Hôm nay (ngày 21/6) chính là ngày Hạ chí của năm 2024, tức là ngày dài nhất trong năm.
Ở Việt Nam, ngày Hạ chí thường được coi là ngày bắt đầu của mùa hè. Trong ngày này, thời tiết thường nắng nóng gay gắt, nhiệt độ có thể lên tới 38-40 độ C.
Năm 2024, nhiệt độ ngày Hạ chí được dự đoán là cực kỳ gay gắt, thậm chí nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 45-48 độ C.
Trong những ngày nóng bức như thế này, việc bổ sung thêm các loại nước giải nhiệt là rất cần thiết. Nước lá tía tô là một sự lựa chọn rất hợp lý. Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ), cho biết: Tía tô vị cay, tính ấm, vị thuốc được xếp vào loại kích thích ra mồ hôi, nước sắc và cồn chiết xuất lá tía tô đều có tác dụng giãn mạch ngoài da, hạ sốt, trừ cảm mạo.
Giá trị dinh dưỡng của lá tía tô rất cao, bao gồm nhiều dưỡng chất quan trọng như đạm, canxi, sắt, tinh bột, chất xơ, phốt pho, vitamin C... do đó rất phù hợp để tăng cường sức khỏe trong thời tiết khắc nghiệt.
Tía tô có tác dụng an thần, có thể làm giảm lo lắng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Đặc biệt, lá tía tô được coi là "kem chống nắng tự nhiên". Nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc đã chứng minh rằng chiết xuất từ lá tía tô có thể bảo vệ da khỏi tổn thương do tác động của tia cực tím, đồng thời ngăn ngừa quá trình lão hóa da.
Uống nước lá tía tô sẽ giúp thanh lọc cơ thể, giải độc và giúp da đẹp hơn, ngừa mụn. Tinh dầu trong tía tô rất tốt trong việc điều trị da lão hóa và duy trì độ ẩm cho hàng rào bảo vệ da, giảm nguy cơ mất nước. Dầu tía tô cũng chứa các đặc tính chống viêm, rất tốt để điều trị các vấn đề trên da.
Uống nước lá tía tô có thể giảm triệu chứng khó tiêu, đồng thời thúc đẩy việc xử lý thức ăn tốt hơn.
Thời điểm tốt nhất để uống nước lá tía tô chính là trước ba bữa chính khoảng 10-30 phút. Như vậy sẽ giúp cơ thể hấp thụ khoáng chất trong tía tô tốt nhất, đồng thời thúc đẩy giảm mỡ và giảm cân.
Nước lá tía tô uống vào ngày nắng nóng rất tốt, tuy nhiên nên tránh xa 2 sai lầm dưới đây.
2 sai lầm khi uống nước lá tía tô
1. Uống quá nhiều
Nước tía tô rất tốt nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể lạm dụng chúng, hay uống chúng thay cho nước lọc. Uống quá nhiều nước sẽ gây chướng bụng, rối loạn điện giải, ảnh hưởng đến cả tim mạch, huyết áp...
Do đó, mỗi người chỉ nên dùng khoảng 3 đến 4 ly nước lá tía tô trong một ngày, chia nhỏ từng lần uống.
2. Mang bầu vẫn uống nước lá tía tô
Cơ thể phụ nữ mang thai vốn nóng hơn người bình thường, nếu dùng lá tía tô dài ngày có thể dẫn đến tăng huyết áp. Hơn nữa, việc lạm dụng lá tía tô có thể khiến cho phụ nữ mang thai cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, táo bón, tiểu tiện đỏ.
Ngoài ra, những người đang bị cảm nóng cũng cần tránh sử dụng do lá tía tô vị cay tính ấm, có thể khiến cơ thể thêm bức bối, khó chịu.
Cách nấu nước lá tía tô để uống hàng ngày
Ngâm lá tía tô với nước muối pha loãng rồi rửa sạch.
Đun sôi nước rồi cho lá tía tô vào. Sau 2 phút tắt bếp, để nguội.
Cuối cùng cho thêm 3 lát chanh vào bình, đậy nắp, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để uống dần.