Trí thông minh của một đứa trẻ không phải lúc nào cũng được thể hiện qua học bạ hay tài năng rõ ràng. Thay vào đó, chúng thường ẩn chứa trong những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày của trẻ.
Nếu con bạn thể hiện một trong 4 hành vi này, xin chúc mừng, điều đó có thể là trẻ có "sức mạnh trí tuệ" phi thường.
01. Luôn tò mò và đi theo "con đường" độc đáo
Trước hết, những đứa trẻ có tính tò mò và không thích đi theo lối mòn thường có trí thông minh cao hơn.
Chẳng hạn, một bà mẹ đã chia sẻ câu chuyện về con trai. Cậu bé từ nhỏ đã rất tò mò, khi không có việc gì thì sẽ làm bất cứ điều gì mình muốn. Cô mua màu cho con học vẽ. Tuy nhiên, con trai không vẽ tranh mà nhất quyết phải bôi hết lớp này đến lớp khác lên giấy và nói rằng muốn thử nghiệm việc pha trộn màu sắc. Sau này, đứa trẻ học hành rất sáng dạ.
Thích khám phá mọi thứ xung quanh hoặc hỏi một vạn câu hỏi vì sao rất có thể là dấu hiệu của một đứa bé thông minh. Trên thực tế, tinh thần khám phá và phương pháp đổi mới này là dấu hiệu quan trọng của sự phát triển trí tuệ. Sự phát triển của trí tò mò thúc đẩy sự trưởng thành của các chức năng nhận thức trong não, chẳng hạn như sự chú ý, trí nhớ và giải quyết vấn đề. Trẻ càng tò mò về thế giới, tư duy của chúng càng nhạy bén và ý tưởng của chúng càng nhiều màu sắc.
Cha mẹ nên đưa ra các câu trả lời chi tiết, có bằng chứng để giải đáp thắc mắc của trẻ. Cha mẹ đừng hạn chế sự tò mò của bé dù điều này đôi khi có thể gây khó chịu. Nếu gặp khó khăn trong việc giải thích các kiến thức cho con, phụ huynh có thể tìm kiếm trên Google để tổng hợp câu trả lời.
02. Có "tay nghề" tốt và thích "phá nhà"
Trẻ em có kỹ năng thực hành tốt thường thể hiện sự quan tâm cao đến đồ vật và máy móc. Ví dụ, nếu một đứa trẻ có thể tháo rời và sửa chữa một chiếc xe đạp một cách khéo léo, nó không chỉ rèn luyện kỹ năng thực hành của trẻ mà còn rèn khả năng nhận thức không gian và tư duy logic. Khả năng vận hành bằng tay của trẻ có liên quan chặt chẽ đến khả năng phối hợp tay mắt, khả năng vận động tinh và khả năng nhận thức không gian.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động thực hành hơn. Mặc dù nhà cửa sẽ hơi bừa bộn, cha mẹ có thể phải dành thời gian dọn dẹp nhưng miễn là trẻ có thể trải nghiệm và trưởng thành thì công sức của chúng ta bỏ ra rất xứng đáng.
03. Khả năng diễn đạt ngôn ngữ tốt
Khi trẻ thể hiện bản thân không ngừng qua lời nói, đừng nghĩ rằng trẻ chỉ nói nhiều do bẩm sinh. Đây là dấu hiệu quan trọng cho thấy sự phát triển trí não của trẻ. Thực tế, khả năng ngôn ngữ là một trong những nền tảng cho sự phát triển trí tuệ. Ngay từ khi sinh ra, trẻ đã bắt đầu quan sát và bắt chước cách nói chuyện của những người xung quanh, sau vài năm học, trẻ dần dần tích lũy đủ vốn từ vựng và mẫu câu trong não, cuối cùng có thể giao tiếp với người khác.
Khả năng diễn đạt trôi chảy thể hiện trẻ có tư duy nhanh, phản ứng nhanh và trí tưởng tượng phong phú. Điều này đòi hỏi khả năng nhận thức và bộ não phải phát triển tốt về khả năng xử lý thông tin, trí nhớ và tư duy logic. Trẻ có thể bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ càng rõ ràng thì chúng càng trưởng thành hơn trong các lĩnh vực nhận thức quan trọng này.
Vì vậy, khi chúng ta thấy trẻ có thể kể một cách mạch lạc nội dung của một sự việc thì đó không chỉ là tài hùng biện mà còn là dấu hiệu rõ ràng cho thấy trẻ đang phát triển trí tuệ. Khả năng diễn đạt ngôn ngữ không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập và giao tiếp sau này mà còn có tác động quan trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
04. Kỹ năng xã hội tốt và dễ kết bạn
Những đứa trẻ có năng lực xã hội và có khả năng kết bạn dễ dàng thực sự phát triển trí tuệ tốt. Khả năng xã hội này phản ánh mức độ phát triển của trẻ trong các lĩnh vực như nhận thức, xử lý cảm xúc, hợp tác và giao tiếp. Thông thường, những đứa trẻ cảm thấy thoải mái trong các tình huống xã hội và không ngại tương tác với người khác sẽ có cảm giác an toàn hơn trong lòng. Chúng xem việc tương tác với mọi người như một trải nghiệm thú vị và an toàn, do đó hiếm khi trải qua cảm giác sợ hãi, lo lắng hoặc rút lui khi lớn lên.
Trẻ em có kỹ năng xã hội tốt thường ổn định về mặt cảm xúc, có khả năng thích ứng và kiểm soát cảm xúc mạnh mẽ. Chúng sẽ không nghi ngờ bản thân hoặc phản ứng bốc đồng trước sự khiêu khích và cái nhìn của người khác.
Trong các tình huống xã hội, những đứa trẻ này có thể hiểu và phản ứng phù hợp với cảm xúc hay suy nghĩ của người khác. Vì vậy, những đứa trẻ thích tương tác với mọi người và cảm thấy thoải mái trong các tình huống xã hội thường thể hiện tốt trí tuệ cảm xúc.