Cùng với sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, nhu cầu tìm hiểu về đầu tư ngày càng tăng cao và không hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Từ đó, mở ra cho các bạn trẻ nhiều cơ hội việc làm, các bạn có thể thử sức ở nhiều vị trí khác nhau trong doanh nghiệp nhằm chứng tỏ năng lực và trình độ của bản thân. 

Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, nhân lực ngành Kinh tế đầu tư đang rất hạn chế. Lĩnh vực này thiếu hụt trầm trọng nhân lực tài giỏi hoặc có sẵn nhân lực nhưng vẫn chưa thể đáp ứng những nhu cầu của nhà đầu tư cũng như chủ doanh nghiệp. Đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng cho các bạn trẻ theo học ngành này. 

NGÀNH KINH TẾ ĐẦU TƯ LÀ GÌ?

Ngành Kinh tế đầu tư là ngành đào tạo người học trở thành những cử nhân kinh tế quản lý hoạt động đầu tư chuyên nghiệp. Ngành học này cung cấp những kiến thức nền tảng về kinh tế, kiến thức chuyên sâu về kinh tế đầu tư. Đồng thời trang bị cho sinh viên kiến thức tổng hợp về kinh tế và quản lý, kiến thức về lĩnh vực lập dự án và quản lý các dự án đầu tư ở tầm vĩ mô, biết áp dụng các mô hình quản lý hiện đại.

Một ngành học trong tương lai cực kỳ phát triển nhưng hiện ít người theo đuổi - Ảnh 1.

Ngành Kinh tế đầu tư hiện đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng. (Ảnh minh họa)

Ngành Kinh tế đầu tư chú trọng phát triển năng lực tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn trong quá trình đầu tư, cụ thể là năng lực phân tích, hoạch định, thẩm định, thực thi và quản lý các dự án đầu tư, chính sách và chương trình đầu tư tại các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, sinh viên cần được rèn luyện những kỹ năng như: Kỹ năng tổng hợp, phân tích và khái quát vấn đề; khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm để giải quyết công việc trong chuyên môn đầu tư một cách hiệu quả; khả năng xử lý vấn đề liên quan đến các hoạt động đầu tư ở vi mô và vĩ mô; khả năng tư duy logic; khả năng giao tiếp và thuyết phục người khác,… 

CƠ HỘI VIỆC LÀM CỦA NGÀNH KINH TẾ ĐẦU TƯ

Cơ hội việc làm ngành Kinh tế đầu tư tương đối rộng mở vì ngành đào tạo về kế hoạch phát triển kinh tế và các hoạt động của một dự án, mà bất cứ hoạt động kinh tế nào cũng cần phải lên kế hoạch và lập thành dự án. Cụ thể, sinh viên ngành Kinh tế đầu tư ra trường có thể đảm nhiệm các vị trí như:

- Chuyên viên phân tích đầu tư;

- Nhân viên tín dụng, quản lý rủi ro tại ngân hàng;

- Chuyên viên quản lý vốn, nguồn vốn;

- Chuyên viên quản lý đấu thầu;

- Chuyên viên hoạch định quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế từ trung ương đến địa phương;

….

Với những vị trí trên, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế đầu tư có thể làm việc tại các tổ chức ở Việt Nam và nước ngoài như: 

- Cán bộ quản lý đầu tư trong ngành Kế hoạch - Đầu tư: Bộ Kế hoạch - Đầu tư, phòng Kế hoạch - Tài chính;

- Phòng Kế hoạch - Đầu tư tại các doanh nghiệp trong nước, liên doanh, nước ngoài nhằm xây dựng, triển khai thực hiện và quản lý các dự án;

- Phòng Thẩm định dự án ở các ngân hàng thương mại nhằm tư vấn cho các chủ đầu tư về xây dựng dự án;

- Bộ phận kế hoạch, dự án trong các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán, ngân hàng; 

- Trung tâm xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư tại các địa phương hoặc trung ương; 

- Cán bộ hoạch định chính sách và cán bộ quản lý tại các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế; 

- Nghiên cứu viên và giảng viên trong ngành Kinh tế - đầu tư tại các trường Đại học, các Viện, Học viện. 

Những người trong ngành Kinh tế đầu tư có mức lương trung bình từ 15 - 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, việc hoàn thành KPI, bạn sẽ nhận được mức thưởng rất cao. 

HỌC NGÀNH KINH TẾ ĐẦU TƯ Ở NHỮNG TRƯỜNG NÀO?

Các khối xét tuyển ngành Kinh tế đầu tư là: 

- A00 (Toán, Vật lý, Hóa).

- A01 (Toán, Vật lý, Anh).

- C04 (Toán, Ngữ văn, Địa lý).

- D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).

- D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh).

- D10 (Toán, Địa lý, Tiếng Anh).

Một số trường Đại học đào tạo các ngành Kinh tế đầu tư:

- Đại học Kinh tế Quốc dân.

- Đại học Công nghiệp Hà Nội.

- Đại học Thương Mại.

- Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

- Đại học Kinh tế TP. HCM.