Ở một môi trường đầy rẫy thị phi, lắm điều tiếng và quá đỗi phức tạp như công sở, những va chạm vẫn thường xảy ra như cơm bữa. Sau những va chạm, mâu thuẫn, người thấu hiểu có thể dễ dàng “chín bỏ làm mười”, gạt những nghi kỵ, hiềm khích sang một bên để không gây ảnh hưởng đến hòa khí chung cũng như sự gắn kết của tập thể.

Tuy nhiên, cũng có những người chẳng thể bỏ qua một cách dễ dàng như vậy. Những mâu thuẫn và ấn tượng không tốt đẹp cứ như một chất keo dai dẳng, bám chặt vào tâm trí, khiến họ chẳng thể nhìn nhận một cách khách quan cũng như tích cực về đối phương. Và đó chính là tiền đề tạo nên những xúc cảm tiêu cực, tác động lên những người xung quanh.

Nếu mỗi đồng nghiệp ta ghét là một quả táo thì túi táo ta mang hàng ở nơi công sở ngày nặng đến độ nào? - Ảnh 1.

Căm phẫn và thù ghét một người có khiến họ thất bại và tổn hại hay không thì chưa biết, tuy nhiên, người cứ giữ mãi trong lòng những xúc cảm tiêu cực chắc chắn sẽ khiến tâm hồn bị ảnh hưởng. Dẫn chứng thuyết phục nhất đến từ câu chuyện túi táo mà chắc hẳn đã có không ít chị em có cơ hội đọc qua.

Một vị Tổng giám đốc quyết định đưa ra một hoạt động trưng cầu ý kiến và đóng góp xây dựng công ty dành cho toàn bộ nhân viên. Sếp Tổng yêu cầu các nhân viên mang theo một túi nhựa đựng táo. Và mỗi quả táo sẽ được đặt tên theo tên một đồng nghiệp mà họ ghét, thấy rằng họ thiếu năng lực và muốn họ phải thay đổi cách làm việc hoặc thậm chí nghỉ việc, trong đó có thể có tên các trưởng phòng và phó phòng, thậm chí các giám đốc.

Số táo trong túi của mỗi người sẽ không bị giới hạn, vì nó phụ thuộc vào số lượng người họ không ưa và muốn họ thay đổi. Mỗi người cần phải tuyệt đối bảo mật về nội dung trong túi táo của mình và phải buộc nó thật chặt, chỉ có Tổng giám đốc quyền lực nhất mới được biết nội dung trong các túi táo. Kết thúc sẽ là một cuộc thuyết trình của cá nhân về số táo đó. Ai có những đóng góp tích cực nhất sẽ được giám đốc trọng thưởng.

Nếu mỗi đồng nghiệp ta ghét là một quả táo thì túi táo ta mang hàng ở nơi công sở ngày nặng đến độ nào? - Ảnh 2.

Khi cuộc vận động bắt đầu, mọi người bắt đầu hồ hởi chuẩn bị táo và nghĩ tới cuộc thuyết trình. Vị Tổng giám đốc đề nghị, túi táo đó cần được họ mang theo bên mình dù ở bất cứ nơi đâu trong một tháng, vì khi cần còn có thể bổ sung trước khi thời hạn kết thúc.

Ban đầu, có những người túi táo khá nhẹ, dường như chỉ có vài quả. Nhưng cũng có những nhân viên phải mang vác khệ nệ, tuy nhiên cũng không ai biết được trong túi có bao nhiêu quả và những quả táo đó là ai.

Một tuần trôi qua, các nhân viên đều cố gắng suy nghĩ để tìm ra lỗi của các đồng nghiệp, nghĩ tới những người mình không hài lòng, với hy vọng sẽ đóng góp được tích cực nhất cho công ty, số táo trong túi vì thế mà tăng thêm mỗi ngày.

Nếu mỗi đồng nghiệp ta ghét là một quả táo thì túi táo ta mang hàng ở nơi công sở ngày nặng đến độ nào? - Ảnh 3.

Nhưng rồi sang tới tuần thứ hai, họ bắt đầu cảm thấy khó chịu vì sức nặng của túi táo và mùi táo thối bắt đầu bay ra, bất chấp họ đã buộc thật chặt. Đặc biệt là những ai vừa phải xách nặng, vừa phải ngửi mùi táo thối trong suốt một ngày dài làm việc.

Tới tuần thứ ba, không ai muốn cho thêm một quả táo nào vào túi của mình, mà chỉ mong ngóng tới ngày hoạt động góp ý này kết thúc.

Tới tuần cuối, mùi táo thối khiến cả công ty nặng nề và khổ sở, chỉ có ai không có túi táo nào mới có thể tương đối nhẹ nhõm hơn những người khác. Không ai còn nghĩ đến việc tìm lỗi của người khác nữa, vì họ đã quá khổ sở trong việc giữ và vác túi táo thối đi khắp nơi. Ai cũng ân hận vì mình đã không có cái nhìn tích cực hơn với người khác. Họ tự nhiên bắt đầu thấy những đồng nghiệp mà họ chê trách và coi thường vẫn còn rất nhiều điểm tốt.

Đến ngày cuối cùng, khi chuẩn bị được giải thoát khỏi túi táo thối, các nhân viên đều cảm thấy như chính tâm hồn mình chuẩn bị được giải thoát. Không ai còn muốn hùng biện nữa, mà chỉ muốn tĩnh lặng để ngẫm về chính bản thân mình.

Nếu mỗi đồng nghiệp ta ghét là một quả táo thì túi táo ta mang hàng ở nơi công sở ngày nặng đến độ nào? - Ảnh 4.

Khi tới gặp Tổng giám đốc cùng túi táo thối của riêng mình, họ đều đã nhận được lời chia sẻ bất ngờ về ý nghĩa thực sự ẩn sau hoạt động này. Vị tổng giám đốc nói với họ: “Trong những kinh nghiệm quý báu nhất cuộc đời mà tôi đã trải qua, thì đây chính là bài học sâu sắc mà tôi đã được học và giờ đây chia sẻ lại với các bạn.

Đó chính là trạng thái khi bạn mang theo cái nhìn coi thường, ghét bỏ, kỳ thị, hay định kiến về một ai đó trong trái tim của bạn. Mùi hôi thối của thù hận, ghét bỏ và kỳ thị, coi thường hay định kiến sẽ làm ô nhiễm trái tim của bạn và bạn sẽ phải chịu đựng nó ở bất cứ nơi nào bạn tới.

Ai cũng còn những mặt rất tốt của họ, và không ai trên đời này có thể hoàn hảo, không có một viên ngọc nào không có tì vết, ai cũng có những mặt tích cực của họ để chúng ta hy vọng, động viên và khích lệ, giúp đỡ và hỗ trợ.

Nếu bạn không thể chịu được mùi của táo thối trong chỉ một thời gian ngắn ngủi đó thôi, bạn có thể tưởng tượng những gì mà mùi hôi thối của ghét bỏ, thù hận và kỳ thị định kiến trong lòng có thể gây ra đối với cả cuộc đời rất dài của bạn?

Tôi chúc mừng các bạn đã tìm được bí quyết tốt nhất để đóng góp cho sự phát triển của công ty, đó chính là nỗ lực phối hợp và tương trợ lẫn nhau, dựa trên tấm lòng bao dung rộng mở, từ bi và hòa ái, và một cái nhìn luôn thiện tâm đối với người khác. Cảm ơn bạn vì tất cả".

Nếu mỗi đồng nghiệp ta ghét là một quả táo thì túi táo ta mang hàng ở nơi công sở ngày nặng đến độ nào? - Ảnh 5.

Vậy đấy, chỉ cần vứt bỏ bớt sự ghét bỏ hay thù hận đối với người khác từ tận trái tim sẽ khiến chúng ta nhẹ nhàng đi rất nhiều. Tha thứ, bao dung cho người khác chính là món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể dành tặng cho đối phương cũng như chính bản thân mình. Hãy nhìn nhận mọi người dưới góc độ tươi sáng và tích cực để thấy những người xung quanh thật sự tuyệt vời và đáng được yêu thương đến nhường nào. Đồng nghiệp có thể không tồn tại nhưng một khi đã có, chúng ta cần biết cách chung sống và yêu thương, chị em công sở nhé!

Nếu mỗi đồng nghiệp ta ghét là một quả táo thì túi táo ta mang hàng ở nơi công sở ngày nặng đến độ nào? - Ảnh 6.