Trong một nghiên cứu năm 2013 về vận động viên nữ tham gia cuộc thi London Marathon, các chuyên gia thu được kết quả: 32% cho biết, đôi khi, họ thấy đau ở ngực khi chạy. Trong số đó, 17% thi thoảng phải cắt giảm thời lượng tập luyện chỉ vì các cơn đau này.
Sau đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu về chuyển động của vòng 1 trong các môn thể thao. Hãy cùng khám phá những điều thú vị về vòng 1 khi bạn chạy và cách giữ gìn đôi gò bồng đảo vàng ngọc của mình:
1. Ngực không được nâng đỡ nhiều nên không thể cố định khi bạn chạy
Bác sĩ Andrea Cheville, Giám đốc Chương trình Phục hồi cho những bệnh nhân ung thư tại Mayo Clinic (bang Minnesota), cho biết: "Phụ thuộc vào kích cỡ, bầu ngực có thể trở nên rất nặng. Cơ thể không thực sự hỗ trợ tốt cho chúng. Không có gì nhiều để đảm bảo bầu ngực sẽ cố định khi bạn chạy vì chỉ có làn da và vài dây chằng đỡ lấy bầu ngực mà thôi".
Bác sĩ Chevile tiết lộ thêm: "Các vùng cơ thể khác, như bụng, thường khỏe hơn. Bạn có thể chạy và những cơ quan bên trong không bị lắc qua lắc lại, bởi vì chúng có một lớp bao ngoài chắc khoẻ tạo nên từ các sợi cơ. Nhưng với bầu ngực thì không như vậy. Về cơ bản, ngực không được hỗ trợ. Hơn nữa, bầu ngực lại có các cơ quan thụ cảm cơn đau. Và khi bạn chạy, các yếu tố hỗ trợ (vốn rất hạn chế) bị căng ra, bạn sẽ cảm thấy đau ở ngực".
2. Lúc bạn chạy, bầu ngực di chuyển nhiều hơn so với bạn nghĩ
Michelle Norris, chuyên viên hỗ trợ nghiên cứu cao cấp khoa Khoa học thể thao và tập luyện tại Đại học Portsmouth (Anh), đã nghiên cứu chuyển động của bầu ngực và kiểm tra các sản phẩm hỗ trợ ngực trong phòng thí nghiệm.
Cùng với các đồng nghiệp, Norris đề nghị những phụ nữ tham gia nghiên cứu chạy trên máy chạy trong tình trạng để ngực trần, với áo ngực có độ hỗ trợ thấp và với áo ngực chuyên dụng. Họ đã sử dụng thiết bị ghi nhận chuyển động 3 chiều để xem xét ngưỡng dịch chuyển của ngực và nhận thấy, bầu ngực di chuyển theo hình số 8. Không phải lên, xuống - chuyển động theo chiều dọc mà phần lớn những người chạy đều cho là vậy – mà là sang hai bên cũng như từ trước ra sau. "Bầu ngực là một khối mô chứ không phải khối cơ. Nó không có cấu trúc vững chắc. Nó có thể di chuyển theo 3 chuyền khi chạy. Và thực tế đúng là như vậy", chuyên gia Norris giải thích.
Khi bạn cộng tất cả các chuyển động theo cả 3 mặt với nhau, bầu ngực – không được hỗ trợ - sẽ di chuyển khoảng 15cm trong lúc bạn chạy (các phòng thí nghiệm khác nhau công bố các con số khác nhau, phụ thuộc vào kích cỡ bầu ngực người tham gia). Khoảng 50% chuyển động này theo chiều dọc, 25% chuyển động sang 2 bên và 25% còn lại là chuyển động từ trước ra sau và ngược lại.
3. Một chiếc áo ngực tốt là thứ bắt buộc phải sử dụng khi chạy
Vì ngực cần cố định nên khi chạy bạn cần sử dụng áo ngực chuyên dụng để hỗ trợ. Theo cảnh báo mạnh mẽ từ các chuyên gia, chị em hãy đi mua áo ngực và lựa chọn thật cẩn thận: Thử nhiều loại khác nhau và chọn loại tốt nhất có thể. Hãy tìm một cửa hiệu chuyên bán đồ dùng dành cho người tập thể thao với nhân viên bán hàng có hiểu biết để chọn được loại thích hợp nhất.
Một số chị em thích áo ngực nén (compression), những người khác lại ưa chuộng những mẫu áo ôm gọn (encapsulation). Thực tế, loại tốt nhất là loại bạn cảm thấy thoải mái khi mặc.
"Áo ngực là một trong thứ quan trọng nhất cho bất cứ phụ nữ nào khi chơi các môn thể thao. Nếu bạn có một chiếc áo ngực cài khoá ở phía sau lưng, bạn nên mặc ở mức khoá lỏng nhất. Khi trải qua nhiều lần giặt và áo rộng ra, bạn có thể cài ở mức khoá chặt hơn", chuyên gia Norris nhấn mạnh.
4. Bước chạy của bạn không ảnh hưởng tới chuyển động bầu ngực
Và đây là điều khiến chuyên gia Norris kinh ngạc từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của mình: Bất kể tốc độ chạy của bạn là bao nhiêu, bầu ngực vẫn di chuyển cùng một mức nhất định. "Tôi vẫn nghĩ rằng nếu chạy nhanh hơn, ngực cũng sẽ di chuyển nhiều hơn. Nhưng sự thật không phải như vậy. Nếu bạn chạy với vận tốc 10km/h, bầu ngực thực sự di chuyển ở mức tối đa. Nhưng nếu bạn chạy với vận tốc 14km/h, chúng cũng không di chuyển nhiều hơn", cô cho biết.
Bài học cho những vận động viên điền kinh nữ: Đừng nghĩ rằng, nếu bạn chạy quãng dài và duy trì nhịp chạy chậm, bạn có thể sử dụng loại áo ngực có độ hỗ trợ thấp. Bạn lúc nào cũng cần một chiếc áo ngực có độ hỗ trợ cao khi chạy.
5. Nên cực kỳ cẩn trọng với các cơn đau ngực
Có nhiều dạng đau ngực khác nhau - phần lớn trong số đó có thể dễ dàng lý giải được. Nhưng bạn không nên bỏ qua các cơn đau.
Trong trường hợp đau ngực vì luyện tập thể dục thể thao, nguyên nhân có thể là do ngực không được nâng đỡ hợp lý – áo ngực của bạn đã "làm chưa tốt công việc" của nó. Cũng theo chuyên gia Cheville, với những phụ nữ ngực lớn, việc tìm kiếm loại áo có chức năng hỗ trợ cao không hề đơn giản.
Bất cứ cơn đau bất thường nào, hãy tới gặp bác sĩ. "Một phụ nữ ngực nhỏ mới bị đau ngực thì nguyên nhân khó giải thích hơn và bạn nên cẩn trọng hơn. Việc đi khám bác sĩ là cần thiết", chuyên gia Cheville khuyên.
(Nguồn: WMH)