Hỏi:

Chào chị Tâm An!

Em không nghĩ có ngày mình lại phải viết thư lên nhờ các chị tư vấn như thế này. Em lấy chồng đã được 6 năm. Có thể nói cuộc sống của em cũng bình thường như các gia đình khác. 22 tuổi, lấy chồng, sinh con, đi làm, chăm sóc chồng con. Nhưng thật sự thời gian gần đây có một việc làm em khổ tâm và đau đầu mãi. 

Chồng em là một người biết tính toán làm ăn. Tiền nong chi tiêu trong gia đình hầu hết là do anh ấy trang trải, lương của em cũng bình thường. Mọi thứ vẫn như thế trôi qua, cho đến thời gian gần đây gia đình em có chuyện.

Bố đẻ em phải vào viện cấp cứu, còn mẹ em thì bị ốm liên miên đã lâu. Căn bệnh tim của ông cần số tiền lớn để mổ, nhưng gia đình em không có nhiều tiền. Vì thế mẹ đẻ có hỏi mượn vợ chồng em. Khi em hỏi chồng về chuyện tiền nong này thì ngay lập tức anh tỏ thái độ.

“Nếu muốn đi chăm sóc bố mẹ đẻ thì cô đi lấy chồng làm gì?" 1
Căn bệnh tim của ông cần số tiền lớn để mổ, nhưng gia đình em không có nhiều tiền. Khi em hỏi chồng về chuyện tiền nong thì ngay lập tức anh tỏ thái độ (Ảnh minh họa)

Anh nói bình thường sao ông bà không làm mà tích cóp, đến lúc không có tiền lại đi hỏi vay. Hơn nữa, vay trong lúc ốm đau thế này bao giờ mới trả được. Anh làm em tức nghẹn họng chị ạ.

Đối xử với bố mẹ vợ tệ bạc thế nhưng ở gia đình chồng thì anh chăm sóc hết mình. Bao giờ lấy lương về anh cũng đưa tiền cho bố mẹ chồng chi tiêu. Anh còn dẫn mẹ chồng đi mua sắm thường xuyên, rồi mua cho em gái hết điện thoại xịn lại laptop, xe máy mới. Em chẳng ghen tị gì nhưng rõ ràng anh đối xử không công bằng giữa nhà nội và nhà ngoại. 

Em xin phép bố mẹ chồng qua bệnh viện chăm sóc bố đẻ mấy hôm thì chồng em nói: “Nếu muốn chăm sóc bố mẹ đẻ thì cô đi lấy chồng làm gì. Cứ ở nhà, lúc nào vợ chồng cùng vào thăm qua rồi về, nhà cô thiếu gì người trông bố”.

Chị ơi, hiếu nghĩa là lúc này chứ còn lúc nào nữa. Em nén cơn giận, nuốt nước mắt vào thăm bố mà không dám nói với bố mẹ về việc con rể không đồng ý cho vay tiền. Em chỉ bảo mẹ là hiện giờ vợ chồng em đang gặp chút khó khăn rồi từ từ để em lo liệu.

Em vào viện thăm bố chưa được nửa ngày thì chồng cứ gọi điện mấy lần giục em về. Vì gia đình chồng em cũng đang chuẩn bị xây nhà thờ tổ, anh bắt em về để lo liệu việc bên chồng.

Em cũng là đứa biết nghĩ, chăm sóc bố mẹ chồng và anh em nhà chồng chu đáo, không ai phàn nàn gì. Nhưng thực sự có chồng thế này em mệt mỏi và thất vọng quá! Mong chị cho em lời khuyên. Cám ơn chị!

(Trần Vân Anh, HN)

Chị Tâm An trả lời:

Chào em!

Đọc mail, chị biết em là người phụ nữ sống có trách nhiệm với gia đình và người thân. 6 năm hôn nhân không phải quá dài, nhưng chị tin em đã dồn hết tâm huyết của mình vào việc chăm sóc gia đình nhà chồng. 

Và bây giờ việc em chăm sóc cho người thân của em khi hoạn nạn cũng là điều hợp tình hợp lý. Đáng lẽ tất cả những điều đó chồng em phải ghi nhận những đóng góp của em và cùng với em lo lắng cho bố vợ. Tuy vậy những điều đó với chồng em lại trở nên quá xa xỉ.

Việc quan tâm giúp đỡ chăm sóc người thân ruột thịt lúc đau yếu hay gia đình có chuyện là bổn phận và nghĩa vụ của mỗi người. Những điều mà chồng em làm thật thiếu tình người khi cản trở em chăm sóc người thân gia đình. 

Có lẽ chồng em quá ích kỷ và đang quan niệm rằng “xuất giá tòng phu”, “dâu là con rể là khách”. Chồng em nghĩ, người phụ nữ khi lấy chồng buộc phải chăm sóc gia đình chồng, còn người chồng có quan tâm đến gia đình vợ hay không không phải là bổn phận.

“Nếu muốn đi chăm sóc bố mẹ đẻ thì cô đi lấy chồng làm gì?" 2
Có chồng thế này em mệt mỏi và thất vọng về chồng quá (Ảnh minh họa)

Cha mẹ nào cũng là cha mẹ, đều có công sinh thành dưỡng dục. Về điều này em cần phải nói cho chồng hiểu rõ. Để thay đổi những suy nghĩ ích kỷ này của chồng, em cũng cần có thời gian. 

Nhưng quan trọng là em không nên im lặng chấp nhận và không có phản ứng gì. Nếu làm như thế, chẳng khác nào em sẽ chấp nhận tất cả những điều kiện của anh ấy. Em cần phải mềm dẻo và kiên quyết giúp chồng hiểu rằng việc bên nội hay bên ngoại đều quan trọng như nhau. Hơn nữa nếu anh ấy là người thực sự có trách nhiệm, anh ấy nên động viên giúp đỡ vợ làm tròn bổn phận làm con với bố mẹ đẻ của mình.

Ngoài ra, em có thể tìm đến người thân trong gia đình chồng, những người mà em tin tưởng để nhờ họ tác động. Còn hiện tại, em cần giữ sức khỏe, tinh thần để giúp bố em điều trị và vượt qua giai đoạn bệnh tật này nhé! Chị tin em sẽ vượt qua được những bế tắc này. 

An tâm lên em!



“Nếu muốn đi chăm sóc bố mẹ đẻ thì cô đi lấy chồng làm gì?" 3