Nếu bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Bắc, thì mâm cơm Tết của người miền Trung, miền Nam sẽ không thể trọn vẹn nếu đòn bánh Tét. Bánh chưng, bánh tét, mỗi vuông, một tròn dài, cách làm, nguyên liệu mỗi loại đều khác nhau, nhưng tựu chung đều là những món bánh tinh hoa mang đặc trưng của Tết.
Nói về chiếc bánh chứa đựng hương vị Tết của miền Nam, nhiều người bảo rằng, bánh tét vốn là biến tấu của bánh chưng, do miền Trung, miền Nam khí hậu nắng nóng, làm bánh chưng dễ bị mốc bốn góc, không bảo quản được lâu nên được chuyển thành dạng tròn, dài, đòn bánh cũng nhỏ hơn nhiều so với bánh chưng. Cũng bởi thế, dù thời tiết nóng bức, bánh tét vẫn có thể để được khoảng 7 ngày khi để ở nơi râm mát.
Cũng vẫn từ những nguyên liệu cơ bản như nếp, đậu, thịt, nhưng so về nguyên liệu và cách làm, bánh tét có phần giản tiện và cũng ngẫu hứng hơn bánh chưng. Chẳng hạn nhiều vùng miền Trung gói bánh tét chỉ bằng 2 nguyên liệu cơ bản là nếp và đậu xanh bởi sợ cho thịt vào bánh nhanh hỏng, khó bảo quản trong điều kiện nóng bức.
Nhưng cũng là bánh Tét, nhiều tỉnh vẫn cho thịt bình thường, thậm chí còn có hàng loạt đổi mới như gạo ngâm lá cẩm, lá dứa cho bánh có màu xanh, màu tím đẹp mắt. Nhân không chỉ là thịt mà còn có trứng muối, tôm khô, hạt điều...
Cũng giống như bánh chưng, dù nguyên liệu cơ bản giống nhau nhưng để gói bánh tét ngon, đẹp thì lại tuỳ thuộc vào tay nghề của từng người. Để bánh đẹp, từ công đoạn chọn, rửa lá đã phải thật cẩn thận sao cho khổ lá vừa đủ gói bánh, lá nên phơi héo mới dễ gói và phải rửa sạch, khi ra thành phẩm mới bảo quản được lâu.
Cái khéo của gói bánh tét còn nằm ở chỗ ướp nhân, dàn gạo, nhân sao cho đều xuyên suốt đòn bánh. Khi gói phải cuốn sao cho bánh có trụ tròn đều, không bị chỗ lớn, chỗ nhỏ, đồng thời bánh phải chặt tay, có như vậy khi cắt bánh mới đều đẹp.
Nếu có khác biệt khi gói bánh tét, có chăng điều ấy nằm ở phần gạo. Nếu ngày xưa, bánh tét được nấu từ nếp tươi thì ngay này để tiết kiệm thời gian, một số người đã học kĩ thuật xào nếp, nhờ cách này, bánh tét chỉ nấu khoảng hơn 2 tiếng thay vì khoảng 8 tiếng như trước kia.
Sau khi dùng lá chuối gói bánh kỹ, người gói bánh lấy dây lát (loại dây dùng để dệt chiếu) để buộc. Công đoạn tưởng chừng đơn giản ấy cũng phải có kĩ năng mới cố định được bánh, khi luộc không bị bung mà vớt bánh ra vẫn giữ được thẩm mỹ.
Ngay cả việc nấu bánh tét cũng có nhiều thú vị, nếu ở miền Bắc, bánh chưng thường được luộc sớm từ chiều 27, 28 Tết, có nhà còn sớm hơn thì bánh tét được nấu muộn hơn. Thường tới tối 29 Tết nhiều nhà mới luộc bánh để tránh trường hợp luộc sớm hư bánh do nắng nóng.
Trên mâm cơm miền Trung, miền Nam, dù giàu hay nghèo, nhà ai cũng có đòn bánh tét. Những khoanh bánh tét tròn dù là nhân đỗ xanh hay đỗ xanh - trứng muối, thịt nhỏ xinh khi ăn cắt miếng nhỏ hình tròn cũng điều trở thành tiêu điểm, tượng trưng cho sự viên mãn, tròn đầy, giúp mâm cơm đoàn viên ngày đầu năm thêm vẹn tròn, ý nghĩa.