Trò chuyện với chúng tôi, trụ trì chùa Kim Sơn – Lạc Hồng (Kỳ Sơn – Hòa Bình) thầy Thích Trí Thịnh đã cùng hướng đến những nét văn hóa cổ truyền cũng như tục lệ của người dân, phật tử dịp Tết đến, xuân về…
Thầy Thích Đức Thịnh chúc Tết bạn đọc aFamily.vn ngày đầu năm mới.
Lên chùa đầu năm mới cầu gì
Là 1 trụ trì nhiều năm và xuất gia từ năm 11 tuổi, thầy Thích Đức Thịnh khá am hiểu về những lễ nghi nhà chùa cũng như đời sống tâm linh, nét văn hóa của người dân nước ta.
Trong văn hóa người Việt thì thời khắc giao thừa và ngày đầu năm mới là thời gian rất đặc biệt và thiêng liêng đánh dấu 1 sự khởi đầu cho năm mới. Khoảnh khắc này, người dân rất hay đến chùa cầu phước với mục đích xin “năm mới bình an”.
Điều quan trọng nhất là một khi đã tới chùa rồi, cái tâm thanh tịnh sẽ được khởi lên. Có nhiều người trong cuộc sống làm nhiều ngành, nhiều nghề thậm chí có người thiện, có người chưa thiện...
“Việc đi lễ chùa còn cầu mọi sự tốt lành cho gia đình, cho bản thân, cho người thân của mình trong ngày đầu năm mới mong muốn tất cả đều bình an, sức khỏe, may mắn. Theo tôi người dân trong ngày đầu năm mới nên cầu cho sức khỏe tốt và may mắn”, thầy Thịnh cho biết.
Trong năm mới ai cũng có mong ước, mong muốn riêng cho bản thân, gia đình nhưng những câu chúc trong ngày đầu năm mới người ta thường chúc nhau sức khỏe, thành đạt, giàu sang, phú quý…, nhưng với tất cả mọi người, cái quan trọng nhất, điều mong ước nhất vẫn là sức khỏe.
Ngày đầu lên chùa xin lộc như thế nào
Quan niệm đi xin lộc đầu năm ngày xưa so với bây giờ cũng đã khác. Nếu như ngày xưa nếu đi lễ ở đâu người ta sẽ xin cành lộc bằng cách bẻ một cành lộc non của cây cối với ý nghĩa mọi chuyện sẽ tươi tốt, mới mẻ, tài lộc… mang về gia đình mình thì thời nay việc xin lộc có thể là mua một cây nhỏ, xin lộc bánh trái nhà chùa hay phong bao lì xì của nhà chùa chuẩn bị sẵn.
Nói về quan niệm này, thầy Thịnh cho hay: “Theo bản thân tôi thì việc bẻ cành, hái lá hay thậm chí chặt cả cây mang về đã không còn phù hợp với văn hóa nữa. Mọi người biết đấy, một cái cây ở chùa nó đang đẹp, đang tươi tốt như thế mà mỗi người lên chùa bẻ một cành thôi nhưng có hàng trăm, hàng nghìn người cùng chung ý nghĩ như thế thì cái cây đó liệu có tươi tốt được không.
Và, điều quan trọng nhất là cành lộc từ cây các bạn vừa bẻ từ trên chùa xuống cũng chỉ tươi tốt được một vài ngày thôi chứ cũng chẳng được lâu, như thế thì còn gì là lộc nữa!”.
Thầy Thịnh cho biết, việc xin lộc ý nghĩa nhất trong ngày đầu năm mới là lên chùa, thắp 1 nén hương thành tâm xong rồi gặp các sư để xin lộc nhà chùa về. Vì ngày đầu năm gần như chùa nào cũng chuẩn bị sẵn những phần lộc nho nhỏ để các phật tử, người dân đến thành tâm mang về và hưởng lộc cầu mong mọi sự tốt lành đến trong năm mới. Điều này nó tốt hơn rất nhiều so với việc bản thân mỗi người lên chùa bẻ lộc, bẻ cành thậm chí chặt cây từ cành cây mang về.
Giả dụ 1 số nơi người ta có nhiều cây lộc non dạng bonsai, khi đó người dân đến lễ nếu nhà chùa ban cho thì xin về còn nếu không thì nên mua của những người bán cạnh cổng chùa về cho may mắn, tài lộc chứ nhất quyết không nên bẻ cành, hái lá, chặt lộc về trong ngày đầu năm mới.
Nên ăn mặc chỉn chu khi lên chùa
Nhiều năm gần đây rất nhiều người dân thấy “nhức mắt” khi những ngày đầu năm mới có những người ăn mặc hở hang hay thậm chí váy ngắn cũn cỡn đến chốn tâm linh. Điều này không chỉ vi phạm những quy định của nhà chùa mà còn không phù hợp với văn hóa nơi chùa chiền.
Nói về điều này, thầy Thịnh cho rằng: “Hiện nay ở nhiều chùa cũng đã có quy định người dân ăn mặc lịch sự, đúng phong thái, đi đứng, nói năng… phải đúng quy định. Tuy nhiên quy định đó cũng chỉ là nhắc nhở mọi người đi lễ thôi chứ không ai phạt ai cả. Nên ăn mặc sao cho có phong thái, lịch sự, văn minh nơi cửa phật. Bởi, những ngày đầu năm không thể ăn mặc quần đùi, áo cộc lên chùa hay những cô gái cũng không thể mặc váy xẻ ngắn cũn cỡn hoặc ăn mặc sexy như đi bar được".
Cũng theo quan điểm của thầy Thịnh, thì việc chúng ta lễ nhiều hay lễ ít không quan trọng, việc đi lễ cốt ở thành tâm.