Một gia đình nọ có con trai mới 10 tuổi, đang học tiểu học. Người mẹ rất nóng tính, thường xuyên quát con to đến mức hàng xóm xung quanh đều nghe thấy. Cứ sau 20h tối là tầm giờ bé trai được mẹ kèm học bài. Hầu như ngày nào cũng vậy, tiếng quát ầm ĩ lại vọng lên: "Sao con ngớ ngẩn thế? Bài dễ thế này cũng không làm xong", "Sao vẫn chưa hiểu à? Đầu óc kiểu gì vậy?",...

Một ngày nọ, người mẹ cho con đi học gia sư. Lúc đầu, cậu bé ngồi làm bài tập gia sư giao rất ngoan ngoãn và nghiêm túc. Chỉ trong chốc lát, em đã làm xong bài. Nhưng khi thầy giáo xem qua bài làm thì ngớ người. Rất nhiều câu đơn giản em đều làm sai, thậm chí còn bỏ trống.

Khi thầy giáo nhắc nhở em kiểm tra lại đáp án thì em bất ngờ hỏi: "Có phải sai rất nhiều câu không ạ? Thưa thầy, em tương đối ngốc nghếch, nhiều cái không biết làm. Nhưng những gì biết, em đã làm ạ".

Trông ánh mắt đầy bất lực và tuyệt vọng của cậu bé, thầy giáo chỉ đành từ tốn hướng dẫn em từng câu. Kết quả, em nói tiếp: "Cái này em không biết làm. Mẹ cũng nói là em quá dốt, không làm được loại bài tập này". Trên mặt em hiện rõ sự không chắc chắn, tự ti về bản thân, tự nhận mình kém cỏi.

Sau đó, thầy gia sư đã phải trao đổi lại với mẹ cậu bé về việc dạy dỗ con hàng ngày.

Tâm lý học từng đề cập đến một hiện tượng, đó là trong quá trình học tập, vì một số lý do mà nhiều đứa trẻ dần hình thành cảm giác kém cỏi, thiếu tự tin. Các em sẽ thấy mình "càng học càng dốt".

Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng, trẻ dễ dàng tiếp nhận những tín hiệu từ thế giới bên ngoài, bao gồm cả lời nói của cha mẹ. Nếu cha mẹ thường mắng con ngu ngốc, con sẽ nhận được "gợi ý" này và vô thức cho rằng "mình thật sự rất ngu ngốc"!

Tiềm thức sẽ điều khiển hành vi của chúng ta. Khi trẻ nghe được những chỉ dẫn từ tiềm thức, chúng sẽ thực sự phát triển theo hướng "ngu ngốc" và trở thành "những đứa trẻ ngu ngốc" như cha mẹ nói.

Thế nên, cha mẹ thường xuyên nói những câu chê bai con ngu ngốc thì trí thông minh của con sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu cha mẹ thường xuyên nói câu này, trí thông minh của con sẽ sụt giảm! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngôn từ tiêu cực có thể ảnh hưởng cả cuộc đời trẻ

Sức mạnh của ngôn từ mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều. Những lời nói tích cực có thể khiến trẻ thông minh hơn. Trong khi đó những lời nói tiêu cực có thể hủy hoại cuộc đời trẻ.

Có câu chuyện như sau: Một cô gái có năng khiếu văn chương, hồi cấp 1 thường xuyên được đăng bài trên tạp chí. Nhưng gia đình lại hay mắng mỏ cô "không làm được gì ra hồn". Tuy bề ngoài cô gái luôn vui vẻ nhưng thực chất, lòng tự trọng rất thấp. Từ nhỏ, cô đã không muốn vận dụng trí óc vào việc học mà chỉ duy trì tình yêu với ngôn từ, viết lách.

Sau này, cô làm thư ký tại một công ty nhỏ, sống đời nhàm chán và chỉ dành thời gian cho việc viết tiểu thuyết. Cách đây không lâu, một công ty lớn bất ngờ liên hệ, mời cô đảm nhận vị trí biên kịch. Cô rất phấn khích nhưng lại từ bỏ vì chợt nhớ tới lời mắng mỏ trước đây của cha mẹ. Sợ mình "không làm được gì ra hồn", cô từ bỏ cơ hội công việc.

Dù được bạn bè thuyết phục cỡ nào, cô cũng không dám thử thách bản thân.

Chính những lời nói tiêu cực bấy lâu của cha mẹ đã triệt tiêu sự tự tin của cô gái, khiến một đứa trẻ vốn thông minh, có năng khiếu trở nên ngu ngốc, không dám theo đuổi sở trường của mình.

Ngôn từ tích cực sẽ giúp trẻ đi theo hướng mong đợi

Có một cậu bé nọ rất thông minh, nhưng lại nhút nhát. Trong giờ học, em biết câu trả lời nhưng lại không dám giơ tay. Một ngày nọ, cô giáo đưa ra câu hỏi khó và không ai trả lời đúng. Thấy vẻ thấp thỏm, muốn giơ tay rồi lại thôi của cậu bé, cô giáo đã mỉm cười, gọi em đứng dậy.

Cậu bé nói ra câu trả lời một cách e dè và căng thẳng. Tuy nhiên cô giáo đã giơ ngón tay cái ủng hộ, khuyến khích em nói to và mạnh dạn hơn. Như được tiếp thêm sức mạnh, cậu bé đứng thẳng lưng, dõng dạc nói ra đáp án.

Sau này, cậu bé trở nên tự tin hơn rất nhiều. Trong các tiết học, em đã giơ tay khi cô giáo đưa ra câu hỏi.

Thực tế, việc người lớn đưa ra những "gợi ý" cho trẻ không hề khó. Đôi khi một hành động đơn giản, một cái nhìn tích cực của cha mẹ cũng có tác động lớn đến con.

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu trẻ cư xử tốt, ngoài việc động viên, chúng ta còn có thể ôm, gật đầu, giơ ngón tay cái lên hoặc tặng cho trẻ một cái nhìn tán thưởng.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tránh những ý nghĩ, hành động tiêu cực. Khi trẻ mắc lỗi, đừng mất bình tĩnh, đừng to tiếng, hay vội vàng "dán nhãn" con bằng những từ chê bai, xúc phạm chẳng hạn như "ngốc nghếch", "vô dụng",...

Nếu muốn con cái thông minh, chính cha mẹ phải quản lý phát ngôn của mình trước!