Tiền không phải là lý do duy nhất để lựa chọn sự nghiệp, nhưng một khoản tiền lương lớn có thể khiến một công việc dù vất vả nhưng vẫn đáng giá, đặc biệt nếu nó giúp bạn trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Để xác định những ngành nào tạo ra nhiều tỷ phú nhất, Forbes đã có một cuộc khảo sát những người giàu nhất.
Các tỷ phú trên khắp thế giới làm giàu trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, khi nhìn vào danh sách Forbes 400 những người giàu nhất ở Mỹ, rất dễ thấy các tỷ phú tập trung ở một số ngành nhất định.
Trên thực tế, gần một nửa trong số họ làm việc trong 2 ngành: tài chính và đầu tư hoặc công nghệ. Hai lĩnh vực này tiếp tục "thống trị" danh sách năm 2022.
Ngành tài chính đầu tư
Kiếm tiền cho người khác là cách tốt nhất để kiếm tiền cho chính mình. Các ông trùm trong lĩnh vực tài chính và đầu tư chiếm 108 tỷ phú trong bảng xếp hạng năm 2022. Số lượng tỷ phú trong ngành này ghi nhận sự tăng lên so với năm 2021.
Những cái tên tiêu biểu có thể kể đến ở đây là Charles Schwab, người thành lập công ty môi giới mang tên ông vào năm 1971, và Carl Icahn. Warren Buffett cũng là một trong những nhân vật không thể bỏ qua trong ngành này.
Khi 11 tuổi, Buffett đã bắt đầu cuộc đời đầu tư bằng cách mua cổ phiếu đầu tiên. Ông đã mua 3 cổ phiếu của công ty dầu khí Cities Service với giá khoảng 38 USD/cổ phiếu. Buffett cuối cùng đã bán với giá 40 USD, thu lợi nhuận 2 USD/cổ phiếu. Song ông đã rút ra bài học quan trọng về sự kiên nhẫn khi giá sau đó tăng vọt lên 200 USD/cổ phiếu.
Sau khi làm việc cho công ty đầu tư của người thầy - nhà kinh tế học Benjamin Graham, Buffett thành lập công ty đầu tư chuyên nghiệp đầu tiên là Buffett Partnership, Ltd vào năm 1956. Lúc này, Buffett mới 26 tuổi. Ông thành lập công ty với 100 USD tiền riêng và khoảng 105.000 USD tổng cộng từ 7 đối tác đầu tư, bao gồm chị gái Doris và dì Alice, cũng như bố vợ của ông.
Năm 1986, khi Warren Buffett 56 tuổi, ông trở thành tỷ phú nhờ giá trị cổ phiếu Berkshire-Hathaway. Bởi mức lương của ông với công ty khi làm chủ tịch chỉ là 50.000 USD vào thời điểm đó.
Câu chuyện của "nhà tiên tri xứ Omaha" chỉ là một trong rất nhiều trải nghiệm làm giàu trong ngành tài chính đầu tư.
Nhìn chung, nhu cầu về đầu tư đang ngày càng tăng. Nhiều người muốn đầu tư tài chính để quản lý tài sản hiệu quả, tăng lợi nhuận, nâng cao chất lượng sống… Bên cạnh đó, các công ty muốn tham gia đầu tư tài chính cũng phải có được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, am hiểu thị trường.
Ngành công nghệ
Ngành phổ biến thứ hai trong số 400 thành viên của Forbes là công nghệ, với 65 tỷ phú. Những cái tên nổi bật nhất trong ngành này có thể kể đến Jeff Bezos, Bill Gates, Oracle Larry Ellison, Larry Page và Sergey Brin... Các tỷ phú công nghệ đáng chú ý khác bao gồm Melinda French Gates, vợ cũ của Bill Gates và MacKenzie Scott, vợ cũ của Jeff Bezos.
Nhiều người giàu nhất thế giới kiếm được hàng tỷ USD nhờ lĩnh vực công nghệ và công nghệ cũng là ngành có nhiều tỷ phú trẻ nhất.
Jeff Bezos là cựu sinh viên của trường Princeton, ông học ngành khoa học máy tính. Vào năm 1994 nhận thấy sự phát triển của internet, Jeff Bezos đã nghỉ việc ở D.E. Shaw để khởi nghiệp. Ông bắt đầu bằng cách lập ra những mặt hàng dễ bán qua mạng. Mặc hàng đầu tiên ông nhắm đến là sách báo. Đó là những ngày đầu tiên Amazon ra đời.
Theo Bloomberg Billionaires Index, Jeff Bezos – nhà sáng lập Amazon hiện là tỷ phú giàu thứ hai thế giới với khối tài trị giá 138 tỷ USD – nhiều hơn 3 tỷ USD so với doanh nhân Ấn Độ Gautam Adani.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/9, ông chủ Adani Group lần đầu tiên vượt qua Jeff Bezos để đứng thứ hai trong bảng xếp hạng của Bloomberg với khối tài sản gần 147 tỷ USD. Đây cũng là thành tích ấn tượng nhất mà một tỷ phú châu Á đạt được.
Công nghệ thông tin được mệnh danh "vua của các ngành". Trước đà phục hồi và tăng tốc trở lại của nền kinh tế nhờ chuyển đổi số và đổi mới sản phẩm, các tài năng công nghệ có tay nghề cao sẽ dẫn đến cuộc chiến cạnh tranh nhân lực gay cấn nhất dành cho các công ty công nghệ.
Theo thống kê, có tới 89% nhân sự công nghệ thông tin nhảy việc vì "lương cao hơn", trở thành nguyên nhân các doanh nghiệp liên tục đưa ra chế độ đãi ngộ, phúc lợi hậu hĩnh nhằm mời gọi và "giữ chân" người tài...
Gần như tất cả 10 ngành phổ biến nhất trong danh sách Forbes 400 2022 đều nằm trong Top 10 năm ngoái. Duy nhất có một ngoại lệ là ngành dịch vụ. Lĩnh vực dịch vụ đã thay thế chăm sóc sức khỏe để góp tên trong danh sách năm nay.
Tổng hợp