Trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023 đã diễn ra vào sáng Chủ nhật (8/10). Trong phần thi Vượt chướng ngại vật, từ khoá cần tìm có 15 chữ cái. Câu hỏi đầu tiên của vòng thi là "Từ nào còn thiếu trong đoạn bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn". Nguyễn Minh Triết (lớp 12 Lý, trường THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế) là thí sinh duy nhất trả lời đúng đáp án "Thiên nhiên".
Ngay sau đó, Nguyễn Việt Thành (lớp 12 trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội) đã nhanh tay bấm chuông giành quyền trả lời từ khóa. Cậu đưa ra đáp án chính xác "Năng lượng tái tạo".
"Năng lượng tái tạo" còn được gọi là năng lượng tái sinh, là một loại nguồn năng lượng được tạo ra từ các tài nguyên tự nhiên không giới hạn hoặc tái tạo nhanh chóng. Điều này bao gồm sự tận dụng của năng lượng từ các nguồn như mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng biển và nhiệt độ từ lòng đất.
Nguyên tắc cơ bản của năng lượng tái tạo là sử dụng các quá trình tự nhiên và liên tục trong môi trường để tạo ra điện, nhiệt, hoặc năng lượng khác để phục vụ cho các mục đích sử dụng kỹ thuật. Sự phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo đang có tác động tích cực đến môi trường và nguồn cung cấp năng lượng trên toàn cầu.
Năng lượng tái tạo cũng là một trong những ngành học đang rất hot. Được biết, mức tiêu thụ điện ngày một tăng cao, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo khiến nhu cầu về nguồn nhân lực cũng tăng mạnh trong nhiều năm gần đây.
Từ xu thế này, từ năm 2020, Đại học Bách khoa Hà Nội mở đào tạo ngành Năng lượng tái tạo thuộc Chương trình tiên tiến Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo. Hiện tại, Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những ngôi trường tiên phong trong việc xây dựng chương trình đào tạo thực tế, hiện đại ngành Năng lượng tái tạo.
Các trường cũng đang đào tạo ngành này có thể kể đến như: Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM; Đại Học Công Nghiệp Hà Nội;...
Ngành Năng lượng tái tạo học những gì?
Khi theo học ngành Năng lượng tái tạo, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản về điện và công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực này. Đồng thời, sinh viên còn được học về các kiến thức trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo có nhiều khía cạnh khác nhau. Vì vậy, chương trình đào tại các trường có thể sẽ khác biệt về tên và nội dung chuyên ngành, mặc dù thuộc cùng 1 lĩnh vực, kèm những thế mạnh riêng.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại:
- Các nhà máy điện, các công ty chuyên truyền tải và phân phối điện hoặc những công ty tư vấn, thiết kế và tiến hành lắp đặt hệ thống điện, hệ thống năng lượng tái tạo như Artelia, VNEEC, GreenViet…;
- Các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng năng lượng, các tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển bền vững như GreenID, GIZ, Netherlands, USA…;
- Các trường đại học, các viện và trung tâm nghiên cứu như Trung tâm Tư vấn năng lượng, Viện Khoa học năng lượng, Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa,...
Mức lương ngành Năng lượng tái tạo
Theo khảo sát, mức lương trung bình của các vị trí trong ngành Năng lượng tái tạo có thể dao động như sau:
- Kỹ sư thiết kế điện mặt trời: từ 10-20 triệu đồng/tháng.
- Kỹ sư thiết kế hệ thống điện gió: từ 15-25 triệu đồng/tháng.
- Kỹ sư điện năng lượng mặt trời: từ 8-18 triệu đồng/tháng.
- Kỹ sư hệ thống năng lượng tái tạo: từ 10-25 triệu đồng/tháng.
- Kỹ sư quản lý dự án năng lượng tái tạo: từ 15-30 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức lương tham khảo và có thể thay đổi tùy theo năng lực cá nhân tại từng thời điểm và quy mô công ty.
Tổng hợp