Cuộc sống hiện đại có rất nhiều vấn đề khiến chúng ta phải bận tâm, lo toan trong vòng quay mỗi ngày như chong chóng. Nhất là đối với người phụ nữ. 

t1

Rồi cũng có những chị em muốn sống độc thân, quẳng gánh lo chồng con chỉ vùi đầu cho công việc cũng chẳng khi nào thấy được yên thân… Điều này khiến không ít chị em rơi vào trạng thái stress, trầm cảm kéo dài đến nỗi muốn tìm đến cái chết để cuộc sống đỡ nặng nề hơn.

Nhiều phụ nữ hiện đại muốn tìm đến cái chết vì những áp lực vụn vặt chất đầy trong cuộc sống mỗi ngày

Trà My (29 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) là một cô gái trẻ cá tính, không thích cuộc sống ràng buộc lấy chồng sinh con. Bản thân My thấy mình còn quá trẻ và cuộc sống gia đình chăm lo cho chồng con thực sự không phù hợp với tính cách của mình. Đó là lý do cô lựa chọn cuộc sống độc thân kéo dài, chuyện hẹn hò với chàng trai nào cũng đi đến hồi kết vì "yêu chỉ là yêu thôi, không muốn cưới".

Mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn lắm nhưng My lại sinh ra trong một gia đình truyền thống, một gia đình ở quê "đã là con gái thì phải lấy chồng". Trong khi bạn bè trang lứa một nách 2 con thì My vẫn chưa chồng, vẫn tụ bạ bạn bè mỗi cuối tuần và hàng ngày chỉ biết đâm đầu vào công việc. 

Bố mẹ My sốt ruột, thêm động lực từ những người hàng xóm nhiều lời thích buôn chuyện, cứ hay nhắc đến My là buông lời không hay. Điều này khiến bố mẹ My áp lực, ngày ngày gọi điện lại xoay quanh chuyện "bao giờ con mới chịu lấy chồng", "phải nhanh lên không là không đẻ được vì tuổi cao"…

tu-tu-1

"Đó là lý do mình rất sợ những dịp nghỉ lễ về quê với gia đình, dù nhớ bố mẹ, muốn ở nhà vài hôm thư giãn cũng không yên thân vì họ hàng, làng xóm lại săm soi, chính bản thân bố mẹ dù thương con nhưng bị kích động nhiều từ những người xung quanh nên cũng cuống quýt cả lên. Đỉnh điểm là đợt 2/9 vừa rồi mình về tuyên bố thẳng không có ý định lấy chồng, bố mẹ mình như ngã ngửa, không khí gia đình chìm hẳn xuống, rồi bị kêu là con gái hư… Ngay lập tức, mình rời khỏi nhà vừa đau khổ vừa buồn chán, chưa bao giờ muốn chết đến vậy", Trà My tâm sự.

Đối với nhiều chị em đã có gia đình, áp lực cuộc sống nhiều khi dồn dập đến nỗi muốn chết đi dường như chưa bao giờ ngừng nghỉ. Chị Hồng Hạnh (32 tuổi, Hà Nội) cho biết, ngày mới lấy chồng cứ tưởng lấy chồng xong là sẽ đỡ áp lực. Ai ngờ lấy xong rồi thì xung quanh cứ tíu tít hỏi han sao mãi chưa có bầu làm 2 vợ chồng cứ lo lắng, sợ hỏng này hỏng kia, rồi lục đục đi khám, đi tẩm bổ vì lo tuổi cao khó có thai…

"Đến khi có bầu rồi thì người ta săm soi con gái hay con trai, phải là con trai đấy vì là con trưởng của cả họ. Đến khi đẻ được con trai ra rồi thì bị kêu là sao nó trông gầy bé quá, mẹ thì cứ béo lên, thật là không biết chăm con. Ngồi ở nhà chăm con mà mở mồm kêu mệt cũng bị kêu có mỗi việc chăm con ở nhà có gì mà mệt? Rồi thì chỉ biết đẻ thôi à, nhiều người người ta đẻ vẫn làm việc online kiếm tiền mỗi tháng, không phải phụ thuộc vào chồng…", chị Hồng Hạnh chia sẻ.

tu-tu-2

Chuỗi ngày như vậy cứ kéo dài ngày qua ngày, chị Hạnh cảm thấy mỗi ngày phải đối diện với những con người với vô vàn câu hỏi ấy mà cảm thấy thật khó sống. Đặc biệt là chồng chị không thông cảm cho vợ, hay cáu bẳn càng khiến chị rơi vào ngõ cụt. Nhiều lúc chị chỉ muốn đứng từ trên tầng thượng cao mà nhảy xuống kết liễu đời mình cho xong mà con còn nhỏ, nhìn lại không nỡ.

Đây chỉ là vài câu chuyện trong chuỗi những chuyện muốn chết ở chị em phụ nữ, nhất là những phụ nữ trẻ. Áp lực trong cuộc sống hiện đại yêu cầu một người phụ nữ không chỉ giỏi việc nước, đảm việc nhà, lại có gia đình hạnh phúc, là nơi chồng muốn về nhà mỗi tối với những bữa cơm ngon ấm cúng, là nơi con lớn khôn, ngoan ngoãn, khỏe mạnh mà không bị đau ốm…

Điều này khiến nhiều chị em cảm thấy quá nặng nề, chỉ muốn bỏ trốn thật xa, thậm chí không thiếu những người muốn chết quách đi cho xong. Đó là lý do mà thời gian qua không thiếu những vụ mẹ nhảy lầu tự tử bỏ lại con thơ bé bỏng, thai phụ nhảy cầu tự tử sau khi cãi nhau với bạn trai, nữ sinh nhảy cầu tự tử, nhất là vụ tự tử tập thể của 5 nữ sinh ở Hải Dương… được truyền thông lên tiếng mạnh mẽ.

tu-tu-3

Nhiều phụ nữ muốn chết giữa cuộc sống hiện đại, làm sao để ngăn chặn?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trên thế giới hiện nay có khoảng 300 triệu người mắc trầm cảm. Tại Việt Nam, WHO ước tính có khoảng 3,6 triệu người mắc bệnh trầm cảm, chiếm 4% dân số (số liệu 2015). Trong đó có khoảng 5.000 người chết vì tự tử do người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác.

Theo PGS.TS Nguyễn Doãn Phương (Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), trầm cảm là một rối loạn phổ biến có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, điều này phổ biến hơn ở phụ nữ. Căn bệnh rất nguy hiểm cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời, nếu không sẽ nhanh chóng chuyển sang ý định tự tử và tự tử.

Để phòng tránh tình trạng trầm cảm, muốn tự tử ngày càng nhiều ở chị em phụ nữ, chị em cần thay đổi lối sống như giảm muối, cà phê, bỏ rượu và thuốc lá. Khi có ý định tự tử hay cố gắng bày tỏ ý định với người khác. Chị em cần chú ý xây dựng mối quan hệ vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp… trên tinh thần cởi mở, giao tiếp tốt…

Đặc biệt, người thân và dư luận xã hội không nên tạo áp lực không đáng có với người phụ nữ, đôi khi đơn giản chỉ là những lời hỏi thăm xã giao nhưng vô tình lại gây stress, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người phụ nữ, dẫn đến những hành vi đáng tiếc, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng.