TOEFL và IELTS đều là các bài thi chuẩn hóa để học sinh quốc tế chứng minh khả năng thành thạo tiếng Anh, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. 

Anh Bảo Nguyễn - công chức của một trường đại học nổi tiếng ở Canada với 20 năm kinh nghiệm, đồng thời là người có nhiều bài viết được phụ huynh yêu thích về du học Canada đã chia sẻ một số thông tin chi tiết về hai chứng chỉ "quyền lực" này.

Quy trình kiểm tra, cấp chứng chỉ TOEFL và IELTS ra sao? Chia sẻ cụ thể từ chuyên gia - Ảnh 1.

Hiểu về TOEFL và IETLS

Trên thế giới 2 trung tâm thẩm định trình độ Anh ngữ uy tín có tầm vóc toàn cầu là TOEFL (Test of English as a Foreign Language) của Mỹ và International English Language Testing System (IELTS) của Anh. Kết quả thi trắc nghiệm của 2 trung tâm này được nhiều trường đại học dạy bằng ngôn ngữ tiếng Anh của các nước Âu, Mỹ, Á công nhận. TOEFL có uy tín lâu đời từ thập niên 60 và rất phổ biến đối với các sinh viên ngoại quốc muốn đến du học Anh và Bắc Mỹ. Còn IELTS thì chỉ mới nổi lên trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây và ngày càng phát triển nhanh mạnh, nhất là các quốc gia Châu Á.

TOEFL và IETLS có các trung tâm tổ chức thi rải rác quanh thế giới. Những nơi này có tên gọi chung là test center. Khi một thí sinh đến dự thi thì hồ sơ và kết quả cụ thể sẽ được lưu trữ tại các test centers này rồi gởi về cho headquarter - trụ sở chính của TOEFL và IELTS. Mỗi hồ sơ như vậy gọi là score card, score report hay test report. Trong đó lưu trữ hình ảnh, chi tiết cá nhân thí sinh và kết quả của 4 môn nói, nghe, đọc, viết. Tấm score card này tiếng Việt hay gọi là chứng chỉ TOEFL/IELTS có giá trị sử dụng trong vòng 2 năm.

Theo luật "bất thành văn" của các university/college thì tất cả những phiếu điểm, học bạ, bằng cấp, văn bản... phải được gửi trực tiếp từ nơi phát hành chúng, qua bưu điện trong bao thư dán kín và có dấu niêm phong bên ngoài. Điều đó có nghĩa là các phiếu TOEFL/IELTS chỉ có giá trị khi chúng được gửi đi bởi chính các test centre hay trụ sở chính. Đây là biện pháp đề phòng giả mạo giấy tờ. Tuy vậy nhưng khi nhận đến tay, các công chức trong university/college còn phải làm thêm một bước kế tiếp là: Verification - kiểm chứng. Các nhân viên thụ lý hồ sơ phải gọi đến headquarter (tổng bộ) của TOEFL/IELTS để xác thực từng chi tiết trên mỗi phiếu điểm. Khi nào phối kiểm xong thì lúc đó kết quả mới ghi nhận.

Xác thực phiếu điểm TOEFL rất dễ dàng. Từ thập niên 80, trước khi có internet thì TOEFL đã có một hệ thống điện thoại tại Mỹ mà khắp nơi trên thế giới có thể gọi về để phối kiểm điểm trên score card. Các đại học thậm chí không cần đến thư báo điểm chính thức từ TOEFL gởi qua bưu điện. Chỉ một tấm fax hay photocopy kết quả TOEFL là có thể gọi phone đến TOEFL xác thực trong 5 phút. Sự tiện lợi này tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, thời gian cho các sinh viên và đại học. 

Trong khi đó, xác minh một tấm phiếm điểm IELTS rất phiền. Họ chỉ gửi đi 1 tấm giấy cứng, đóng dấu nổi của The British Council qua bưu điện mà không có hệ thống phối kiểm tốt như TOEFL. Khoảng 7 năm trở lại đây, IETLS đã có những bước tiến ngoạn mục. Thí sinh chỉ cần báo con số TRF (test report form number) thì những nhân viên có trách nhiệm trong university/college/chính phủ sẽ vào trực tiếp trong server của IELTS trên net lục tìm và xem hồ sơ.

Tới nay thì TOEFL và IELTS đã phát triển đến mức hoàn hảo. Mỗi cơ quan hữu trách nếu cần thì sẽ có một mã số riêng cho mình tại TOEFL và IETLS. Các thí sinh quốc tế chỉ cần đánh mã số của nơi nhận thì kết quả thi sẽ được email trực tiếp tận tay. Sự kết nối này tiết kiệm nhiều thời gian và bỏ qua được luôn khâu kiểm chứng. Nó cũng giúp cho các nơi liên quan trong đại học, TOEFL, IETLS thu thập dữ liệu, tạo ra được hệ thống database rất chi tiết và hữu dụng trong việc thống kê. Quy trình phát phiếu điểm và kiểm chứng của TOEFL và IELTS là khép kín. Vì vậy, những tấm bằng giả không gạt được các đại học hay cơ quan chính phủ ở nước ngoài nếu các nhân viên làm đúng bổn phận.

Với kỳ thi IELTS, từ tổ chức cho đến chấm bài đều được thực hiện bởi các local IETLS center. Rất nhiều những người chấm bài ở một số quốc gia châu Á là người ở địa phương chứ không phải là từ nước Anh. Vì thế, phẩm chất chấm bài test centre trên thế giới đều rất khác nhau. Nếu thi IELTS ở Anh, Canada, Mỹ... thì kết quả sẽ có thể khác so với thi ở Việt Nam. Việc lộ đề, mua đề... là vẫn có thể xảy ra và các lỗ hổng này là từ local test center mà ra.

Quy trình kiểm tra, cấp chứng chỉ TOEFL và IELTS ra sao? Chia sẻ cụ thể từ chuyên gia - Ảnh 2.

Ngoài IELTS và TOEFL, Anh, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand... cũng có những hệ thống thẩm định Anh ngữ khác của riêng mình. Tuy nhiên họ không có được sự tổ chức quy mô và phủ sóng toàn cầu như TOEFL & IELTS. 

Tự xác nhận khả năng tiếng Anh không cần IELTS/TOEFL

Trong đời sống thật ở Canada, Mỹ, Úc... thì người dân chẳng mấy ai biết đến IELTS và TOEFL. Điểm sàn đặt ra chỉ để loại bớt hồ sơ của sinh viên ngoại quốc. Đạt được điểm cao cũng không có nghĩa là đủ khả năng tiếng Anh để đi học hay đi làm. Việc xác định khả năng tiếng Anh rất là dễ và có thể làm được liền bằng nhiều cách như:

1. Nếu ai đã đạt được IELTS 6 điểm trở lên thì nên tự chủ động làm hồ sơ du học. Thủ tục dễ hơn rất nhiều so với các sách giáo khoa lớp 10, 11... bên này chứ đừng nói tới university/college. Điền lá đơn du học chưa tới 5 trang giấy. Trong khi đó, một bài luận của học sinh lớp 11 Canada đã là 5 trang trở lên và các em phải làm tới mấy tuần lễ. Còn bài luận college hay university là 10-15 trang. 

2. Nếu các em du học thì hãy Google search những cuốn sách giáo khoa chuyên ngành mình học, hãy nghe các bài giảng trên YouTube. Chuyên ngành mới quan trọng chứ không phải IELTS. Cái bằng thi xong thì thôi, đừng hãnh diện hão mà quên việc trau dồi, học hỏi. Ra khỏi Việt Nam các em sẽ thấy sự lịm tắt của hào quang IETLS được thổi phồng.

3. Nếu có khả năng tiếng Anh thật thì không ngại việc thi cử dù nó là hình thức nào. Hãy thi TOEFL nếu không chọn IELTS và ngược lại.