Đi kèm với sự bùng nổ công nghệ là sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử. Thị trường Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh và được nhận định sẽ tăng tốc trong những năm tới. Đó chính là lý do vì sao ngày càng nhiều công ty, doanh nghiệp có những chiến lược đầu tư kinh doanh vào loại hình mới và có nhiều cơ hội “hái ra tiền” này, kéo theo nhu cầu về nhân lực đang trở nên vô cùng cấp bách.
Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Big Commerce, hơn 50% người tiêu dùng thích mua sắm trực tuyến và toàn bộ thị trường thương mại điện tử đã tăng trung bình hơn 20% mỗi năm. Còn khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT có việc làm được ghi nhận tại một số trường Đại học, Cao đẳng đạt tới trên 90%.
Thương mại điện tử là gì?
Thương mại điện tử (tiếng Anh là Electronic Commerce) là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến.
Ngành học Thương mại điện tử là sự giao thoa giữa ngành kinh doanh và công nghệ thông tin. Học thương mại điện tử trong lĩnh vực Công nghệ thông tin trang bị cho sinh viên các kiến thức về việc thiết lập và phát triển các hệ thống phần mềm, ứng dụng, website...trong quản lý và chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp.
Cơ hội việc làm ngành Thương mại điện tử rất cao bởi ngành này được dự báo cần nguồn nhân lực lớn trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử bạn có thể đảm nhiệm các vị trí sau tại một doanh nghiệp như:
Chuyên viên phân tích Thương mại điện tử. Người đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tiếp thị kỹ thuật số; Chuyên viên quản lý hiệu suất Thương mại điện tử. Người chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận khách hàng và duy trì doanh thu cho doanh nghiệp; Chuyên viên quản lý trang web thương mại điện tử; Chuyên viên Marketing online tại doanh nghiệp; Trở thành chuyên gia tư vấn, diễn giả đào tạo, giảng viên về Thương mại điện tử; Khởi nghiệp kinh doanh Thương mại điện tử.
So với các ngành nghề khác thì mức lương ngành Thương mại điện tử khá cao, đối với sinh viên mới ra trường và ít kinh nghiệm sẽ có mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, tùy vào năng lực, vị trí và kinh nghiệm làm việc sẽ có mức lương cao hơn từ 10 - 20 triệu đồng/ tháng.
Điểm chuẩn năm 2020 một số trường như sau:
Năm 2020, Trường Đại học Kinh tế quốc dân lấy điểm chuẩn ngành Thương Mại điện tử là 27,65 điểm trở thành trường có điểm ở ngành này cao nhất cả nước. Với mức điểm này, học sinh phải đạt ba điểm trên 9 hoặc có điểm ưu tiên mới có thể trúng tuyển. Ở một số trường khác, Thương Mại điện tử cũng là ngành có điểm chuẩn cao hơn so với mặt bằng chung.
STT | Tên trường | Điểm chuẩn năm 2020 |
---|---|---|
1 | Đại học Kinh tế quốc dân | 27,65 |
2 | Đại học Kinh Tế – Luật – Đại Học Quốc Gia TPHCM | 27,5 |
3 | Đại Học Công Nghệ Thông Tin – Đại Học Quốc Gia TPHCM | 26,5 |
4 | Đại Học Thương Mại | 26,25 |
5 | Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông (Phía Bắc) | 25,7 |
6 | Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM | 25,4 |
7 | Đại Học Công Nghệ Thông Tin – Đại Học Quốc Gia TPHCM | 24,8 |
8 | Đại Học Văn Hiến | 18 |
9 | Đại học Công Nghệ TPHCM | 19 |
10 | Đại Học Kinh Tế -Tài Chính TPHCM | 21 |
Mỗi trường sẽ có những khối xét tuyển khác nhau. Nhưng nhìn chung đều có những môn chung nhất định. Đa phần các trường đại học đều xét tuyển từ 3 đến 4 tổ hợp môn trong 5 tổ hợp môn dưới đây, bao gồm: A00: Toán học – Vật lý – Hóa học; A01: Toán học – Vật lý – Tiếng Anh; C00: Văn học – Lịch sử – Địa lý; D01: Toán học – Văn học – Tiếng Anh; D07: Toán học – Hóa học – Tiếng Anh; D90: Toán – Tiếng Anh – Khoa học tự nhiên...