Mọi lập luận đều vô nghĩa khi sai chính tả, thế nhưng giữa hằng hà sa số từ vựng, không tránh khỏi những nhầm lẫn. Có nhiều từ ngữ dùng thường xuyên đến nỗi mình không nghĩ nó sai, cho đến khi có người nhắc nhở.
Loạt hình ảnh chỉ ra những trường hợp dễ sai chính tả sau đây sẽ khiến dân tình "ngơ ngác bật ngửa" vì mấy mươi mùa bánh chưng mới nhận ra mình... viết chưa đúng. Quả thật, dù là tiếng mẹ đẻ đi nữa thì tiếng Việt với mỗi chúng ta chưa bao giờ là ngôn ngữ "dễ xơi" cả.
Cùng xem thử bạn chọn đúng bao nhiêu từ trong số những trường hợp sau đây. Suy nghĩ kỹ coi chừng "bé cái nhầm" nhé!
1. XÁN LẠN hay SÁNG LẠNG?
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng viết: "Sáng đẹp rực rỡ. Ta thường nói Sáng lạng là lầm". "Sáng lạn" lại là từ không có nghĩa, thế nhưng do cách phát âm vậy nên nhiều người vẫn gặp những lỗi sai căn bản.
2. XE DUYÊN hay SE DUYÊN?
"Xe" theo Từ điển Hoàng Phê là (1) làm cho các sợi nhỏ xoắn chặt với nhau thành sợi lớn và (2) làm cho kết đôi với nhau thành vợ chồng. Còn "se" là (1) hơi khô đi, không còn thấm nhiều nước, (2) khí trời khô và lạnh, (3) cảm thấy đau xót, xúc động (lòng se lại). Vậy nên XE DUYÊN mới đúng nhé!
3. TA THÁN hay CA THÁN?
"Ca thán" để chỉ việc “than thở và oán trách”, nhiều người dùng từ ca thán. Đây là cách dùng sai do thói quen nhưng lại rất phổ biến trong lời nói hằng ngày, thậm chí cả trên báo chí. Ca trong tiếng Hán có nhiều nghĩa nhưng không có nghĩa nào liên quan đến việc than thở, oán trách. Ca thán không có trong tiếng Việt. Từ đúng phải là "ta thán". Đây là một từ ghép đẳng lập. Trong đó, ta 嗟 có nghĩa “than thở”; thán 嘆 có nghĩa “than, thở dài”.
4. PHÔI PHA hay PHÔI PHAI?
Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giảng "phôi pha" là phai nhạt, mất dần vẻ tươi tắn. "Phôi pha" chứ không có "phôi phai".
5. DÀY VÒ hay GIÀY VÒ?
"Giày" ở đây là "giày" trong "giày xéo". Nhiều người rất hay nhầm "dày vò".
6. TỰU TRUNG hay TỰU CHUNG
"Tựu trung" là "từ biểu thị cho cái sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến". Tương tự, "vô hình trung" chứ không phải "vô hình chung" nha.
7. XOAY SỞ hay XOAY XỞ?
Các từ điển cũng chỉ ghi nhận "xoay xở" với nghĩa chung là làm hết cách này đến cách khác giải quyết cho được khó khăn, hoặc để có cho được cái cần có. "Xở" là gỡ rối, gỡ bớt, gỡ lần lần một mối rối nào đó thì gọi là "xở".
8. TIÊU XÀI hay TIÊU SÀI?
Theo từ điển tiếng Việt, xài có nghĩa là sử dụng một vật, một điều gì đó. Từ này thường được dùng ở miền Nam hơn là miền Bắc.
9. TRĂN TRỐI hay TRĂNG TRỐI?
Theo từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, xuất bản năm 2003 do Hoàng Phê chủ biên: Trăn trối: Không có. Trăng trối: như Trối trăng, Lời trăng trối.
10. NƯỚC SỐT hay NƯỚC XỐT?
Về nguyên tắc, những từ mượn của tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thì:
- Từ gốc: ch/sh ⇒ Phiên âm tiếng Việt: s (choufleur ⇒ súp lơ)
- Từ gốc: s/c ⇒ Phiên âm tiếng Việt: x (soupe ⇒ xúp, ciment ⇒ xi măng. sauce ⇒ xốt).
11. CỔ XÚY hay CỔ SÚY?
Theo từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì từ đúng phải là “cổ xúy”. Còn “Cổ súy” chỉ là cách nói biến tấu đi do sự nhầm lẫn s/x mà ra.
12. SE SUA hay XE XUA?
"Se sua" là phương ngữ Nam Bộ, nghĩa là làm đỏm, đua đòi chưng diện, có khi dùng với nghĩa khoe khoang, phô trương. "Xe xua" là cách viết sai do ảnh hưởng của việc phát âm.
13. Ở GIÁ hay Ở VÁ?
"Vá" (chữ Nôm viết là 播) theo Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của có nghĩa là lẻ loi một mình. "Ở vá" là ở một mình, thường dùng để chỉ người không có vợ hoặc chồng, kiểu "đàn bà vá", "anh vá vợ". Về sau, người ta chỉ dùng "ở vá" để chỉ những người thường là lớn tuổi mà còn chưa kết hôn.
Còn chữ "giá" mà nhiều người nhầm tưởng là "ở giá" do bị ảnh hưởng của "xuất giá" hay "tái giá”, thì "giá" là từ gốc Hán, viết vầy 嫁, nghĩa là "lấy chồng, con gái về nhà chồng". Chữ "giá" này và chữ "vá" là hai chữ hoàn toàn khác nhau. Cũng do phát âm vá - giá như nhau nên sinh lẫn lộn.
14. NHẬM CHỨC hay NHẬN CHỨC?
Theo nghĩa của từ Hán Việt thì "nhậm" trong từ "nhậm chức" là một người sẽ gánh vác công việc, nhiệm vụ để quản lý nhân viên; trong khi đó "chức" có nghĩa là chức trách, bổn phận, nhiệm vụ. "Nhậm chức" chúng ta có thể hiểu nôm na đó là người sẽ gánh vác, đảm đương chức vụ do những cấp trên bàn giao, bổ nhiệm cho họ.
Trong khi đó, từ "nhận chức" trong nghĩa Hán Nôm thì "nhận" là tiếp đón, chịu lấy, lĩnh lấy; nên "nhận chức" là nhận chức vụ, nhưng không diễn tả được trách nhiệm với chức vụ đó. Theo nghĩa Hán, "nhận" là nhìn, biết, chịu, bằng lòng nên "nhận chức" không có nghĩa.
Do đó, dù chúng ta hiểu theo nghĩa của Hán Nôm, hay Hán Việt thì từ "nhận chức" đều không có nghĩa diễn tả được trách nhiệm đối với chức vụ. Do đó, từ đúng phải là "nhậm chức".
15. CỌ XÁT hay CỌ SÁT?
"Cọ xát" đây là một động từ nhằm biểu đạt hành động cọ đi cọ lại, xát vào nhau; tiếp xúc, thử thách trong những hoàn cảnh khác nhau, môi trường khó khăn và đa dạng. Từ cọ sát không hề có nghĩa. Chính vì thế đây là từ sai.
Học tiếng Việt đến người Việt còn mắc rất nhiều lỗi chưa nói đến người nước ngoài. Các lỗi chính tả, dấu thanh của các từ đủ phong phú để khiến người ta có cảm giác phức tạp. Vậy nên để giỏi tiếng Việt, không có cách nào hơn là phải học nhiều, đọc nhiều và rút kinh nghiệm thật nhiều các bạn nhé.