Nói đến ngày lễ dành cho trẻ em, hẳn nhiều người Việt Nam sẽ nghĩ tới ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, nhưng bạn đã biết đến ngày Trẻ em Thế giới 20/11 chưa? Đây là sự kiện được tổ chức trên toàn cầu nhằm đánh dấu việc thông qua Công ước Quyền trẻ em - hiệp ước nhân quyền được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử.
Trong suốt nhiều năm, ngày Trẻ em Thế giới được coi là một ngày vui và mang đến nhiều thông điệp quan trọng, ý nghĩa. Đây là thời điểm UNICEF đề cập đến các vấn đề cấp bách với trẻ em, tôn vinh sự tiến bộ và tăng cường các chính sách cần thiết. Và hơn hết, đây là dịp để trẻ em trên toàn thế giới cùng cất tiếng nói cá nhân.
Lịch sử ngày Trẻ em Thế giới
Ngày Trẻ em Thế giới (World Children’s Day) được tổ chức lần đầu vào năm 1954 với tên gọi ngày Trẻ em Toàn cầu (Universal Children's Day). Mục đích của ngày này là để thúc đẩy tính đoàn kết quốc tế, nâng cao nhận thức của trẻ em trên toàn thế giới và cải thiện phúc lợi của các em.
Trước khi được công nhận chính thức vào năm 1954, đã có nhiều phiên bản khác nhau về ngày này. Năm 1857, một tiến sĩ người Mỹ có tên Charles Leonard, đã tuyên bố ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng 6 là ngày dành riêng cho trẻ em. Ban đầu ông gọi sự kiện là Ngày Hoa hồng, và tổ chức một buổi lễ đặc biệt tại nhà thờ vào Ngày Hoa hồng.
Ngày Trẻ em toàn cầu lần đầu được công bố vào năm 1925, tại Hội nghị Thế giới về Phúc lợi Trẻ em diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, nó không được chính thức công nhận trên toàn thế giới cho đến năm 1954, khi Vương quốc Anh khuyến khích các quốc gia khác cùng chọn một ngày để vừa thúc đẩy, nâng cao nhận thức của trẻ, vừa có hành động thiết thực nhằm cải thiện phúc lợi của các em.
Ngày Trẻ em Thế giới khác Quốc tế Thiếu nhi như thế nào?
Điểm chung là cả hai ngày này đều hướng đến bảo vệ và trao quyền cho trẻ. Nhưng Ngày Quốc tế Thiếu nhi lại ra đời từ một sự kiện đau thương của nhân loại. Ngày 1/6/1942, phát xít Đức đã cướp đi sinh mạng của hơn 88 em nhỏ tại một ngôi làng ở Tiệp Khắc. Sự kiện khiến cả thế giới đau xót, căm phẫn. Để tưởng nhớ đến những em nhỏ vô tội, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế quyết định chọn ngày 1/6 làm Ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Mục đích là để chính phủ các nước có nhận thức và trách nhiệm về cuộc sống của trẻ, giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, ngày Trẻ em Thế giới không được biết đến rộng rãi bằng Quốc tế Thiếu nhi phần vì ngày này trùng với ngày Nhà giáo Việt Nam.
Nói gì khi nói về quyền trẻ em?
Năm 1989, các nhà lãnh đạo thế giới cùng đưa ra một cam kết đối với trẻ em trên thế giới, họ hứa bảo vệ và thực hiện các quyền của trẻ em, bằng cách áp dụng khung pháp lý quốc tế của Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Công ước tập trung vào định nghĩa tầm quan trọng của trẻ, làm thế nào để trao quyền cho chúng và nêu ra trách nhiệm của chính phủ.
Theo Công ước, trẻ em không chỉ là đối tượng thuộc sở hữu của cha mẹ hoặc quyết định dựa theo ý kiến của người lớn. Thay vào đó, họ cũng được coi là những người có quyền lợi riêng, được đưa ra ý kiến cá nhân. Ngoài ra, công ước cũng tuyên bố, thời thơ ấu của trẻ em được tính từ lúc sinh ra đến năm 18 tuổi, khoảng thời gian này tách biệt với tuổi trưởng thành. Đây là khoảng thời gian các em được lớn lên, học hỏi, vui chơi và phát triển. Trong lịch sử, đây là hiệp ước nhân quyền được phê chuẩn rộng rãi nhất trên thế giới và giúp thay đổi cuộc sống của trẻ em.
Công ước đã khuyến khích chính phủ thay đổi luật pháp, chính sách và đầu tư để chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em. Ngoài ra, trẻ em được bảo vệ khỏi bạo lực, bóc lột. Tiếng nói cá nhân của các em được lắng nghe, để từ đó các em sẵn sàng bước vào xã hội với lòng dũng cảm.
Ngày Trẻ em thế giới năm nay (20/11/2022), trẻ em và thanh thiếu niên được cất lên tiếng nói về vấn đề cấp bách của thế hệ mình và kêu gọi người lớn cùng kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn. Các vấn đề từ biến đổi khí hậu, giáo dục, sức khỏe tâm thần, đến chấm dứt phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử, đều được bàn đến.
Trẻ em trên thế giới làm gì vào ngày này?
Mặc dù 20/11 được chọn là ngày Trẻ em Thế giới chính thức, nhưng Hội đồng Liên Hợp Quốc cũng cho phép mỗi quốc gia tự chọn ngày phù hợp. Các nhà hoạt động nhân quyền có thể tổ chức sự kiện thúc đẩy nhận thức, hoặc đơn giản là đọc các chính sách bảo vệ quyền trẻ em. Nhiều tổ chức từ thiện thực hiện các sự kiện gây quỹ.
Tại Nhật Bản, ngày Thiếu nhi được tổ chức vào 5/5, và có tên là “Kodomo No Hi”. Trong dịp này, các gia đình sẽ treo những con diều cá chép rực rỡ sắc màu lên, vì cá chép tượng trưng cho lòng quyết tâm, sức sống trong văn hóa Nhật. Trẻ em được thưởng thức bánh nếp gói trong lá sồi (Kashiwa-mochi) và tham gia các sự kiện trên khắp đất nước.
Ở Mexico, ngày Trẻ em Thế giới còn được gọi là “'El Dia del Niño”, tổ chức vào ngày 30/4. Trẻ em thường chơi các trò chơi truyền thống, tham gia vào buổi biểu diễn múa rối. Có một phong tục dễ thương vào ngày này là trẻ em Mexico sẽ khuấy socola bằng cây lăn molinillo (cây đánh trứng bằng gỗ truyền thống của người Mexico) trước khi ăn sáng. Trong khi khuấy, các em sẽ hát một bài hát vui nhộn.
Bên cạnh những hoạt động vui chơi nhẹ nhàng, thì ở một số quốc gia khác, trẻ em được tham quan văn phòng chính phủ, thậm chí “tham gia” vào hoạt động điều hành đất nước. Ví dụ trẻ em Thái Lan được phép đi xe buýt miễn phí đến các công viên giải trí, sở thú, văn phòng nhà nước như Tòa nhà Chính phủ, căn cứ của Quân đội, Hải quân và Không quân. Các em còn được Không quân Hoàng gia Thái Lan cho phép khám phá máy bay.
Thổ Nhĩ Kỳ thì đầu tư cho ngày lễ thiếu nhi đến mức tạo ra một nghị viện mô phỏng. Trong môi trường nghị viện “giả lập” này, các em có quyền bầu tổng thống và điều hành đất nước trong một ngày. Tất nhiên mọi hoạt động này đều mang tính tượng trưng, nhưng cũng phần nào cho thấy chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến việc trao quyền và giúp trẻ em nhận thức sớm được vai trò, năng lực cũng như sức ảnh hưởng của mình với xã hội.
Năm nay, ngày Trẻ em Thế giới diễn ra cùng thời điểm World Cup 2022, vì thế UNICEF Việt Nam nâng cao vị thế của thể thao trong thúc đẩy hòa nhập, xây dựng kỹ năng, sự tự tin và hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho trẻ em cũng như thanh thiếu niên Việt Nam. Cụ thể, thông qua các giải đấu thể thao, UNICEF mong rằng các em nhận thức về vai trò quan trọng của thể thao đối với sự phát triển của chính mình, đặc biệt là các bé gái tại hơn 30.000 trường học.
Nguồn: Tổng hợp