Đón đầu xu thế

Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) dự kiến mở và tuyển sinh 5 ngành học mới tại cơ sở chính gồm: Công nghệ tài chính (Fintech); Marketing công nghệ (Martech); Kinh doanh số (Digital business); Robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI); Công nghệ logistics (Logtech); chương trình song bằng mới về kinh tế chính trị - luật và quản trị địa phương. Tại phân hiệu ở Vĩnh Long, UEH mở mới 2 ngành Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Kỹ sư Robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI).

Xu hướng mở ngành nhóm công nghệ, chuyển đổi số thể hiện khá rõ trong đề án tuyển sinh của các trường năm 2023. Trước đó, thống kê của Bộ GD&ĐT năm học 2021 - 2022 cho thấy dẫn đầu quy mô đào tạo đại học là khối ngành Kinh doanh và quản lý, Pháp luật với 545.359 sinh viên. Xếp vị trí số 2 với 543.652 sinh viên là khối ngành Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) dự kiến mở 5 ngành học mới trong năm 2023 gồm: Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử. Trường ĐH Hoa Sen cũng mở một số ngành học mới như Công nghệ tài chính (Fintech), Tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), Phim, Quan hệ công chúng, Kinh tế thể thao…

ĐHQG TPHCM đồng ý chủ trương mở mới nhiều ngành bậc đại học ở các trường thành viên như: Trí tuệ nhân tạo tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin; Công nghệ vật lý điện tử và tin học ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ngoài nhóm ngành đào tạo hướng theo công nghệ, trường thành viên ĐHQG TPHCM như Trường ĐH An Giang mở nhiều ngành “hot” như Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Thú y. Khoa Y triển khai đào tạo ngành Y học cổ truyền và Điều dưỡng.

Các trường phía Bắc cũng mở nhiều ngành học mới trong năm 2023. Điển hình, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở ngành Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học. Trường Đại học Lâm nghiệp mở ngành Logistics, Tài chính - ngân hàng…

Ngành học mới đón đầu kỷ nguyên số - Ảnh 1.

Học sinh phổ thông nghe chuyên viên tuyển sinh Trường ĐH Gia Định tư vấn ngành nghề.

Ngành “lai” ra đời

Bộ GD&ĐT đã ban hành danh mục thống kê ngành thí điểm, lựa chọn chỉ đưa vào những ngành mới tuyển sinh tốt hoặc có dự báo tin cậy về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Song song đó, Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn cơ sở đào tạo rà soát lại các ngành tuyển sinh, loại bỏ ngành đào tạo không còn nhu cầu của xã hội và ngành mới đào tạo thí điểm kém hiệu quả.

Nhìn nhận và đánh giá về xu hướng tuyển sinh, đào tạo và mở nhiều ngành mới theo hướng số hóa và công nghệ, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông HUFI, cho rằng, xu hướng công nghệ đang chiếm ưu thế. Những ngành lai giữa công nghệ và kỹ thuật như quản trị kinh doanh thực phẩm, công nghệ tài chính, khoa học dữ liệu, AI, công nghệ thông tin… đang là xu thế lựa chọn của học sinh.

Những cái mới lạ và công nghệ đang thu hút sự quan tâm của mọi người nên sự lựa chọn ngành nghề cũng bị ảnh hưởng. Từ năm 2020, xu hướng thích lựa chọn ngành công nghệ “lai” kinh tế nhiều hơn trước. Có lẽ do công nghệ phát triển nhanh đã ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong cuộc sống, học sinh cũng “lười” chọn ngành kỹ thuật, công nghệ thuần túy.

Trong quá trình lựa chọn, học sinh thích công nghệ nhưng cũng thích kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu trên, việc các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo mới, ngành mới để phù hợp với nhu cầu là điều dễ hiểu”, ThS Phạm Thái Sơn nói đồng thời nhấn mạnh: Những nhóm ngành kinh tế lai khoa học kỹ thuật giúp thí sinh thấy yên tâm và thoải mái hơn. Đặc biệt, với xu thế chuyển đổi số như hiện nay, ngành học có thế mạnh về công nghệ sẽ gián tiếp mang lại cơ hội việc làm và thu nhập theo đúng nguyện vọng của các em nhiều hơn.

TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Gia Định, cũng nhìn nhận nhiều ngành nghề, công việc bây giờ khác xưa. Ví dụ như quản trị kinh doanh bây giờ yêu cầu cả kiến thức về công nghệ thông tin, xử lý số liệu, thương mại điện tử. Tài chính ngân hàng thì cần kiến thức về công nghệ tài chính, marketing số hóa... Vì thế, các ngành học lai công nghệ xuất hiện nhiều hơn.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT và dự báo xu hướng phát triển kinh tế thị trường trong 3 năm tới với các nhóm ngành Công nghệ thông tin, Big data, Kinh tế kỹ thuật và nhóm ngành Xã hội sẽ tăng cao. Những biến động về kinh tế, xã hội và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ đã góp phần tạo ra nhiều ngành nghề mới, kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực.

“Những công việc “yêu cầu độ chính xác cao”, “thao tác giản đơn, dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn”, “có thể tính toán dựa trên việc hệ thống hóa”... sẽ có nhiều khả năng biến mất. Vì vậy, việc các trường đại học mở thêm ngành học mới, đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động trong bối cảnh tương lai (số hóa mạnh mẽ và thương mại điện tử) là điều không thể khác.

“Vai trò chủ đạo của công nghệ kết nối kỹ thuật số đang gây ra sự thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai đã thay đổi, máy móc trong nhà máy cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Đó là “lao động tri thức”. Có cầu ắt có cung và xu hướng đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong các lĩnh vực công nghệ và số hóa ngày càng cao. Thực tế này buộc các trường đại học phải thay đổi chương trình đào tạo, các chuyên ngành mới được mở để đảm bảo nhu cầu nhân lực cho xã hội”, TS Mai Đức Toàn nói.