản, rau xanh. Canxi cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, chúng giúp duy trì khả năng đông máu, cần thiết cho các hoạt động của tim, xây dựng xương và răng chắc khỏe... Vì vậy, nếu cơ thể bị mất canxi hoặc thiếu canxi sẽ khiến các cơ, xương và răng bị tổn thương, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần.
Theo tờ Insider, hơn 40% dân số Hoa Kỳ không tiêu thụ đủ canxi trong chế độ ăn uống. Và, vào năm 2011, có hơn 3,5 tỷ người trên thế giới có nguy cơ bị thiếu canxi.
Khoảng 99% lượng canxi trong cơ thể được lưu trữ trong răng và xương. Kelly Rashid, một chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Fort Lauderdale, Florida cho hay: "1% còn lại được tìm thấy trong máu và trong tế bào và mô của chúng ta. Khi ở trong máu, canxi hoạt động như một chất điện phân và đóng một vai trò quan trọng đối với nhịp tim".
Các triệu chứng của thiếu hụt canxi là gì?
Càng nghiêm trọng thì các triệu chứng của việc thiếu canxi càng rõ ràng. Theo Bansari Acharya, một chuyên gia dinh dưỡng tại bang Michigan, Mỹ, thiếu canxi có thể gây ra các triệu chứng như:
- Co thắt cơ bắp
- Chuột rút
- Đau nhức cơ bắp
- Nhịp tim bất thường
- Giảm xương
- Loãng xương
- Hạ canxi huyết
Ngoài ra, hàm lượng canxi thấp có thể gây mất ngủ hoặc buồn ngủ. Cảm giác mệt mỏi liên quan đến thiếu canxi có thể khiến bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, thiếu tập trung, hay quên và lú lẫn.
Bên cạnh đó, khi ở trong tình trạng mất canxi, bạn sẽ dễ tỉnh giấc vào ban đêm, không dễ chìm vào giấc ngủ. Đồng thời cảm thấy chán ăn, sức đề kháng cơ thể thấp, dễ cảm lạnh, da kém...
Da bạn có thể trở nên khô và ngứa, móng tay khô, gãy và dễ gãy. Nó cũng có thể góp phần gây tóc yếu, dễ rụng.
Nghiêm trọng hơn, tình trạng thiếu canxi có liên quan đến rối loạn tâm trạng, bao gồm cả trầm cảm. Bất cứ ai nghi ngờ rằng sự thiếu hụt canxi đang tác động vào các triệu chứng trầm cảm nên yêu cầu bác sĩ làm các xét nghiệm và kiểm tra nồng độ canxi trong máu.
Nguyên nhân nào gây thiếu canxi?
Mặc dù canxi có sẵn trong nhiều loại thực phẩm, nhưng có nhiều lý do khiến bạn bị thiếu hụt loại khoáng chất này. Những người sau đây có nhiều nguy cơ bị thiếu canxi :
- Người ăn chay có thể tiêu thụ ít canxi hơn từ chế độ ăn uống của họ, đặc biệt là những người ăn thuần chay, vì họ tránh sữa.
- Những người không thể dung nạp lactose từ sữa - một nguồn cung cấp canxi lớn.
- Phụ nữ sau mãn kinh, do giảm sản xuất estrogen có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi.
- Thiếu canxi cũng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh, mặc dù các triệu chứng và nguyên nhân là khác nhau. Đây được gọi là hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh.
Khi nào chúng ta nên đến gặp bác sĩ vì thiếu canxi?
Chuyên gia dinh dưỡng Acharya cho hay: "Nếu bạn đang gặp các triệu chứng như đau nhức cơ, ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân hoặc thay đổi trạng thái tinh thần, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt".
Ngoài ra, nếu gia đình bạn có tiền sử loãng xương. Gần đây bạn thấy chiều cao của mình đang có xu hướng giảm so với ngày trước, đó có thể là dấu hiệu của việc mất xương do lượng canxi hấp thụ không đủ trong thời gian dài.
Cách an toàn và dễ dàng nhất để điều trị hoặc ngăn ngừa sự thiếu hụt canxi là bổ sung thêm canxi vào chế độ ăn uống.
Một số thực phẩm giàu canxi bao gồm: Các sản phẩm từ sữa như sữa chua, pho mát... Đậu, quả sung, bông cải xanh, đậu hũ, sữa đậu nành, rau bina, ngũ cốc, các loại hạt (hạnh nhân, hạt vừng).
Trước khi bổ sung canxi, bạn cũng cần nói chuyện với bác sĩ bởi việc hấp thụ quá nhiều canxi có thể làm tăng canxi huyết, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, sỏi thận và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Nếu việc điều chỉnh chế độ ăn không thể cải thiện tình trạng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm canxi.
(Nguồn: Insider, Medicalnewstoday)