"Cái sân chơi này sử dụng đồng USD thanh khoản 24/7 trên mọi quốc gia và ở Việt Nam có khoảng 20 sàn đứng ra để thanh khoán cho chúng ta. Chơi tài chính này nếu mà ngon thu nhập 10 - 20 tỷ/tháng", thành viên Etop Bank nói.

Theo quảng cáo, để trở thành triệu phú USD, người chơi chỉ cần gửi tiền thật để mua tiền ảo có tên là USDT tại Etop Bank, với các gói từ 200 USD - 10.000 USD, theo các kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 năm.

Lãi suất được trả theo các kỳ hạn gửi từ 30% - 50%/tháng, tương đương 600%/năm, cao gấp khoảng gần 100 lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng trong nước. Sau kỳ hạn gửi người chơi sẽ được rút toàn bộ tiền gốc.

Lãi suất cao nhất là kỳ hạn 3 năm, nếu người tham gia gửi vào số tiền 1 tỷ đồng, mỗi tháng sẽ nhận lãi 500 triệu đồng. Nghĩa là sau 3 năm người tham gia sẽ nhận 18 tỷ tiền lãi và 1 tỷ tiền gốc.

Thành viên Etop Bank nói: "Mình gửi tiền vào và họ sẽ đưa đi đầu tư tùy họ, miễn rằng cuối tháng là mình nhận lãi. Nhưng tại sao họ trả tiền cao vì đó là ngân hàng quốc tế, đơn giản lương của mình chỉ 10 triệu đồng còn lương của họ lên đến 5.000 USD".

Ngân hàng tự xưng Etop Bank đến từ Singapore: Chơi tài chính này nếu mà ngon thu nhập 10 - 20 tỷ/tháng? - Ảnh 1.

Số lãi "khủng" do Etop Bank vẽ ra.

Mời gọi nghe hấp dẫn, nên mô hình mới đưa vào hoạt động đã nhanh chóng thu hút được hàng nghìn người tham gia. Nhiều nhất là các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hưng Yên… 

Một người đàn ông đã quyết định bỏ toàn bộ số tiền vất vả làm lụng được sau 4 năm đi làm thuê tại Nhật Bản vào Etop Bank.

"Tôi làm việc bên đấy được tầm 800.000 - 1.000.000 đồng. Còn mô hình này tôi nhận được mỗi tuần 1.600.000 đồng, nhưng lại không phải làm gì cả. Từ những người mà tôi đã chuyển tiền thì họ đã mua ô tô và mua nhà rồi", người gửi tiền vào mô hình Etopbank cho biết.

Một người khác gửi tiền vào mô hình Etopbank cũng cho hay: "Tôi chơi là tôi chơi lớn luôn, lúc đầu là 300 triệu đồng, chơi được 3 ngày tôi lại chơi thêm 525 triệu đồng nữa".

Ngân hàng tự xưng Etop Bank đến từ Singapore: Chơi tài chính này nếu mà ngon thu nhập 10 - 20 tỷ/tháng? - Ảnh 2.

Vẫn là những lời tung hô, hội nghị tiệc tùng hoành tráng như những dự án siêu lợi nhuận bất thường trên không gian mạng.

Tự xưng là ngân hàng điện tử, nhưng theo danh sách các ngân hàng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam thì không có ngân hàng nào có tên Etop Bank. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng điện tử tự xưng này đang hoạt động trái pháp luật.

Gần đây trong một buổi họp báo Chính phủ tháng 11, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng lên tiếng cảnh báo về các mô hình huy động vốn lãi "khủng" trên mạng.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước cho biết: "Có được lợi nhuận mấy chục % trong điều kiện dịch COVID-19 là rất khó trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thế giới và trong nước. Còn mấy trăm phần trăm thì chúng ta chưa cần biết tổ chức đó hoạt động như thế nào nhưng mời chào như thế đã thấy bất hợp pháp và lừa đảo".

Không được cấp phép hoạt động, nhưng người môi giới của ngân hàng điện tử tự xưng Etop Bank, vẫn liên tục đi đến từng địa phương, tổ chức các sự kiện để lôi kéo người tham gia.