Để con cái trở thành người tài giỏi, bố mẹ cần dành nhiều thời gian và công sức để dạy dỗ. Việc giáo dục một đứa trẻ thực sự khó khăn hơn nhiều người nghĩ, đôi khi bố mẹ tiêu tốn nhiều tiền của, công sức nhưng kết quả lại chẳng như mong đợi, điều này khiến không ít người cảm thấy thất vọng.
Có những đứa trẻ được bố mẹ khuyến khích chỉ cần tập trung vào mỗi chuyện học, mọi thứ khác đã có bố mẹ lo. Vì thế, ngoài thành tích cao trong học tập, khả năng xoay xở của chúng trong cuộc sống gần như bằng 0. Bố mẹ đã bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc để tạo mọi điều kiện cho con mình học hành nhưng họ quên rằng, để tồn tại được trong xã hội còn cần biết nhiều kỹ năng mềm khác nhau như nấu ăn, tự chăm sóc bản thân, tự sơ cứu khi bị thương…
Vì thế, muốn nuôi dạy một đứa trẻ có thể sống tốt sau này, bố mẹ không nên áp đặt và tước đi nhiều thứ ở trẻ. Đặc biệt, bố mẹ cần trao cho con cái 4 quyền này, có như vậy sau này chúng mới trở thành một người tự lập, xuất sắc được.
1. Quyền được phạm lỗi
Không khó để nhận thấy trẻ em thời nay sung sướng hơn nhiều so với trước đây. Một số bố mẹ quá bảo bọc con mình, không cho động tay động chân vào bất kỳ chuyện gì ngoài việc học. Kết quả học tập của con cái dường như là điều quan trọng nhất đối với bố mẹ.
Một đứa trẻ không có cơ hội để sai và phạm lỗi, bởi mọi thứ đã được bố mẹ quyết định. Tuy nhiên, bố mẹ không thể đồng hành bên cạnh con cái mãi, đến một lúc nào đó chúng cần phải rời xa gia đình. Một đứa trẻ nếu ỷ lại vào bố mẹ, sợ sai mỗi khi làm bất kỳ điều gì sẽ dần mất đi động lực tiến về phía trước.
Vì vậy, bố mẹ hãy để trẻ có cơ hội mắc sai lầm để nhận ra những bài học cho bản thân. Trẻ mắc sai lầm khi còn nhỏ sẽ khiến chúng trở nên mạnh mẽ hơn, có như vậy mới không ngại những khó khăn xảy đến trong tương lai.
2. Quyền được giải tỏa cảm xúc của bản thân
"Con là con trai mà, phải mạnh mẽ lên chứ, không được khóc". Bố mẹ có con trai đã từng nói với con mình câu này lần nào chưa, liệu việc không được phép khóc khi thất bại có khiến một đứa trẻ trở nên mạnh mẽ hơn?
Khi trẻ gặp chuyện gì đó uất ức, bố mẹ ra lệnh chúng không được khóc. Điều này nếu diễn ra thường xuyên sẽ khiến cảm xúc bị dồn nén, tích tụ lâu ngày, hoàn toàn không tốt cho sức khỏe tâm thần của trẻ.
Bố mẹ hãy cho con cái quyền được khóc, trẻ khóc không phải chúng yếu đuối mà là để giải tỏa tâm trạng. Khi áp lực được giải tỏa, tâm trạng của trẻ trở nên tốt hơn.
Thậm chí một số bố mẹ còn không cho phép con mình "cười" chỉ vì đạt vị trí thứ 2 trong lớp. Khi trẻ cười, họ sẽ nói: "Đứng thứ 2 có gì mà vui". Hoặc nếu đứng trẻ vui mừng vì đứng nhất họ cũng thản nhiên nói: "Đừng quá kiêu ngạo". Bố mẹ không cho phép con mình cười vui vẻ, điều này sẽ khiến sự tự tin của trẻ giảm sút.
Bố mẹ cần nhận ra rằng, sự tiến bộ nhỏ mỗi ngày của trẻ cần được khẳng định, công nhận và khuyến khích. Tiếng cười là liều thuốc tốt có thể khiến trẻ ngày càng tự tin hơn.
3. Quyền tự lập
Không phải cứ trẻ còn nhỏ là chúng không cần làm bất cứ thứ gì. Trên thực tế, tùy thuộc vào từng độ tuổi, trẻ đã có thể làm những việc vừa với sức lực của mình, chẳng hạn như quét nhà, thu gọn quần áo, rửa chén, nấu ăn… hay đơn giản nhất là tự mình ăn cơm. Những đứa trẻ được phép làm những điều này không những giúp đỡ được khi bố mẹ mệt mỏi, mà còn khiến chúng trở thành một người biết tự lập sớm.
Khi một đứa trẻ biết chịu trách nhiệm về những việc riêng của chúng ở nhà, lớn lên sẽ trở thành một người rất tham vọng, cầu tiến và tự lập. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ làm việc nhà, biết quản lý tiền tiêu vặt… càng được trao quyền tự chủ, trẻ càng trở nên sống có trách nhiệm hơn.
4. Quyền lựa chọn
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải đối mặt với không ít lựa chọn như trong việc ăn uống, mặc quần áo, học tập, làm việc… Đứng trước sự lựa chọn, có người quyết đoán nhanh, mạnh mẽ nhưng cũng có số khác lại chậm chạp, phân vân và gặp khó khăn trong việc đưa ra câu trả lời của mình.
Ngoài đời, có không ít bố mẹ chủ động thu xếp mọi thứ cho con cái với quan điểm: "Mẹ làm tất cả vì con". Từ nhỏ, đứa trẻ mặc quần áo gì, chơi đồ chơi gì, ăn uống, học tập... cho đến lúc lớn lên cần chọn ngành học, công việc, bạn đời đều do bố mẹ quyết định. Một đứa trẻ lớn lên hoàn toàn không có một quyền quyết định gì cả trong mọi việc, liệu rằng điều này có tốt cho chúng?
Khi một đứa trẻ mất đi khả năng lựa chọn, không biết cân nhắc ưu khuyết điểm, luôn ỷ lại bố mẹ, chúng dần dần trở nên nổi loạn, thích đẩy hậu quả cho người khác. Những đứa trẻ này rất khó để tồn tại trong cuộc sống, dần dần mất đi tính chủ động của bản thân.
Trên thực tế, dù bố mẹ có thể làm được nhiều điều cho con cái nhưng đến một ngày nào đó, chúng cũng phải đối mặt với những khoảnh khắc cần phải tự đưa ra sự lựa chọn một mình. Mỗi khi đứng trước ngã ba đường trong cuộc đời, việc hụt hẫng hay tự tin và quyết tâm như thế nào phụ thuộc vào việc bố mẹ có cho con học cách lựa chọn hay không.
Nếu là bố mẹ gia trưởng, độc đoán, họ sẽ bắt con cái nghe theo lời của mình, điều này hoàn toàn không tốt cho một đứa trẻ. Ngược lại, nếu bố mẹ ngay từ sớm đã cho phép con mình được tự do lựa chọn những thứ chúng muốn, khiến một đứa trẻ trở nên tự tin với quyết định của mình, cơ hội thành công sau này sẽ cao hơn những người khác.
Nguồn: Sohu, Zhihu