Có con gái là em Nguyễn Hạ Vy năm nay thi vào lớp 10, chị Vũ Thu Huyền (41 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) thời gian gần đây thấp thỏm vì lo con phải thi... môn thứ tư. Theo quyết định hiện hành của UBND thành phố, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ có 4 môn thi, gồm 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 công bố vào tháng 3 hàng năm.
Tuy nhiên, chị Huyền cho rằng, có 2 lý do khiến chị mong Hà Nội bỏ môn thi thứ 4. Thứ nhất, việc thi 3 môn sẽ giảm áp lực cho học sinh. Đây là lứa học sinh phải học online 3 năm vì dịch Covid-19 bao gồm lớp 6, lớp 7 và lớp 8 - là các năm học tạo nền tảng cả về kiến thức lẫn kỹ năng cho các con.
Thứ hai, việc chỉ thi tốt nghiệp THCS với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ sẽ phù hợp với định hướng của chương trình GDPT mới khi đây là 3 môn bắt buộc trong cấp THPT.
"Sẽ là không hợp lý khi học sinh thi vào lớp 10 bằng một môn mà ngay sau đó vài tháng con sẽ không lựa chọn môn đó để học trong chương trình THPT. Việc này không khác gì yêu cầu một người phải vác theo một chiếc thuyền với mái chèo để leo núi chỉ bởi vì 4 năm trước người đó sống trên sông.
Do đó, việc thay đổi nên thực hiện đồng bộ, từ việc thi vào 10 đến việc lựa chọn tổ hợp theo khả năng và nguyện vọng khi học trung học phổ thông để đảm bảo đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo", chị Huyền nói.
Xung quanh tranh luận về vấn đề có nên bỏ môn thi thứ tư, có ý kiến cho rằng, thực tế các năm có môn thi thứ 4, thì đây là môn thi thường có kết quả rất cao, thậm chí mang tính chất "gỡ điểm" cho học sinh. Như vậy bỏ môn thi thứ 4 chưa chắc đã có lợi.
Đơn cử như kỳ thi năm 2019-2020, phổ điểm môn Lịch sử (môn thi thứ 4) cao kỷ lục và là môn gỡ điểm cho các sĩ tử. Cụ thể trong 84.908 thí sinh dự thi có tới 25% thí sinh đạt 8-9 điểm, 951 em đạt 10 điểm. Môn Lịch sử cũng là môn duy nhất không có thí sinh bị điểm 0 và gần 90% số bài thi trên trung bình.
Phản bác ý kiến này, chị Huyền cho rằng, môn Lịch sử mùa tuyển sinh 2019-2020 và 2021-2022 là môn học thuộc có thể đạt điểm cao với đại đa số học sinh dù là thiên hướng xã hội hay tự nhiên. Tuy nhiên, định hướng của Sở GD&ĐT Hà Nội là "môn thứ tư sẽ được chọn ngẫu nhiên trong 6 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh học".
Do đó, nếu năm 2023 thi môn thứ 4 và môn ngẫu nhiên được lựa chọn là một trong các một tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh - là các môn đòi hỏi học sinh vừa phải học thuộc lý thuyết, vừa phải giải bài tập tự luận thì sẽ không có nhiều điểm cao như môn Lịch sử, đặc biệt trong tình trạng nhiều học sinh bị hổng kiến thức nền về phương pháp luận và nguyên tắc của các môn này do học online 3 năm.
"Với ý kiến này, cũng có thể đặt ngược lại câu hỏi, là môn thi thứ 4 có khi nào là môn "tử" như nhiều phụ huynh vẫn gọi đùa (trong lo lắng) hay không? Theo tôi, cái lợi cho học sinh trước tiên và cao nhất phải là sự phù hợp. Mà môn thứ 4 giờ đã không còn phù hợp theo định hướng giáo dục phổ thông mới", chị Huyền nói.
Chị Huyền cho biết, mong muốn của Hạ Vy là thi đỗ trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ). Tuy nhiên, do trường có điểm chuẩn hàng năm rất cao nên con có thể điều chỉnh nguyện vọng khi đăng ký chính thức tùy thuộc vào thực tế, trong đó bao gồm việc có môn thi thứ 4 hay không và môn đó có phải là môn con có lợi thế hay không.
Bỏ hẳn môn thi thứ 4 sẽ tránh gây lãng phí cho công tác tổ chức thi
Đồng tình với ý kiến này, chị Nguyễn Thu Hương (41 tuổi, Giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), mẹ của em Nguyễn Quang Lâm, học sinh trường THCS Bế Văn Đàn cho rằng, môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội không có nhiều giá trị nếu Sở GD&ĐT muốn tránh tình trạng học lệch cho học sinh.
"Việc lựa chọn tổ hợp được bắt đầu từ năm học 2022-2023, cho phép học sinh lớp 10 học ít môn hơn và được lựa chọn môn học theo năng khiếu, sở thích của mình. Như vậy môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 trong tình hình hiện tại đã hoàn toàn không phù hợp với định hướng của chương trình GDPT mới và nên được bỏ. Ngoài ra, việc bỏ hẳn môn thi thứ 4 sẽ tránh gây lãng phí cho công tác tổ chức thi tại địa phương", chị Hương chia sẻ.
Giảng viên này cho rằng, kết quả nhiều năm trước cho thấy môn thi thứ 4 (Lịch sử) đúng là có "gỡ điểm" cho học sinh. Tuy nhiên nếu thay vì phải phân bổ thời gian cho môn thứ 4 và học một cách đối phó trong giai đoạn ôn nước rút để rồi sau khi thi xong, kiến thức môn đó rơi rụng ngay thì việc dành toàn bộ thời gian tập trung cao độ vào 3 môn thi bắt buộc, được xác định trước, chắc chắn cũng sẽ giúp học sinh nâng cao điểm số hơn. Do đó việc bỏ môn thi thứ 4 cơ bản không gây ảnh hưởng gì đến kết quả thi nếu các học sinh tập trung ôn cẩn thận.
Đối với ý kiến cho rằng, nhiều phụ huynh đồng loạt đề xuất bỏ môn thi thứ 4 sẽ gây "thiệt thòi" cho một số thí sinh không học tốt 3 môn bắt buộc, theo chị Hương, năm ngoái con chị cũng từng thi vào lớp 10 và chị hiểu kỳ thi này gây áp lực cực kỳ lớn cho học sinh và phụ huynh bởi tính "khốc liệt" của nó.
"Để có thể bước chân vào cánh cửa trường công lập, các con bắt buộc phải có sức học khá, giỏi cộng tâm lý thi cử vững vàng. Nếu thí sinh học không tốt 3 môn bắt buộc trong đó Toán, Văn lấy hệ số 2 thì cho dù môn thứ 4 đạt điểm tối đa cũng cực kỳ khó có khả năng cạnh tranh trong cuộc chiến vào trường công lập. Đây là thực tế mà chính bản thân mình và nhiều phụ huynh đã trải qua nên mình rất mong các con học sinh cuối cấp 2 có thể dồn toàn lực cho việc học để không bị rơi vào tình trạng nói trên", bà mẹ này chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Hà (44 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) có con năm nay thi vào lớp 10 (nguyện vọng THPT Chuyên Sư phạm, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chu Văn An) cho rằng, chị đồng quan điểm về việc bỏ môn thi thứ 4 vào 10 năm nay. Nếu có thể bỏ hẳn luôn thì càng tốt.
Nói về việc liệu việc nhiều phụ huynh đồng loạt đề xuất bỏ môn thi thứ 4 có "thiệt thòi" cho một số thí sinh không học tốt 3 môn bắt buộc, chị Hà chia sẻ, với những bạn không học được tốt 3 môn bắt buộc thì thêm 1 môn nữa chỉ là thêm gánh nặng, thêm áp lực mà thôi.
Anh Nguyễn Kim Phương (thường được biết đến trên mạng xã hội với bút danh Trần Phương qua các bài viết về đề tài giáo dục), admin Nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi HSG tiếng Anh cho biết, anh hoàn toàn ủng hộ việc bỏ môn thi thứ tư nhằm giảm áp lực cho học sinh, đồng thời phù hợp với định hướng của chương trình GDPT mới.
Đồng tác giả 2 cuốn sách Cùng con vượt qua các kỳ thi; Tư vấn kỳ thi vào 10 - nhà văn Bùi Ngọc Phúc thì nhận định, thời điểm Sở GD&ĐT Hà Nội công bố môn thứ tư, hầu hết thí sinh đều tranh thủ nhồi nhét kiến thức, nhưng điểm môn thi không phản ánh đúng kết quả 9 năm học tập. Trong khi các địa phương công bố các môn thi sớm, thiết nghĩ Sở GD&ĐT Hà Nội nên quyết định xem môn thi thứ tư còn phù hợp không, đặc biệt khi toàn quốc áp dụng chương trình GDPT mới.