Cách đây một thời gian tôi đã viết một bài báo kêu gọi mọi người sống đúng với khả năng của họ và tránh xa cho vay trực tuyến. Một đồng nghiệp sau khi đọc bài báo đã hỏi tôi:
"Tôi không mua đồ xa xỉ, cũng ít mua mỹ phẩm, thu nhập không thấp nhưng hàng tháng tôi không tiết kiệm được đồng nào cả. Rốt cuộc tiền của tôi bay đi đâu hết rồi?".
Nhìn thấy một cốc cà phê trên bàn của cô ấy, tôi bèn hỏi: "Mỗi ngày bạn đều uống một cốc cà phê à?"
Cô ấy gật đầu: "Ngày nào cũng uống, nếu không tôi sẽ không thể tập trung làm việc."
Tôi bắt đầu tính: "Theo giá của Starbucks, một cốc cà phê có giá 4.6 USD, mỗi ngày một cốc như thế mỗi tháng sẽ tốn 139 USD, vậy một năm sẽ tốn 1.2 nghìn USD."
Cô ấy cau mày: "Có nhiều như vậy không?"
Tôi tiếp tục: "Nếu bạn trai bạn cũng mua cà phê như vậy, hai người một năm sẽ tốn khoảng 3 nghìn USD, 5 năm sẽ tốn khoảng 15 nghìn USD, số tiền này đủ để mua một căn nhà nhỏ ở quê".
Mọi người đều có một số chi phí phải chi hằng ngày theo thói quen, chẳng hạn như phí khi rút tiền liên ngân hàng, một tách trà sữa hoặc cà phê mỗi ngày, đồ ăn nhẹ mỗi ngày…
Những khoản chi này được gọi là "Latte factor" - số tiền nhỏ mà chúng ta thường không chú ý đến.
Cũng giống như một số người thích sử dụng Pinduoduo, mỗi lần sử dụng chỉ tốn vài đô la. Thế nhưng đến ngày tổng kết hóa đơn, họ nhận thấy vài đô la đó đã tích thành 100 USD trong một tháng.
Cái cách mà các thương gia sử dụng để "bẫy" người tiêu dùng chính là những khoản chi nhỏ nhưng thường xuyên.
Đây là lý do tại sao, tiền lương của bạn rất cao, nhưng bạn luôn cảm thấy thiếu tiền.
"Latte Factor" - giống như một tên trộm, làm rỗng túi tiền của bạn trong vô thức.
01.
Không phải thu nhập của bạn thấp, mà là vì bạn chi tiêu quá nhiều
Tôi nhớ lại lúc mới ra trường, lần đầu tiên được nhận lương, khỏi nói cũng biết tôi vui mừng đến nhường nào. Thế là, tôi bắt đầu tiêu tiền một cách vô tội vạ:
Đi ngang qua sạp báo, nhìn thấy trang bìa một tờ tạp chí có hình ngôi sao mà tôi yêu thích, tôi liền mua ngay mà không cần suy nghĩ;
Đồng nghiệp mua cà phê ở Starbucks, tôi thấy thế liền bắt chước theo, mỗi ngày tôi đều mua một cốc cà phê.
Để xem NBA và Premier League mà mình yêu thích, tôi đã đăng ký gói thành viên của một vài trang web thể thao...
Việc tiêu những khoản "tiền nhỏ" có giá vài USD đến vài chục USD mỗi lần như vậy không là áp lực với tôi, tôi cảm thấy đó chỉ là những khoản tiền nhỏ, mình cảm thấy vui là được.
Thế nhưng, tháng nào tôi cũng phải lấy tiền chỗ này bù qua chỗ kia, tình trạng này dần dần khiến tôi cứ bồn chồn không yên.
Tôi cũng rất ngạc nhiên. Tôi là con trai, không mua mỹ phẩm xa xỉ, không tổ chức tiệc tùng hay giải trí. Thế tiền đã đi đâu?
Sau đó tôi bắt đầu ghi chép lại chi tiêu của mình, và phát hiện ra rằng những "Latte factor" mà tôi không bao giờ để ý đến đang "nuốt" hết thu nhập của tôi một cách vô tình:
Trong một tháng, một cốc cà phê mỗi ngày tốn 92 USD; phí thành viên của các trang web thể thao tốn 30 USD; tạp chí và sách các loại tốn 30 USD…
Khoản chi dù nhỏ đến đâu cũng sẽ trở thành một khoản chi khổng lồ vượt quá khả năng của chúng ta.
Khái niệm "Latte factor" lần đầu tiên được đưa ra bởi nhà văn kiêm nhà tư vấn tài chính người Mỹ David Bach. Ông đã nói lên sự thật một cách sắc bén: "Gặp vấn đề tiền nong không phải là do thu nhập quá ít, mà là do chi tiêu quá nhiều!"
02.
Chỉ khi sống đúng với khả năng, bạn mới có thể tự lo cho cuộc sống của mình
Trên thực tế, nhiều người không phải không biết đến sự tồn tại của "Latte factor", chỉ là họ không thể tìm ra ý nghĩa của việc từ bỏ.
Có một người bạn từng nói với tôi: "Tôi uống trà sữa chỉ để cho vui thôi. Nếu ngay cả số tiền nhỏ vậy tôi cũng tiêu không được, thì cuộc sống còn ý nghĩa gì nữa!"
Vậy, tại sao ta lại phải đối mặt với tác hại của "Latte factor"? Có hai lý do sau:
Đầu tiên, khoản tiền nhỏ qua thời gian sẽ tích thành khoản chi lớn.
Như đã đề cập ở trên, số tiền mua một cốc cà phê mỗi ngày có thể mua được một căn nhà trong 5 năm.
Phải biết rằng, khi bạn thực sự cần, số tiền bạn tiết kiệm được có thể giúp bạn vào thời điểm quan trọng.
Thứ hai, tiết kiệm là vốn liếng để thay đổi cuộc sống.
Nhiều người nói rằng họ muốn học cách làm việc chăm chỉ và thay đổi cuộc sống của họ như Mã Vân và Mã Hóa Đằng.
Bạn có biết điều đầu tiên phải học hỏi từ những tỷ phú này là gì không? Không phải là từ chức, không phải là cách kinh doanh, mà là tiết kiệm tiền.
Dù không khởi nghiệp nhưng vẫn muốn đầu tư vào quản lý tài chính thì chí ít bạn cũng phải có một số vốn nhất định phải không?
Muốn đổi đời thì nghiến răng tiết kiệm chính là điều cơ bản. Khởi đầu này là số 1, thiếu nó thì dãy số 0 sau đó đều vô nghĩa.
03.
Không bị ham muốn chi phối là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống
Nếu chúng ta cho phép mình thỏa mãn "Latte factor", sẽ khiến cuộc sống của chúng ta bị những ham muốn chi phối.
Đi dạo phố, thấy bộ váy đẹp, bạn liền mua nó; thấy đôi giày đẹp, bạn mua nốt... Thêm vào lời ngon tiếng ngọt của nhân viên bán hàng, cuối cùng bạn mua cá tá thứ về nhà.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, bản thân bạn sẽ hoàn toàn mất kiểm soát, có nghĩa là bạn đã giao quyền chủ động của cuộc đời mình cho những ham muốn và cảm xúc chi phối.
"Quản lý tài chính là quản lý cuộc sống", người có thể hiểu rõ tiền tiết kiệm và tiền kiếm được có thể giảm 80% những rắc rối trong cuộc sống.
Trên thực tế, có 3 bước đơn giản để loại bỏ "Latte factor":
Đầu tiên, phải tìm ra "Latte factor" của bạn là gì thông qua việc thống kê chi tiêu.
Sở thích và thói quen của mỗi người là khác nhau và "Latte factor" cũng khác nhau.Bằng cách thống kê chi tiêu, bạn có thể tổng hợp các khoản chi hàng ngày của mình và tìm ra "lỗ hổng" trong việc tiêu tiền.
Bước hai, tự phản ánh nhu cầu tâm lý thực sự đằng sau "Latte factor".
Theo tâm lý học, khi con người ta làm bất cứ việc gì, điểm xuất phát của họ là để "thỏa mãn một nhu cầu nội tâm nào đó".
Muốn loại bỏ "Latte factor", bạn phải biết nó đang đáp ứng những nhu cầu nào.
Bước ba, tự hỏi bản thân xem có giải pháp thay thế lành mạnh và hợp lý hơn không?
Bạn phải biết rằng mục tiêu sống của chúng ta là giảm căng thẳng trong cuộc sống, chứ không phải tiêu tiền. Nếu có một cách để xả stress mà không cần tiêu tiền, thì chúng ta thực sự không cần phải tiêu tiền một cách tùy tiện.
04.
Thứ bạn tiết kiệm được không chỉ là tiền, mà còn là sức mạnh tinh thần
Xã hội sẽ không mở lòng với bạn chỉ vì bạn nói "Tôi không có tiền". Vận mệnh cũng sẽ không dành sự đặc ân cho bạn chỉ vì bạn nói "Tôi rất nghèo".
Những lúc không có biến cố, hãy kiểm soát chi tiêu của bản thân, vì tiền không chỉ là một dãy số, mà là dụng cụ để bạn tuyết định cuộc sống của bản thân.
Thứ bạn tiết kiệm được không chỉ là tiền, mà còn là sức mạnh tinh thần.
Nguồn: Abolouwang