Con tôi rất sợ lấy ráy tai. Từ nhỏ đẻ ra đã sợ, mỗi lần tôi chỉ lấy bông tăm lau nhẹ tai thôi thì thằng bé đã khóc váng làng nước lên. Đến lúc lớn hơn một chút, nó lại càng biết cách chống đối, mỗi lần muốn làm vệ sinh tai cho con là một lần vật vã, khóc lóc vô cùng thảm thương. Có lúc nó gào khóc đến mức ói hết cả ra. Dần dà tôi cũng đâm ra sợ, không dám đụng đến tai của con nhiều nữa.

Nếu sớm biết cách này, con trai tôi đã không phải chịu đựng đau đớn vì viêm tai - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Năm con 2 tuổi, thỉnh thoảng nửa đêm con lại hét lên rồi ôm tai. Nhưng chỉ vậy thôi rồi lại thôi, hôm sau thằng bé vẫn vui vẻ như bình thường nên tôi nghĩ con chỉ nằm thấy ác mộng gì đấy. Không ngờ mấy tháng sau, có lần thằng bé lên cơn sốt, rồi ôm tai đau cả ngày. Tôi vội vã đưa con đi khám thì bác sĩ bảo con bị viêm tai giữa do phần ráy đã đóng cứng trong ống tai. Cũng may chỉ bị nhẹ thôi, bác sĩ sau đó cho thuốc về để con uống và nhỏ tai.

Cơn sốt nhẹ của con qua rất nhanh, nhưng cái tai đau thì lại khó chịu âm ỉ, làm con khóc lóc, không ngủ yên, ăn cũng mất ngon. May thay tôi học được một chiêu giảm đau cực kỳ hiệu quả của mẹ truyền lại. Dù đau bụng, đau răng hay đau tai, chỉ cần dùng chiêu này sẽ thấy dễ chịu hơn rất nhiều.

Nếu sớm biết cách này, con trai tôi đã không phải chịu đựng đau đớn vì viêm tai - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Chiêu này rất dễ, bạn chỉ cần lấy một chiếc vớ sạch và dày dặn một chút, đổ muối hột vào, cột miệng lại sao cho bịch muối to cỡ lòng bàn tay là vừa. Mỗi lần muốn dùng, bạn bỏ bịch muối vào chảo nung với lửa vừa cho nóng, hoặc nhanh và tiện nhất là bỏ vào lò vi sóng quay khoảng 2-3 phút.

Chờ bịch muối nguội vừa đủ, kiểm tra nhiệt độ bằng cách áp vào mặt trong cánh tay mà bạn thấy không quá nóng là có thể dùng được. Dùng bịch muối này áp vào tai của con sẽ thấy cơn đau thuyên giảm rất nhanh chóng.

Ngoài ra bác sĩ còn nhắc nhở tôi tuyệt đối không nên dùng tăm bông ngoáy tai cho bé vì rất dễ khiến màng nhĩ của con bị tổn thương, hoặc sẽ càng đẩy sâu ráy tai vào bên trong. Thay vào đó, có một cách không gây đau đớn có thể giúp mẹ làm vệ sinh dễ dàng, ngay cả với những đứa bé sợ lấy ráy tai nhất.

Nếu sớm biết cách này, con trai tôi đã không phải chịu đựng đau đớn vì viêm tai - Ảnh 3.

Ảnh: Internet

Đơn giản lắm, đó là các mẹ cứ dùng nước muối sinh lý nhỏ tai cho con là sạch hết. Nếu tai bé đóng nhiều ráy cứng, mẹ nhỏ tai con 3 lần mỗi ngày. Mỗi lần như vậy, dỗ ngọt một chút cho bé nằm nghiêng một bên, nhỏ đầy tai và giữ nước muối trong tai khoảng 2-3 phút rồi nhỏ tiếp như vậy cho bên còn lại. Chỉ trong vài ngày, nước muối sẽ giúp ráy tai mềm dần và tự rơi ra ngoài. Mẹ kiểm tra nếu thấy ráy trôi ra ngoài, có thể đợi khi bé ngủ say, dùng tăm bông khều nhẹ là sạch.

Cũng may nhờ cách này mà tôi không còn phải đánh vật mỗi lần vệ sinh tai cho con. Bây giờ cứ cách ngày tôi lại nhỏ tai cho con trước khi ngủ. Tai con lúc nào cũng sạch bong, không còn sợ bị viêm tai nữa.