Tiểu đường đang dần là bệnh lý phổ biến thời hiện đại, dù già hay trẻ đều có nguy cơ mắc phải. Tính đến bây giờ, tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm xếp thứ 3, chỉ đứng sau bệnh tim mạch và ung thư. Biến chứng của loại bệnh này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân.

Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho thấy, bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong thứ 9 với 1,5 triệu ca mỗi năm. Bệnh nguy hiểm là vì nhiều người không hề phát hiện ra sớm, đa phần tới lúc bệnh nặng hoặc xảy ra biến chứng mới cuống cuồng chữa trị. Cuối cùng làm giảm khả năng điều trị và ảnh hưởng tới tính mạng.

Nếu đi tiểu nhiều hơn con số này trong ngày, bạn hãy cẩn thận vì đường huyết đang tăng mạnh - Ảnh 1.

Tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm với 1,5 triệu ca tử vong mỗi năm.

Theo Trung tâm Y tế Học thuật Phi lợi nhuận Mỹ (Mayo Clinic), bản thân mỗi người cần phải phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh tiểu đường, vừa bảo vệ bản thân cũng như sức khỏe cả gia đình. Một trong những triệu chứng sớm của loại bệnh này chính là đi tiểu thường xuyên nhưng ai cũng nghĩ là bình thường.

Tại sao đi tiểu nhiều là dấu hiệu của bệnh tiểu đường?

Mayo Clinic cho biết, khi một người bị tiểu đường thì lượng đường trong máu sẽ tăng mạnh và tích tụ lại, lúc này thận buộc phải tự lọc và hấp thụ lượng đường dư thừa để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên khi thận không chịu nổi nữa, lượng đường này sẽ bị bài tiết qua nước tiểu và khiến cơ thể bị mất nước. Bệnh nhân sẽ phải uống nước liên tục vì khát, dẫn đến việc phải đi tiểu liên tục.

Với một người bình thường, trong khoảng 24 giờ thì cơ thể sẽ đi tiểu tầm 6-8 lần, hoặc ít hơn là 4-10 lần cũng được xem là khỏe mạnh. Tuy nhiên theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), đi tiểu nhiều hơn 7-10 lần/ngày có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2.

Nếu đi tiểu nhiều hơn con số này trong ngày, bạn hãy cẩn thận vì đường huyết đang tăng mạnh - Ảnh 2.

Nếu đi tiểu nhiều hơn 7-10 lần/ngày thì hãy cẩn trọng với nguy cơ mắc bệnh.

NHS khẳng định, những người bị tiểu đường có thể đi tiểu từ 3-20 lít/ngày tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Ngoài ra, bệnh còn làm cho bệnh nhân luôn thấy khát và khô cổ, dù có uống bao nhiêu nước cũng không giải tỏa cơn khát được. Nếu bạn thấy mình đi tiểu nhiều kèm mệt mỏi, khát không rõ lý do… thì nên đi khám.

"Đi tiểu nhiều cũng là dấu hiệu của các bệnh huyết áp cao, bệnh thận hoặc bàng quang… chứ không riêng gì tiểu đường. Tuy nhiên ở những người khỏe mạnh chăm vận động, họ cũng thường xuyên uống nước và đi tiểu nhiều. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh, hãy thử đi khám tổng quát để bác sĩ kiểm tra chi tiết" - Preethi Daniel, bác sĩ và giám đốc lâm sàng tại Phòng khám Bác sĩ Luân Đôn, chia sẻ.

Nếu đi tiểu nhiều hơn con số này trong ngày, bạn hãy cẩn thận vì đường huyết đang tăng mạnh - Ảnh 3.

Để chắc chắn, bạn hãy đi khám khi thấy tần suất đi tiểu hàng ngày tăng không rõ lý do.

Làm sao để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?

Trước khi hoàn toàn mắc bệnh tiểu đường, cơ thể sẽ có một khoảng thời gian đường huyết ở mức cao nhưng chưa đạt đến ngưỡng bị chẩn đoán "dính bệnh". Giai đoạn này được gọi là tiền tiểu đường.

Theo Lizzie Streit – chuyên gia dinh dưỡng có đầu sách nổi tiếng Veg World After All, hãy thay đổi lối sống sinh hoạt và giữ những thói quen sau để giảm nguy cơ mắc bệnh:

- Cắt giảm bớt đường và carb trong chế độ ăn

Chế độ ăn chứa thực phẩm nhiều đường và carb đã qua chế biến sẽ đẩy nhanh tiến triển bệnh ở những người đang mắc tiền tiểu đường. Hãy cắt giảm ngay các món này để đưa đường huyết về mức ổn định.

- Uống thêm nhiều nước lọc

Uống đủ nước mỗi ngày các cách phòng tránh nhiều bệnh chứ không riêng gì tiểu đường. Việc này có thể giúp hạn chế tối đa việc dùng các loại đồ uống chứa nhiều đường, chất bảo quản và các thành phần gây tiểu đường khác. Mỗi ngày nên uống từ 1,5-2 lít nước để đảm bảo mọi cơ quan hoạt động trơn tru.

Nếu đi tiểu nhiều hơn con số này trong ngày, bạn hãy cẩn thận vì đường huyết đang tăng mạnh - Ảnh 4.

Uống nước là cách rẻ tiền và đơn giản nhất để giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh.

- Tập thể dục hàng ngày

Tập thể dục giúp các tế bào nhạy cảm hơn với insulin và cơ thể sẽ cần ít insulin hơn để điều chỉnh lượng đường trong máu ở mức độ hợp lý. Bạn có thể tập gym, aerobic, yoga… hoặc chỉ cần vận động nhẹ như đi bộ, chạy bộ, đạp xe gần nhà cũng được. Chỉ cần cho cơ thể hoạt động chứ đừng ngồi một chỗ quá nhiều.

- Ăn nhiều rau quả

Rau quả làm chậm quá trình hấp thụ đường và giảm lượng đường trong máu. Chúng cản trở sự hấp thụ chất béo và cholesterol trong chế độ ăn uống, ngăn các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến tim mạch như huyết áp, viêm nhiễm… Đặc biệt là giảm cảm giác thèm ăn, mau no và lâu đói hơn.

- Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường lên 50% so với người không hút thuốc, đặc biệt ở phụ nữ còn tăng mạnh hơn. Do đó nên bỏ hút thuốc để phòng ngừa bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, người mắc bệnh này không được hút thuốc lá và hạn chế ở gần khu vực khói thuốc lá.

Nếu đi tiểu nhiều hơn con số này trong ngày, bạn hãy cẩn thận vì đường huyết đang tăng mạnh - Ảnh 5.

Ăn uống và sinh hoạt điều độ sẽ giúp bạn phòng chống nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Theo Healthline, Indiatimes