Một ngày đã sắp nhẵn túi khi những ngày phía trước còn quá xa vời quả là điều thật sự tệ hại và hoang mang với bất cứ ai. Nhưng chẳng lẽ lại bị chết đói giữa thời buổi này? Nghe các nhân vật cùng chia sẻ cách vẫn sống ổn qua giai đoạn khó khăn này nhé.
“Phải sống theo hoàn cảnh thôi, 200k (nghìn) trong túi, em vẫn xoay xở được”
Đây là chính kiến của cô gái 22 tuổi Phạm Thị Ly (Hà Đông, Hà Nội). Vì sức học chỉ trung bình nên khi thi đại học Ly cũng không mong đỗ. Vì thế, Ly đã xin gia đình đi học nghề cắt may. Hiện thu nhập mỗi tháng của Ly từ lương công nhân may được hơn 4 triệu đồng/tháng.
Khi được hỏi “Nếu trong túi còn 200k, bạn sẽ làm gì?”, Ly tự tin trả lời: “Lúc ấy, em phải sống theo hoàn cảnh thôi. Còn 200k trong túi, em vẫn xoay xở được”.
- Sẽ dành 40.000 đồng để đổ xăng (Ly đi xe số).
- Dành khoảng 62.500 đồng để mua 5 kg gạo tẻ loại rẻ nhất ăn dần.
- Số tiền còn lại sẽ dành để mua thức ăn. (Theo Ly, với số thực phẩm như vậy vẫn sẽ đủ kéo dài thêm thời gian kha khá để kiếm việc mới).
Ly nói: "Tất nhiên không thể ngồi đó kêu la mà đòi có ăn rồi. Em sẽ cũng sẽ lao ra đường xin việc, việc gì em cũng nhận làm để kiếm miếng cơm trước mắt đã, chỉ cần không vi phạm pháp luật là được.
Em có thể chạy bàn, phụ quán ăn, trông xe, rửa bát... Nói chung thời điểm này em cũng xác định phải tìm công việc ngắn hạn, thời vụ chứ đừng quá kén. Như vậy, em vẫn sẽ vẫn có tiền ăn mà vẫn đi tìm việc làm như mong muốn. Phải lựa cơm gắp mắm thôi chứ trong tình trạng thế này không thể tiêu 1 ngày 200k phung phí như trước”.
Cô gái trẻ này cũng tiết lộ, đây cũng là cách đã giúp cô tồn tại lúc vừa mới lên Hà Nội. Thời điểm ấy, khi vừa lo xong chỗ ở để đi làm thì Ly đã bị kẻ trộm giật hết túi ví trong một lần đi làm về. Cũng may trong túi Ly lúc ấy còn hơn 300k tiền lẻ để đi chợ những ngày kế tiếp.
“Dù may mắn vẫn còn công việc, nhưng vì không muốn vay bạn bè, em đã làm thêm một công việc ngắn hạn để có tiền ăn trong tháng. Bằng cách này, em không cần phải dựa dẫm gia đình, bạn bè”.
Chị Phạm Thị Ly, công nhân may
“Mua những vật dụng thiết yếu và kiếm ngay việc làm tạm”
Đây là khẩu hiệu của Lan Anh, nhân viên một Ngân hàng tại Hà Nội. Theo Lan Anh, lúc trong túi chỉ còn 200k là thời điểm bản thân cần phải vững vàng và bình tâm nhất. Vì thế, tiêu pha xông xênh như bình thường thì quá hoang phí và rất không nên trong tình cảnh này.
Lan Anh cho biết, trước mắt, nếu chỉ còn 200k trong túi, cô sẽ:
- Chạy ra mua ngay cho mình thùng mì tôm, một ít rau củ cũng như dành tiền đổ đầy bình xăng.
- Còn khoảng 50k sẽ để dành làm chi phí dự phòng.
- Thay vì ngồi ủ dột và than vãn sẽ đi kiếm ngay một công việc nào đó để làm. Dù công việc này chắc chắn chẳng thể như ý được nhưng cũng sẽ chấp nhận “làm tạm” và cố gắng làm tốt. Bởi vì, cần phải kiếm được việc gì đó, đủ để nuôi cái miệng hàng ngày rồi mới tính đến tìm việc làm như mong muốn.
Lan Anh chia sẻ, cô kết hôn cách đây 4 năm. Cuộc sống của cô cũng bất ngờ rẽ sang một trang khác khi chồng cô đột nhiên bị tai nạn nặng. Khi chồng được ra viện, trong túi của Lan Anh cũng chẳng có nổi 200k.
Thời điểm ấy, thân gái một mình (vì vợ chồng cô đều ở xa nhà nội, ngoại), lại thêm phải cáng đáng tiền thuốc thang của chồng, Lan Anh đã phải vay tạm người thân 5 triệu. Bản thân Lan Anh cũng bắt đầu tự thân tìm việc làm.
Khởi đầu người phụ nữ này chấp nhận làm nhân viên kho cho một siêu thị với lương tháng 1,5 triệu. Ngoài giờ làm ca, Lan Anh cũng nhận thêm làm thêm bông tắm. Ngày nào cô cũng cặm cụi làm đến 3h sáng mới đi ngủ mà tính ra thu nhập từ việc làm thêm này cũng chỉ được 15k/ngày.
Cũng may, thấy cô cũng là người có bằng cấp, lại hết mình trong công việc, siêu thị cất nhắc cô lên những vị trí cao hơn. Cứ thế, vừa làm Lan Anh vừa trông ngóng những nơi lương cao hơn để nhảy việc.
Khi công việc đã hòm hòm, không phải nhận hàng làm bán thời gian nữa, Lan Anh lại quyết thi tuyển vào một ngân hàng (vì cô học kiểm toán). Sau bao nỗ lực, cuối cùng cô cũng thi đỗ. Từ đây, cuộc sống của Lan Anh đã sang hẳn trang khác vì lương khá và ổn định. Giờ cuộc sống của 2 vợ chồng cô sau 4 năm chưa giàu nhưng cũng đã đủ đầy.
Lan Anh quan niệm: “Cuộc đời chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là bạn phải vượt qua, cuộc sống không có bước đường cùng”.
"Lúc sa cơ lỡ vận, hãy tạm thời nhờ vả bạn bè, người thân"
Đây là quan điểm của chàng thanh niên độc thân 26 tuổi, Lê Bảo. Theo Bảo, nếu một ngày chỉ còn 200k trong túi Bảo cũng sẽ không cẩn thận lo xa chạy đi mua thực phẩm hay mì tôm dự trữ như các chị em.
Ngược lại, Bảo sẽ hành động như sau:
- Cầm 70k đổ đầy bình xăng
- Còn lại 130k để dành trong túi
- Không nghĩ tới việc thanh lý tài sản và chỉ thanh lý tài sản trong trường hợp xấu nhất.
- Tức tốc chạy qua bạn bè thân mượn tiền (chỉ cần vay đủ tiêu trong vòng 2 tuần hoặc 1 tháng là ổn)
Lê Bảo, 26 tuổi
- Nếu bạn không có tiền cho vay, tạm thời gọi về cho gia đình xin trợ giúp 1 tháng.
“Chỉ lúc sa cơ lỡ vận mình mới nhờ cậy gia đình chứ có phải ăn bám mãi người thân và xã hội đâu nên chả phải ngại. Mình cứ quay về nhờ gia đình giúp đỡ, sau này sẽ có nhiều cơ hội đền đáp lại mà” - Lê bảo nói.
- Nếu chưa có việc, phải bắt đầu tiến hành xin việc luôn. Nếu đang có việc, phải cày cuốc gấp đôi để có tiền trả nợ bạn hay bố mẹ.
Chàng thanh niên 26 tuổi nói: “Thi thoảng mình cũng rơi vào cảnh cháy túi. Mỗi khi túi bị cháy, mình cũng thấy hoàn cảnh này thật tệ. Cũng may mình chưa có gia đình vì những lúc như vậy chỉ phải nuôi bản thân mà không phải có trách nhiệm với vợ con. Nói chung, chỉ than thở cho nhẹ lòng chút rồi phải đứng lên làm việc tiếp”.
Theo Lê Bảo, để không bị rơi vào cảnh cháy túi khi chưa hết tháng, dù có một mình đàn ông cũng phải biết cách chi tiêu và tiết kiệm. Chẳng hạn như:
- Kiếm được 10 triệu chỉ nên tiêu 6-7 triệu
- Không biết giữ tiền thì gửi mẹ hay bạn gái cầm hộ
- Chỉ mua sắm những vật dụng cần thiết, không chi tiêu linh tinh.
Còn bạn, đã bao giờ bạn rơi vào tình trạng cạn túi như thế chưa? Nếu chẳng may chỉ còn 200 ngàn trong túi, bạn sẽ làm gì?
Còn bạn, đã bao giờ bạn rơi vào tình trạng cạn túi như thế chưa? Nếu chẳng may chỉ còn 200 ngàn trong túi, bạn sẽ làm gì?