Không ít người có sở thích nghiên cứu thiên văn học như các vì sao, thiên thạch, dải vệ tinh,… Họ có thể dành ra hàng giờ để ngồi nghiên cứu, tìm tòi, khám phá. Vì tính chất công việc đặc thù nên nhiều bạn khó tìm được vị trí công việc phù hợp. Nếu bạn đang băn khoăn, lo lắng thì có thể tham khảo việc trở thành kỹ sư hàng không vũ trụ.
KỸ SƯ HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ LÀ GÌ?
Kỹ sư hàng không vũ trụ có thể hiểu là một kỹ sư đa lĩnh vực như: Kỹ sư máy bay, kỹ sư tên lửa hay kỹ sư nghiên cứu về các thiết bị vũ trụ (vệ tinh, tàu vũ trụ). Họ có thể chuyên về một lĩnh vực cụ thể như động cơ đẩy, hệ thống điện tử, khí động học, vật liệu và cấu trúc,…
Kỹ sư hàng không vũ trụ là người đóng vai trò nâng cao sự an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, tốc độ, trọng lượng và quản lý chi phí bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Vai trò của họ cũng bao gồm việc giải quyết các tác động đối với môi trường của ngành hàng không.
Ngành nghề kỹ sư hàng không vũ trụ rất quan trọng, cần thiết trong cuộc sống. Nó giúp con người có thể dễ dàng di chuyển bằng máy bay, giúp cuộc sống loài người phong phú hơn nhờ sản xuất… vệ tinh, giúp loài người chinh phục vũ trụ.
CÔNG VIỆC CỦA KỸ SƯ HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ VÀ NHỮNG TỐ CHẤT CẦN CÓ
Là một kỹ sư hàng không vũ trụ, bạn phải nghiên cứu, thiết kế, phát triển, chế tạo, thử nghiệm và điều chỉnh, bảo dưỡng các loại máy bay, tàu vũ trụ, các bộ phận, hệ thống liên quan. Công việc cụ thể gồm:
- Đánh giá và phát triển các yêu cầu thiết kế, nghiên cứu và tiến hành kiểm tra.
- Tiến hành các nghiên cứu lý thuyết và thực tế.
- Đo lường, cải thiện hiệu suất hoạt động của máy bay, các bộ phận hợp thành và hệ thống.
- Tham gia vào các chuyến bay thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá, sửa đổi các sản phẩm thử nghiệm khi có vấn đề phát sinh.
- Viết báo cáo và tài liệu hướng dẫn.
- Tư vấn kỹ thuật, pháp lý cho khách hàng, nhà cung cấp hay các chuyên gia khác.
- Phân tích các dữ liệu, áp dụng các quy tắc khoa học và công nghệ để chế tạo máy bay, các bộ phận hợp thành, trang thiết bị hỗ trợ. Giám sát việc lắp ráp, lắp đặt.
- Quản lý dự án, phân chia nguồn lực, lập kế hoạch và quản lý chi phí.
Để thành công trong ngành kỹ thuật hàng không, đòi hỏi kỹ sư hàng không vũ trụ cần có những tố chất và kỹ năng sau:
- Kỹ năng áp dụng các kiến thức Toán học, Khoa học và Kỹ thuật vào thực tiễn.
- Có khả năng giao tiếp tốt, kỹ năng làm việc nhóm.
- Có khả năng Ngoại ngữ, Tin học.
- Chăm chỉ, kiên trì và nhẫn nại.
- Có tinh thần trách nhiệm, chịu được áp lực công việc cao.
- Cẩn thận, tỉ mỉ và sáng tạo.
KỸ SƯ HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ LÀM VIỆC Ở ĐÂU? MỨC LƯƠNG THẾ NÀO?
Kỹ sư hàng không vũ trụ làm việc trong các ngành công nghiệp cần tới người thiết kế hoặc chế tạo máy bay, tên lửa hay hệ thống phòng thủ quốc gia. Vì vậy, việc ứng tuyển vào các trung tâm nghiên cứu vũ trụ, các tập đoàn lớn trực thuộc hay ảnh hưởng bộ máy chính quyền nhà nước rất khó. Do đó, sinh viên theo học ngành này có thể tham khảo một số vị trí khác như:
- Nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy tại các trường Đại học các bộ môn có liên quan.
- Làm kỹ sư bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành tại các sân bay quốc tế.
Các kỹ sư hàng không vũ trụ dành hầu hết thời gian làm việc trong môi trường văn phòng. Ngoài ra, họ còn tham dự các hội thảo có liên quan tới ngành hoặc tại phòng thí nghiệm hàng không. Họ cũng có thể tham dự các hội thảo, cuộc họp tại địa phương hoặc quốc tế.
Mức lương ngành kỹ thuật hàng không tương đối cao so với mặt bằng chung. Thu nhập trung bình của một kỹ sư hàng không vũ trụ từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng. Nếu ở cấp quản lý, mức lương sẽ dao động từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn nữa.
Nước ta có một số cơ sở chính về việc nghiên cứu và đào tạo kỹ thuật hàng không vũ trụ như: Viện Công nghệ Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội nghị Hàng không vũ trụ Việt Nam,…
Tại Việt Nam, các bạn có thể theo học ngành Kỹ thuật hàng không tại các trường có đào tạo ngành này như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Phòng không - Không quân, Trường Sĩ quan Không quân, Đại học Bách khoa - ĐHQG TPHCM.