Về việc tích lũy tài sản, nhà hoạch định tài chính Steve Repak sau nhiều năm làm nghề đã nhận ra một điều. Đó là bất kể bạn kiếm được bao nhiêu tiền cũng không quan trọng bằng việc bạn quản lý tiền bạc của mình ra sao.
Nếu không có cách đối xử đúng đắn với tiền thì dù bạn kiếm được rất nhiều nhưng cuối cùng cũng chẳng còn lại một xu, thậm chí còn rơi vào cảnh mắc nợ.
Có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, Steve Repak nhận ra những người giàu thường có 4 thói quen tài chính sau đây:
1. Tiêu ít hơn số tiền kiếm được
Bất kể bạn kiếm được bao nhiêu tiền, chỉ khi tiêu ít hơn số tiền kiếm được thì bạn mới không rơi vào cảnh tay trắng.
Có một sự thật khá trái khoáy đó là hầu hết mọi người đều biết rõ họ kiếm được bao nhiêu tiền, thế nhưng chưa chắc đã biết tường tận mình tiêu hết bao nhiêu. Họ chỉ có thể nắm được đại khái 70% đến 80% số tiền tiêu ra cùng những khoản mục đã mua sắm.
Nếu muốn trở thành người “có tiền” thì bạn phải nắm rõ được bản thân đã chi ra bao nhiêu và tiêu tiền vào đâu. Khi biết được điều đó, bạn mới hiểu được khoản chi nào là lãng phí không cần thiết để thay đổi, sửa chữa.
2. Hầu như không có nợ
Trong cuộc sống, nhiều khi bạn cần đi vay tiền, đó là điều bình thường không có gì nghiêm trọng. Nhưng Repark tin rằng chỉ có 3 trường hợp mà bạn có thể mắc nợ và bạn cần phải tính toán rủi ro cụ thể cho mỗi trường hợp ấy, đó là vay đi học, vay mua nhà và vay tiền để khởi nghiệp.
Repark cho rằng đầu tư vào bản thân là khoản đầu tư có lợi nhất, vì vậy không có gì sai khi bạn vay các khoản vay sinh viên để học tập. Ngoài ra, nếu bạn đã đo lường được những ưu khuyết điểm của việc mua nhà, vậy thì sở hữu bất động sản của riêng mình sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với đi thuê. Về vấn đề khởi nghiệp, nghĩa là bạn sẽ làm chủ mọi thứ, chỉ cần bạn chắc chắn rằng mình có thể gánh được khoản lỗ thì vay nợ là điều hết sức bình thường.
Đó đều là những khoản vay nợ sẽ sinh lời, giúp bạn trở nên giàu có hơn. Ngược lại nếu bạn vay nợ để mua sắm và hưởng thụ, số tiền không thể sinh lời thì sự giàu có sẽ không bao giờ đến với bạn đâu!
3. Tiết kiệm tiền hiệu quả
Những người giàu có luôn biết chi tiêu và tiết kiệm một cách hiệu quả, không bao giờ chi dùng quá mức hay mua sắm một cách phi lý trí.
Họ luôn có kế hoạch rõ ràng để tiết kiệm cho các quỹ khẩn cấp, quỹ mua nhà, quỹ mua xe và cả quỹ để nghỉ hưu.
Trước khi tiến hành đầu tư để tăng khối tài sản thì tất cả những người giàu đều có ý thức tiết kiệm tiền rất tốt. Từ số tiền tiết kiệm ban đầu, qua các phương án đầu tư khôn ngoan, họ sẽ trở nên giàu có hơn.
4. Không để cảm xúc ảnh hưởng đến các quyết định tài chính
Cảm xúc có thể giúp chúng ta trong một số trường hợp nhưng trong những tình huống liên quan đến tiền bạc, cảm xúc lại thường là yếu tố gây hại.
Một số người tiêu rất nhiều tiền khi họ buồn chán, tức giận hoặc gặp stress. Việc mua sắm khiến họ cảm thấy dễ chịu hơn, thế nhưng nó lại làm ví của họ trở nên rỗng tuếch.
Các nhà quản lý tài chính thành công sẽ không để cảm xúc ảnh hưởng đến cách họ tiêu tiền, cũng như không để cảm xúc chi phối các quyết định đầu tư. Những quyết định tài chính dựa trên yếu tố thực tế luôn đem lại hiệu quả và lợi nhuận vượt trội so với các quyết định tài chính do cảm xúc thao túng.
Theo: Storm