Cứ mỗi kỳ tuyển sinh đến, hàng nghìn từ khóa hot về ngành nghề được các học sinh tìm kiếm, chủ yếu về chọn ngành học hợp "mốt" theo xu hướng chung. Và dù có chọn đúng ngành hot nhưng con số cử nhân thất nghiệp luôn ở mức cao, trong khi doanh nghiệp kêu than không tuyển dụng được người lao động.
Chọn nghề theo nhu cầu thị trường là cần thiết, nhưng chưa đủ. Nhiều chuyên gia cho rằng, chọn nghề nên dựa trên 3 yếu tố: Đam mê, sở trường và nhu cầu việc làm trong dài hạn.
Có một số ngành đang thiếu nhân lực trầm trọng nhưng rất ít sinh viên chọn. Ngành Lâm học là một trong số đó. Các thí sinh tỏ ra thờ ơ với các ngành khối nông – lâm - ngư vì cho rằng đây là những ngành không "sang trọng", khó kiếm việc thu nhập cao, công việc vất vả,…
Trên thực tế, ngành học này được đánh giá sẽ có vị thế cao trong tương lai gần, việc áp dụng công nghệ cao cũng khiến công việc của nhân sự trở nên dễ dàng hiệu quả hơn.
Lâm học là gì?
Lâm học (Forestry) hay Lâm nghiệp là ngành học đào tạo những người có chuyên môn về lĩnh vực lâm nghiệp để hoạch định kế hoạch, đề xuất những dự án, giải pháp phát triển, bảo vệ rừng, cảnh báo nguy cơ xâm hại rừng, khai thác nguồn lợi rừng một cách hiệu quả nhất.
Các kỹ sư Lâm nghiệp là những người trực tiếp nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp phát triển lâm nghiệp nước nhà bền vững, tham gia vào quá trình đào tạo, hướng dẫn và truyền thụ những kinh nghiệm làm kinh tế lâm nghiệp cho người dân để mang lại hiệu quả cao và ổn định.
"Đầu vào ế ẩm, đầu ra cháy hàng"
Trong một buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp mới đây, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho biết, Lâm nghiệp là ngành cơ hội việc làm nhiều nhưng sinh viên... không chọn.
"Vì lý do đóng cửa rừng nên nhiều thí sinh cũng như phụ huynh cho rằng học ngành lâm nghiệp sẽ không có việc làm. Đây là suy nghĩ sai lầm. Thực tế ngành lâm nghiệp hiện nay đang thiếu nhân lực trầm trọng. Việc đóng cửa rừng tự nhiên là để bảo vệ rừng nhưng vẫn phải trồng rừng mới. Đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng phát động trồng 1 tỉ cây xanh để bảo vệ môi trường, che phủ khu vực đất trống, đồi trọc...
Theo quy định của các tổ chức môi trường thế giới, người trồng rừng được hỗ trợ phí môi trường. Với những điều trên, nếu chọn học ngành lâm nghiệp sẽ có cơ hội việc làm rất lớn. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM dành khá nhiều chỉ tiêu tuyển sinh các ngành lâm nghiệp như ngành lâm sinh, quản lý tài nguyên rừng, chế biến lâm sản... Riêng ngành lâm sinh hằng năm nhà trường tuyển sinh không đạt chỉ tiêu vì thí sinh không chọn, trong khi đây là ngành có cơ hội việc làm rất lớn".
Sinh viên ra trường "khó" thất nghiệp, thu nhập khả quan
Theo con số thống kê từ các đợt khảo sát và đặc biệt Kết quả của Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài: 88% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay trong năm đầu tiên, trong đó 68% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành (32% có việc làm trái ngành). Kết quả khảo sát nhiều năm cũng cho thấy rằng có 95% sinh viên có việc làm trong 3 đến 5 năm đầu.
Rất nhiều ngành như: Khoa học môi trường, Quản lý tài nguyên rừng, Kiến trúc cảnh quan, Công nghệ chế biến lâm sản số sinh viên tốt nghiệp ra trường 100% có việc làm và thu nhập cao từ 10 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra thị trường nước ngoài cũng có nhu cầu lớn về kỹ sư nông lâm nghiệp có chuyên môn cao và sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt Nam với mức lương từ 40-50 triệu đồng/tháng. Các chương trình thực tập sinh, thực tập nghề nông nghiệp được hưởng lương và việc làm quốc tế có thu nhập cao tại Israel, Nhật Bản, Mỹ, Australia…
Học Lâm nghiệp đi làm có vất vả không?
Nhiều bậc phụ huynh và học sinh đều có tâm lý cho rằng học Nông – Lâm ra trường sẽ xuống ruộng, lội bùn, làm các công việc chân lấm tay bùn hoặc chỉ giữ rừng.
Thực tế cho thấy sinh viên ngành này tốt nghiệp ra trường rất năng động trong công việc, từ làm nghiên cứu, chế tạo ở các cơ quan nhà nước cho đến các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế... như GIZ, WWF, RECOFTC, các tổ chức về bảo tồn,... Nhiều em đủ điều kiện tiếng Anh đã đi du học.
Vị trí việc làm của sinh viên ngành Lâm học (Lâm nghiệp) sau khi tốt nghiệp:
Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (từ Trung ương đến địa phương): Tổng cục Lâm nghiệp, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp, Phòng Tài nguyên và Môi trường...
Các cơ quan sản xuất/quản lý lâm nghiệp: Công ty Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng (Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên) và Công ty sản xuất giống cây lâm nghiệp…
Các cơ quan tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật: Trung tâm Điều tra, quy hoạch, thiết kế nông lâm nghiệp cấp tỉnh; Trung tâm khuyến nông quốc gia; Trung tâm khuyến nông tỉnh; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp; Viện/Phân Viện điều tra quy hoạch rừng…
Các cơ quan đào tạo và nghiên cứu: Các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Viện Khoa học Lâm nghiệp/Nông nghiệp; Viện Điều tra quy hoạch rừng; Viện tài nguyên sinh vật…
Công chức phường xã: Cán bộ lãnh đạo đơn vị, cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã/phường.
Các Chương trình, Dự án trong nước và quốc tế: Các dự án trồng phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế và phát triển nông thôn.
Các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam và Quốc tế: Trồng phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế và phát triển nông thôn. Các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam và Quốc tế (LNGOs và INGOs).
Ngành Nông – Lâm – Ngư sẽ ngày càng đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao và đương nhiên vị thế trong xã hội sẽ cao, thu nhập theo đó sẽ cao hơn. Khi đó, chắc chắn rằng lớp trẻ có tri thức, có hoài bão sẽ chọn vào đầu quân đông hơn.
Các trường đại học, cơ sở đào tạo ngành Lâm học
Đại học Lâm nghiệp (Điểm chuẩn năm học 2020 là 18 điểm)
Đại học Hồng Đức (Điểm chuẩn năm học 2020 là 15 điểm)
Đại học Kinh tế Nghệ An (Điểm chuẩn năm học 2020 là 14 điểm)
Đại học Nông lâm – Đại học Huế (Điểm chuẩn năm học 2020 là 15 điểm)
Đại Học Nông lâm – Đại Học Thái Nguyên (Điểm chuẩn năm học 2020 là 15 điểm)
Phân hiệu Đại học Nông lâm TP. HCM tại Gia Lai (Điểm chuẩn năm học 2020 là 15 điểm)
Đại học Quảng Bình (Điểm chuẩn năm học 2020 là 15 điểm)
Đại học Nông Lâm TP.HCM (Điểm chuẩn năm học 2020 là 16 điểm)