Theo tiến sĩ y khoa Carolyn McAloon (Chủ tịch Học viện Podiatry California, Mỹ): Những thay đổi trên da, móng tay và thậm chí cả cảm giác đau của bàn chân... đều có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm. Lý do là vì bàn chân chứa vô số dây thần kinh và mạch máu liên kết với mạch máu ở tim, cột sống và não... Hơn nữa, khi cơ thể gặp trục trặc, máu sẽ được ưu tiên chuyển đến những bộ phận thiết yếu khác, hiện tượng thiếu máu ở chân rất có thể là dấu hiệu cảnh báo một cơ quan nào đó đang trục trặc.
Nếu bỗng dưng thấy chân có 5 sự thay đổi dưới đây, bạn nên coi chừng đó là dấu hiệu của bệnh tật.
1. Lông chân bỗng dưng ít dần: Tốc độ lưu thông máu có vấn đề
Với những người yêu cái đẹp, lông chân có thể là yếu tố thật sự "kém sang". Nhưng Tiến sĩ Carolyn McAloon cho rằng, nếu lưu lượng máu gửi đến chân bị thiếu hụt thì sẽ không đủ để lông có thể phát triển. Nếu lông chân bỗng dưng thưa thớt, ít dần nghĩa là tốc độ lưu thông máu của cơ thể có vấn đề, kiểm tra sức khỏe của tim là điều mà bạn nên cân nhắc.
2. Thường xuyên bị chuột rút: Thiếu nước hoặc dinh dưỡng
Chuột rút bất thường có thể gây ra bởi sự thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc các bệnh hệ tuần hoàn, thần kinh.
Ngoài ra, thiếu nước cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chuột rút, do đó mỗi khi vận động mạnh bạn cần bổ sung nước kịp thời. Việc bổ sung kali, magie, canxi và các khoáng chất khác cũng có thể làm giảm chứng chuột rút do thiếu điện giải.
Tiến sĩ Carolyn McAloon cũng gợi ý rằng nếu muốn giảm chứng chuột rút, bạn có thể ngâm chân trong nước ấm. Nếu làm đủ các cách trên mà các triệu chứng chuột rút vẫn chưa được cải thiện, bạn cần đi gặp bác sĩ để được kiểm tra về khả năng tổn thương hệ tuần hoàn và thần kinh.
3. Vết thương khó lành: Tiểu đường hoặc ung thư da
Mức đường huyết không được kiểm soát có thể gây tổn thương thần kinh, lúc này có thể xảy ra nhiều chấn thương và đau nhẹ mà không được chú ý. Nếu bạn bị nhiễm trùng chân vào thời điểm này mà không điều trị kịp thời, bạn thậm chí sẽ phải cắt cụt chân tay trong những trường hợp nặng nhất.
Ngoài ra, Tiến sĩ Carolyn McAloon chỉ ra rằng những vết thương khó lành cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư da. Ung thư hắc tố có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, kể cả giữa các ngón chân, vì vậy bàn chân cũng nên đi khám da nếu thấy vết thương xuất hiện đột ngột và lâu lành.
4. Tê chân: Bệnh thần kinh ngoại biên hoặc tổn thương thần kinh
Tê chân là một trong những triệu chứng của “bệnh thần kinh ngoại biên” mà nguyên nhân phần lớn là do bệnh tiểu đường, nghiện rượu hoặc do tác dụng phụ của hóa trị. Ngoài ra, triệu chứng tê chân đơn lẻ có thể do u thần kinh chèn ép dây thần kinh bàn chân, mắt cá chân hoặc lưng...
Tê chân cũng có thể là dấu hiệu của mạch máu bị tắc, dẫn đến tình trạng máu lưu thông bị cản trở, gây ra hiện tượng tê cục bộ ở bàn chân.
Nguy hiểm hơn, đối với những người bị huyết áp cao, mỡ máu cao, xơ cứng động mạch... thì tê chân có thể là dấu hiệu sớm của cơn đột quỵ. Hầu hết nạn nhân đột quỵ đều nhận thấy sự suy yếu, tê mỏi ở một hoặc hai chân đi kèm dấu hiệu mất thính giác, khó nói chuyện...
5. Sưng bàn chân: Bệnh tim mạch, bệnh thận
Nếu tim của bạn bị tổn thương, một hoặc cả hai ngăn dưới của tim (tâm thất trái và tâm thất phải) sẽ mất khả năng bơm máu hiệu quả. Đồng thời, khả năng thu hồi máu từ các cơ quan trở về tim cũng giảm sút, gây ứ đọng máu tại các tĩnh mạch và cuối cùng dẫn đến tình trạng phù nề ở cẳng chân, bàn chân và mắt cá chân... Nếu bạn thấy bàn chân sưng lên mà không có lý do rõ ràng thì hãy đi khám tim càng sớm càng tốt.
Không những thế, sưng chân còn là một dấu hiệu nhận biết chứng suy thận. Thận bị hỏng không loại bỏ được chất lỏng dư thừa nữa, do vậy chất lỏng tích tụ trong cơ thể khiến bạn bị phù ở chân, cổ chân, bàn chân, mặt...
(Nguồn: Aboluowang, Sohu)