Ngành học về game đầu tiên tại Việt Nam
Vào kỳ tuyển sinh tháng 9/2024 sắp tới, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) sẽ mở một mã ngành hoàn toàn mới là chuyên ngành Công nghệ Game (Trò chơi điện tử). Dự kiến đây sẽ là chương trình đào tạo chính quy và chuyên sâu về game đầu tiên tại Việt Nam. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm đầu tiên là 200.
Các sinh viên theo học ngành học này sẽ được đào tạo kiến thức, tư duy sáng tạo nội dung game cũng như sử dụng được các công nghệ, ứng dụng đa phương tiện,... để xây dựng hiệu ứng cho game. Mục tiêu của chuyên ngành là cung cấp nguồn nhân lực thiết kế game, có thể tham gia thị trường công nghệ game của thế giới.
Theo thông tin từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, chương trình đào tạo được thiết kế gắn kết với các doanh nghiệp và các sinh viên được tạo điều kiện đi thực tập ngay từ năm thứ nhất. Học viện cũng sẽ định hướng sinh viên sản xuất ra những game mang thương hiệu Việt Nam với thiên hướng tích cực.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã kết nối với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH FPT, ĐH Bách khoa Hà Nội và nhiều trường đại học có đào tạo ngành công khác để mở bổ sung mã ngành đào tạo chuyên về lĩnh vực này.
Cơ hội thu nhập ngàn đô cho sinh viên mới ra trường
Không chỉ là lĩnh vực hot và có xu hướng phát triển tại Việt Nam, trên thế giới, nhân sự ngành game hiện có mức lương cao so với trung bình. Theo thống kê của Glassdoor, năm 2023, lương trung bình của nghề thiết kế game là 117,000 USD (gần 3 tỷ đồng), gấp đôi so với lương trung bình mọi ngành nghề.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Indeed, mức lương trung bình cho nghề thiết kế game hiện tại là khoảng 18,5 triệu đồng/tháng. Với người có kinh nghiệm và chuyên môn cao, mức lương có thể lên tới 30 - 50 triệu đồng/tháng. Các vị trí khác như phát triển game, tester,... cũng có thu nhập tương tự. Với xu hướng có thể "bùng nổ" trong tương lai, cơ hội việc làm và thu nhập của các bạn trẻ là có thể nhìn thấy được.
Bên cạnh đó, lĩnh vực này còn có thể tạo ra những "triệu phú sau một đêm" như Nguyễn Hà Đông với tựa game nổi tiếng Flappy Bird gây tiếng vang một thời.
Chuyên ngành cần thiết, thị trường tiềm năng nhưng mãi mới xuất hiện
Thị trường game hay thể thao điện tử là một thị trường khổng lồ đầy tiềm năng nhưng từ trước đến nay tại Việt Nam lại chưa xuất hiện ngành học đào tạo nhân sự lĩnh vực này. Hầu hết các nhân lực ngành game đều xuất thân từ các mảng liên quan như IT, thiết kế,... Vậy nên việc xây dựng cơ sở đào tạo chuyên ngành này là cần thiết và bắt kịp xu hướng thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế, tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành game toàn thế giới ước tính đạt 187,7 tỷ USD. Riêng khu vực Đông Nam Á, doanh thu ngành đã tăng từ 2,4 tỷ USD năm 2019 lên hơn 5,3 tỷ USD năm 2023.
Ở Việt Nam, doanh thu ngành game năm 2023 là 600 triệu USD và đặt kế hoạch sau 5 năm sẽ tăng lên 1 tỷ USD. Ước tính trong vài năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành game nói chung và ngành thể thao điện tử nói riêng.
Hãng tin Bloomberg cũng đưa ra đánh giá Việt Nam là một “cường quốc” tiềm năng về sản xuất game. Bloomberg dẫn số liệu cho thấy Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia sản xuất game trên di động (mobile game) hàng đầu thế giới, tính theo lượt tải xuống trong 6 tháng đầu năm 2023. Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động nhanh nhất trên thế giới, với mức 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2025.
Một điểm đáng lưu ý là theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), trong hơn 500 triệu USD doanh thu từ game, game không phép chiếm tới 30%. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý, thúc đẩy để ngành game phát triển lành mạnh.
Tại sự kiện GameVerse 2023, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh, giáo dục là một trong những mục tiêu cốt lõi để phát triển ngành game trong thời gian tới.
Số lượng các công ty và cá nhân Việt Nam tham gia sản xuất và phát hành game hiện tại không hề nhỏ. Tại thời điểm năm 2021, dữ liệu của Google cho biết Việt Nam có khoảng 430.000 nhà phát triển game và 70% nhà phát triển game Việt Nam đều nhắm đến thị trường game di động toàn cầu.
Tổng hợp