Bên cạnh những ngành học hot, có mức điểm chuẩn năm 2022 cao ngất ngưởng thì có không ít ngành giàu tiềm năng nhưng có điểm chuẩn thấp. Một trong những ngành học tiềm năng là Du lịch địa chất. Năm 2022, trường Đại học Mỏ - Địa chất công bố điểm chuẩn của ngành học này là 16,00 điểm đối với hình thức xét điểm thi tốt nghiệp và 18,00 điểm đối với hình thức xét học bạ.
Có thể thấy, điểm chuẩn ngành Du lịch địa chất khá thấp, mở ra nhiều cơ hội cho các sĩ tử. Tuy nhiên, rất ít bạn không lựa chọn Du lịch địa chất bởi cho rằng ngành này ra trường khó xin việc, thu nhập không cao, kén người học. Thực tế không hẳn vậy. Trong bối cảnh ngành du lịch phát triển như hiện nay thì Du lịch địa chất hoàn toàn có vị thế riêng, trong vài năm tới dự báo sẽ trở thành ngành học thu hút đông đảo các bạn trẻ theo học. Đây được coi là "ngành công nghiệp" không khói, là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Nếu theo học ngành này, bạn sẽ được cung cấp kiến thức du lịch, văn hóa, địa chất để hiểu về giá trị thắng cảnh, di sản thiên nhiên, công viên địa chất và bản sắc văn hóa du lịch.
DU LỊCH ĐỊA CHẤT LÀ NGÀNH GÌ?
Du lịch địa chất trong tiếng Anh gọi là: Geotourism. Du lịch địa chất là một loại hình du lịch cung cấp cho du khách những thông tin, kiến thức về cơ chế hình thành, lịch sử phát triển của các thắng cảnh, cảnh quan kì thú, sản phẩm của tự nhiên được hình thành bởi các quá trình nội sinh và ngoại sinh.
Mục đích của loại hình du lịch này nhằm giúp du khách hứng thú khi tham quan các thắng cảnh. Mặt khác giúp họ thấy được mức độ kì vĩ về quy mô và thời gian mà thiên nhiên đã tạo dựng nên những thắng cảnh đó. Qua đó thôi thúc khách du lịch phải chung sức bảo vệ giữ gìn những danh lam thắng cảnh.
Đối với ngành Du lịch, việc lồng ghép những thông tin, kiến thức địa chất học về những thắng cảnh sẽ có tác dụng kích thích tính hiếu kì của du khách, từ đó tác động đến nhu cầu đi du lịch.
Đối với hướng dẫn viên du lịch, cần được trang bị kiến thức về địa chất du lịch để những bản thuyết minh được chuẩn bị kỹ lưỡng, lồng ghép được những thông tin hướng dẫn du lịch thông thường với nội dung địa chất du lịch, khiến việc thuyết minh không cứng nhắc, nhàm chán mà ngược lại làm tăng sức hấp dẫn đối với du khách.
MỘT SỐ NƠI PHÁT TRIỂN ĐỊA CHẤT DU LỊCH TẠI VIỆT NAM
Du lịch địa chất là loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương có liên quan. Trong đó, công viên địa chất nổi lên như một loại hình mới trong lĩnh vực du lịch địa chất, mở ra một kỷ nguyên mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Ở Việt Nam, công viên địa chất đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã được công nhận là công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam và thứ hai của khu vực Đông Nam Á. Công viên là một mô hình du lịch, lôi kéo sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương (bao gồm 17 nhóm dân tộc thiểu số khác nhau) vào hoạt động du lịch địa chất, phát triển sản phẩm địa phương và cung cấp dịch vụ cho du khách.
Hay tại vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003. Việc phát hiện ra hang động lớn nhất thế giới năm 2009 tiếp tục làm nổi bật các giá trị di sản địa chất của khu vực. Việt Nam còn có khu dự trữ sinh quyển Cát Bà – một quần đảo gồm 366 đảo, khu dự trữ sinh quyển Cà Mau và vịnh Hạ Long là ví dụ điển hình của tạo thành núi đá vôi nổi lên từ biển rất độc đáo.
Từ điểm cực bắc Hà Giang đến mũi nam Cà Mau, Việt Nam tự hào sở hữu phong phú các di sản địa chất trên khắp đất nước. Nhờ sự đa dạng, phong phú ấy đã giúp ngành học Du lịch địa chất phát triển, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người.