Để đánh giá trẻ có được giáo dục tốt hay không, một số phụ huynh sẽ lấy điểm số làm tiêu chí duy nhất. Tuy nhiên, điểm số chỉ là một phần, chúng ta phải xem xét các yếu tố toàn diện như khả năng quản lý cảm xúc, tính tự lập và cách nuôi dạy của trẻ.

Nếu con bạn có 5 dấu hiệu này chứng tỏ bạn đã nuôi dạy con tốt:

1. Mối quan hệ giữa hai bên rất tốt

Nhiều bậc cha mẹ có cảm giác con cái không muốn nói với mình những điều chúng đang nghĩ. Cảm giác về khoảng cách này sẽ trở nên sâu sắc hơn khi trẻ lớn lên. Đã từng có một cuộc khảo sát: Khi bạn có điều gì đó trong lòng, bạn muốn nói điều đó với ai nhất? Kết quả là chưa đến 30% trẻ em cho biết sẽ kể lại chuyện này cho cha mẹ.

Sở dĩ như vậy là vì bản chất mối quan hệ cha mẹ và con cái có vấn đề. Nếu một đứa trẻ tin tưởng cha mẹ, suy nghĩ đầu tiên của trẻ không phải là giấu giếm mà là nhờ giúp đỡ. Trong mắt con, bên cha mẹ là nơi an toàn nhất.

Nếu con bạn có 5 dấu hiệu này chứng tỏ bạn là bậc cha mẹ điểm 10, con đã giỏi giang còn hạnh phúc - Ảnh 1.

Mối quan hệ cha mẹ - con cái là mối quan hệ xã hội đầu tiên mà đứa trẻ thiết lập, không chỉ ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ mà còn ảnh hưởng đến việc trẻ thiết lập các mối quan hệ xã hội khác sau này. Một mối quan hệ cha mẹ và con cái lành mạnh sẽ giúp việc giáo dục trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Vậy nên, nếu con thường xuyên tâm sự với bạn, thể hiện cảm xúc trước mặt bạn thì đó là dấu hiệu bạn đang nuôi con rất tốt. Ngược lại, nếu chuyện gì con cũng im lặng; Khi nhìn thấy món đồ chơi mình thích, con không dám nói ra; Rõ ràng là con muốn ăn thứ gì đó nhưng lại im lặng đưa cho người khác; Con muốn từ chối lời yêu cầu của bạn nhưng không nói được... thì chứng tỏ con đang cố kìm nén vì thiếu tự tin. Kiểu "đàn áp" này cũng khiến trẻ em quen với việc tự ngược đãi bản thân khi lớn lên.

2. Trẻ bắt đầu biết quan tâm đến người khác

Từng có một bức ảnh gây "bão": Trên một chuyến xe buýt, người mẹ cúi đầu ngủ gật vì kiệt sức, cậu con trai đứng bên cạnh nhìn thấy liền lấy tay đỡ đầu mẹ lên. Đứa trẻ giữ nguyên tư thế trong hơn 20 phút.

Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là học cách yêu thương người khác và tăng khả năng trao đi tình yêu thương. Chẳng phải một đứa trẻ biết yêu thương thì đáng để cha mẹ tự hào hơn là đạt điểm xuất sắc sao?

Việc trau dồi khả năng yêu thương cần có sự hướng dẫn của cha mẹ. Một số bậc cha mẹ khi thấy con giúp đỡ việc gì đó hoặc phàn nàn rằng con làm không tốt hoặc làm quá chậm, cha mẹ gần như vô thức tước đi cơ hội được yêu thương của con cái. Thực tế, khi trẻ quan tâm đến người khác, chúng ta nên trân trọng, động viên và cho trẻ biết rằng người lớn cũng cần tình yêu thương của trẻ.

3. Trẻ bắt đầu học cách tự chăm sóc bản thân

Tác giả Katie Kirby đã từng viết về mục tiêu nuôi dạy con cái trong cuốn sách của mình: "Trong suy nghĩ của tôi, mục tiêu cuối cùng của việc nuôi dạy con cái là các con có thể lớn lên và tự chuẩn bị bữa sáng cho mình, trong khi tôi có thể nằm trên giường và ngáy tùy thích". 

Cha mẹ có tầm nhìn xa hiểu rằng một trong những trách nhiệm lớn nhất của họ là cho con cái khả năng định hướng cuộc sống trước khi rời xa chúng. 

Khi trẻ đã có đủ cảm giác an toàn, cha mẹ có thể bắt đầu buông tay. Ví dụ, hãy sắp xếp thời gian "làm việc một mình" cho trẻ. Việc này ban đầu mất nhiều thời gian để hoàn thành nhưng khiến trẻ hình thành tư duy độc lập với mọi việc của bản thân. Căn cứ theo lứa tuổi để hướng dẫn trẻ dần tự chủ một số việc. Ví dụ, tự đi giày dép ở tuổi lên ba, bốn tuổi tự đánh răng và tắm, năm tuổi chịu trách nhiệm vứt rác và tưới cây, sáu tuổi làm việc nhà đơn giản như giặt tất hay quần áo lót, bảy tuổi tự sắp xếp thời gian vui chơi và học tập...

Tự lập là một kỹ năng cần phải học. Trong giai đoạn đầu, cần phải đầu tư thời gian tương đối dài và kiên nhẫn hướng dẫn để trẻ học dần dần.

4. Đứa trẻ cư xử theo các quy tắc

Mỗi đứa trẻ cần phải thích nghi với một số hạn chế khi lớn lên. Như triết gia Hegel đã nói: "Trật tự là điều kiện đầu tiên của tự do".

Xung quanh chúng ta không hiếm gặp một số bậc cha mẹ xem nhẹ việc kỷ luật con cái, biện minh cho con mình với lý do con còn nhỏ hoặc đó là bản tính của con. Điều này dẫn đến việc trẻ hình thành những thói quen xấu.

Chẳng hạn, một số trẻ chơi với các bạn cùng lứa và tranh giành đồ vật, thay vì ngăn cản, cha mẹ lại giúp đỡ con. Khi lớn hơn và phải xếp hàng chờ đợi hoặc phải lịch sự, trẻ không thích, cha mẹ chiều vô lối. 

Nên đặt ra những quy tắc ngay từ khi còn nhỏ, như: Khi ăn không khua liên tục thức ăn trên đĩa; Phải xếp hàng để vào địa điểm và quy tắc là ai đến trước được phục vụ trước; Hãy chủ động làm những gì có thể; Khi ra ngoài đừng gây phiền phức cho người khác...

Đừng coi thường những điều nhỏ nhặt, một khi trẻ kiên trì và hình thành thói quen thì nó sẽ trở thành tính cách của trẻ sau này.

5. Trẻ có tinh thần "dẻo dai"

Nhiều bậc cha mẹ bị ám ảnh bởi việc giáo dục "thành công" cho con mình, nỗ lực để đứng nhất nhưng họ không nhắc đến thất bại. Vì vậy, sau khi nhiều trẻ gặp khó khăn, tâm lý của các em vô cùng kém cỏi, không thể chịu thua, không xử lý được vấn đề.

Những đứa trẻ thực sự xuất sắc có thể chấp nhận những kết quả tốt nhất, không ngại đối mặt với thất bại, có can đảm đứng lên và tiếp tục làm việc chăm chỉ khi vấp ngã. Khi đứa trẻ lớn lên, nó ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. 

Là cha mẹ, chúng ta cho con mình cơ hội để thử, trải nghiệm những hương vị khác nhau của thành công và thất bại. Một đứa trẻ có thể tiến xa đến đâu trong tương lai phụ thuộc vào điều này.