Mới đây, Học viện Hàng không Việt Nam (VAA) đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển điểm tốt nghiệp THPT năm 2024. Ngành có điểm chuẩn cao nhất trường là ngành Quản lý hoạt động bay, chương trình tiếng Anh – 26 điểm. Chương trình chuẩn của ngành này lấy 25,5 điểm, cao thứ 2 Học viện Hàng không Việt Nam. Trung bình thí sinh cần 8,5 điểm trở lên để đỗ ngành này.
Năm 2023, Quản lý hoạt động bay cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất với 24,2 điểm. Năm 2022 và 2021, điểm chuẩn ngành này lần lượt là 23,3 và 26,3 điểm.
Điểm chuẩn theo phương thức lấy điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm chuẩn xét học bạ của ngành Quản lý hoạt động bay cũng ở ngưỡng cao nhất trường, bỏ xa các ngành còn lại.
Đáng chú ý, Quản lý hoạt động bay là ngành học đặc thù phục vụ cho ngành hàng không và chỉ được đào tạo chính quy duy nhất tại một cơ sở giáo dục là Học viện Hàng không Việt Nam.
Năm 2024, ngành này tuyển 200 chỉ tiêu cho 2 chương trình chuẩn và tiếng Anh. Học phí chương trình chuẩn ngành Quản lý hoạt động bay là 28,2 triệu đồng/năm, chương trình tiếng Anh là 36,6 triệu đồng.
Ngành Quản lý hoạt động bay học gì?
Theo thông tin trên website Học viện, Quản lý hoạt động bay là ngành đào tạo những sinh viên trở thành Kỹ sư chuyên ngành Quản lý hoạt động bay; quản lý, điều hành hoạt động bay dân dụng, đảm bảo an toàn, điều hòa cho việc cất và hạ cánh của các chuyến bay, giám sát trung tâm bay theo các phương pháp và chính sách đã ban hành, đưa ra những chỉ dẫn cần thiết cho việc cất cánh và hạ cánh.
Sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản trong lĩnh vực Hàng không dân dụng như: pháp luật hàng không; tổng quan về ngành hàng không dân dụng; an ninh hàng không; kinh tế vận tải hàng không; quy tắc quốc tế về vận chuyển hàng không… có thể áp dụng thành thạo phục vụ cho việc lý luận, phân tích trong quá trình giải quyết, phát triển các vấn đề liên quan đến ngành và chuyên ngành đào tạo.
Chương trình học ngành Quản lý hoạt động bay cũng đào tạo kiến thức cơ bản về về các vấn đề kỹ thuật, cấu tạo và hoạt động của tàu bay liên quan như: hình họa và vẽ kỹ thuật, đồ họa vi tính và CAD, khí động lực học cơ bản; cơ học và tính năng tàu bay, động cơ tàu bay, điện – điện tử hàng không…
Bên cạnh đó, sinh viên cũng được học kiến thức rộng và tổng quan về ngành quản lý hoạt động bay như: an toàn hàng không, quy tắc bay, dịch vụ không lưu, khí tượng hàng không, cứu hỏa & phương thức khẩn nguy sân bay…
Một số môn học cung cấp kiến thức chuyên ngành này có thể kể đến như: Dẫn đường bay theo tính năng, Quản lý hoạt động bay, Quản lý luồng không lưu, Thiết kế phương thức bay, Tổ chức và thiết kế vùng trời, Dịch vụ kiểm soát đường dài…
Tiềm năng ngành Quản lý hoạt động bay
Sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý hoạt động bay, sinh viên sẽ làm việc tại các vị trí như kiểm soát không lưu, phòng thủ tục bay, kế hoạch bay, thông báo bay của trung tâm Quản lý bay, các Hãng hàng không, các Cảng hàng không, sân bay, các cơ quan quản lý nhà nước về Hàng không dân dụng.
Bên cạnh đó, sinh viên có thể đảm nhận các công việc: Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề có liên quan đến hàng không, Kiểm soát viên mặt đất tại sân bay, Huấn luyện viên không lưu, Nhân viên đánh tín hiệu…
TS Phan Thanh Minh, phụ trách khoa Khai thác Hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam chia sẻ với báo chí, mức thu nhập bình quân hiện tại của một kiểm soát viên không lưu tại Việt Nam khoảng 30 triệu đồng/tháng. Với sinh viên mới ra trường, mức lương dao động 10-15 triệu đồng/tháng.
Dự báo đến năm 2025, ngành hàng không cần tới 58.000 nhân sự trong khi đó, đến năm 2030, dự kiến trên cả nước sẽ có khoảng 30 cảng hàng không đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành hàng không liên tục có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân lực cho đa dạng các vị trí, mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên theo học Quản lý hoạt động bay.
Theo Báo cáo Ba công khai của Học viện Hàng không Việt Nam, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành Quản lý hoạt động bay trong 2 năm gần đây ở ngưỡng 77-82%.