Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung. Nhiều luồng ý kiến cho rằng, khi đã phục hồi điều tra thì nên bắt tạm giam hai bị cáo này. Tuy nhiên có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này.

Luật gia Nguyễn Đức Hùng nhìn nhận, vụ án này được tòa án đưa ra xét xử. Mục đích cuối cùng mà các cơ quan tố tụng hướng tới là tìm ra chân lý, sự thật trong vụ án này, xác định vụ án này là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay là một vụ "đổi tình lấy tiền". Việc chứng minh tội phạm là của các cơ quan tố tụng, và thời gian tới đây vụ án sẽ được đưa ra xét xử, chúng ta sẽ biết được bản chất thực sự của vụ án qua phán quyết cuối cùng của HĐXX.

Nếu cung cấp tài liệu sai sự thật, Phương Nga có thể bị bắt giam - Ảnh 1.

Trương Hồ Phương Nga tại tòa

Việc cơ quan điều tra phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra với hai bị can sau khi đã có kết quả giám định một số tài liệu trong 9 nội dung mà HĐXX yêu cầu làm rõ là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Việc Phương Nga và Thùy Dung được HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại được áp dụng theo các quy định trong BLTTHS và điều này đúng theo quy định pháp luật. (Khoản 2 điều 125 BLTTHS, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác).

Theo luật gia Hùng, thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 123 BLTTHS) đối với Nga và Dung có thể hiểu được, bởi vì hai bị cáo này có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Ngoài ra, HĐXX yêu cầu điều tra bổ sung 9 nội dung, trong đó có nhiều nội dung cần phải có thời gian mới có thể điều tra làm rõ được. Vì vậy, việc thay đổi biện pháp ngăn chặn cũng là sự "phòng xa" của HĐXX, vì như luật gia Hùng đã nói, có thể đây là vụ án lừa đảo, nhưng cũng có thể là vụ việc "tình - tiền".

Cũng theo luật gia Hùng, khi HĐXX đã quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, thì các bị cáo phải thực hiện nghiêm theo các quy định của pháp luật. Mục đích của việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là đảm bảo sự có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.

Nếu cung cấp tài liệu sai sự thật, Phương Nga có thể bị bắt giam - Ảnh 2.

Phương Nga sẽ không bị tạm giam khi tuân thủ nghiêm các quy định 

Nếu hai bị cáo có nơi cư trú cụ thể, lý lịch rõ ràng; cam kết không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép. Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật. Không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án. Không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Nếu thực hiện nghiêm các quy định này, hai bị cáo Nga và Dung sẽ không bị thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam.

"Theo quan điểm riêng của tôi, việc bắt tạm giam lại đối với hai bị cáo này là không cần thiết. Các cơ quan tiến hành tố tụng có đủ khả năng để giám sát việc tuân theo các quy định của hai bị cáo này khi được thay đổi biện pháp ngăn chặn. Nếu thực hiện không nghiêm, đã có chế tài xử lý....", luật gia Hùng chia sẻ.

Vụ án hi hữu

Theo cáo buộc, khoảng tháng 7/2012, Phương Nga nói với ông Mỹ mình có nhiều bạn bè trong giới địa ốc, có thể mua nhà với giá rẻ hơn thị trường. Ông Mỹ đưa Nga 6 tỷ đồng để nhờ mua một căn nhà tại quận 5 nhưng Nga không giao nhà.

Tiếp đến, Nga nói với ông Mỹ có căn nhà giá 16,5 tỷ đồng ở quận 1. Lần này ông Mỹ đưa cho Nga thêm 10,5 tỷ đồng. Sau khi đưa cho Nga tổng cộng 16,5 tỷ đồng mà không có nhà, ông Mỹ làm đơn tố cáo với cơ quan công an.

Tuy nhiên, Phương Nga phủ nhận cáo buộc lừa đảo 16,5 tỷ đồng của ông Mỹ. Phương Nga cho rằng, đó là số tiền ông Mỹ tự nguyện đưa cho cô vì 2 bên có quan hệ tình cảm.

Vụ án đã 2 lần được TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm nhưng cả 2 lần hội đồng xét xử đều trả hồ sơ khi tiến hành xong phần thẩm vấn. Sau lần xét xử thứ 2, HĐXX cũng đã thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung, cho cả 2 tại ngoại điều tra.

Trong đó, lần xét xử thứ 2 (tháng 6/2017) tòa đã trả tự do cho cả Nga và Dung kèm yêu cầu điều tra bổ sung 9 nội dung.

Đặc biệt, trong phiên tòa này, các nhân chứng đã cung cấp cho tòa những tình tiết bất ngờ là thư viết trên giấy nilon được chuyển từ ngoài vào trại giam và ngược lại.

Do cơ quan điều tra cần thời gian để giám định chữ viết và các tài liệu kèm theo nên đã tạm đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Nga và Dung.