Ngày xưa khi đi làm, hầu như dân văn phòng ai cũng ước sẽ có một ngày sếp đổi ý hoặc bản thân tìm được công việc nào khác có thể không cần phải lên công ty mỗi ngày, làm phá đi giấc ngủ và mất thời gian. 

Nhưng vài năm trở lại đây khi nhóm công việc freelance phát triển, tạo ra nhóm nhân viên tự do (freelancer) - không cần phải đến văn phòng trở thành một "cộng đồng" mang tính toàn cầu. Hay kể từ sau đại dịch Covid-19, khiến làm việc tại nhà bắt đầu được nhiều công ty chấp thuận, cởi mở hơn cho nhân viên của mình được tự do làm việc ở nhà để thay bằng quản lý hiệu suất trở nên phổ biến. Khiến điều ước năm nào của một số người bây giờ lại thành vô cùng quen thuộc mà đôi lúc đến phát... chán và bực. Vì thực tế, "ở nhà làm việc quá nhiều mới phát hiện ra nó hao tốn và bị động đến mức thỉnh thoảng gây ra sự ức chế" - từ những người làm việc tại nhà hay làm nghề freelance cho hay.

ĐANG THỜI BÃO GIÁ NHƯNG VẪN PHẢI TỐN TIỀN CÀ PHÊ ĐỂ CÓ... CHỖ LÀM VIỆC

Nơi thấy các dân văn phòng ngồi làm việc nhiều nhất trừ công ty chắc chắn là quán cà phê. Mọi người thường chọn quán cà phê là nơi làm việc vì những điều rất dễ hiểu: có bàn ghế thoải mái, ngồi trong phòng điều hoà, được phục vụ nước theo món mình thích, còn có sẵn các ổ điện để cắm sạc... Tuy nhiên, nếu thi thoảng muốn thay đổi không gian làm việc để thoải mái đầu óc, có thêm ý tưởng thì ra quán cà phê là lí tưởng. Còn chuyện không thể đến văn phòng và ngày ngày phải trú ngụ ở quán cà phê lại là câu chuyện khác. Đầu tiên phải kể đến là chi phí, bình quân một ly nước ở quán cà phê có điều hoà bây giờ phải từ 55.000 - 60.000 nghìn đồng, nếu mức lương trung bình của dân văn phòng tầm 10 triệu, cả tháng phải chi trả cho "chỗ ngồi" gần 20% lương thì chắc ai cũng phải khóc thét.

Chưa kể với tình hình bão giá chóng mặt như bây giờ, người đi làm đều phải thắt chặt chi tiêu. Mỗi ngày đều dắt xe cắm mặt đều đều ở quán cà phê, ai ngồi cả ngày phải gọi ít nhất 2 ly, đây là lúc dân văn phòng ước gì mình được ngồi trong công ty, có bố trí sẵn bàn ghế làm việc, đèn đóm sáng sủa, máy lạnh phà phà miễn phí.

NHÀ THÌ THOẢI MÁI ĐỂ NGỦ CHỨ KHÔNG THỂ THOẢI MÁI ĐỂ LÀM VIỆC

Để tiết kiệm chi phí, dân ngoài văn phòng này sẽ chọn làm việc ở nhà. Tuy nhiên, không phải ai được yên ổn tập trung 100% để hoàn thành xong công việc. Chúng ta đang làm việc, những thành viên trong gia đình biết nhưng ít ai hình dung rõ ràng không gian chúng ta cần là gì. Chỉ biết chúng ta đang ở nhà, và sẵn tiện nhờ chúng ta "một chút", gom những cái "một chút" này, cũng đã mất hết nửa ngày.

Ví dụ bạn đang làm việc ở nhà vợ sẽ nhờ đưa con đi học, gọi điện thoại bảo đón con về hộ. Bố mẹ chốc chốc lại kêu réo với hàng trăm chuyện nhỏ nhặt. Chưa kể nếu những lúc có con cái ở nhà, sự vòi vĩnh, quấy khóc, đùa nghịch vừa làm phiền vừa khiến bạn căng thẳng hơn. Nói chung làm việc tại nhà thì thoải mái ăn bận đấy, nhưng sẽ có hàng ti tỉ thứ khiến bạn phải rời bàn đứng dậy.

Trốn ra ngoài ngồi quán cà phê thì đâu thể ngày nào cũng vậy, mà ở nhà thì chẳng có không gian riêng. Những lúc này dân ngoài văn phòng cực kỳ ao ước giá như sếp đừng "đặc cách" cho nhân viên làm việc tại nhà nữa.

4 lí do khi được công ty "đặc cách" làm tại nhà, nhưng không phải dân văn phòng nào cũng thích - Ảnh 2.

BỮA ĂN KHÔNG ĐÚNG GIỜ TRƯA, TAN LÀM ĐẾN TỐI MUỘN - CÁI GIÁ CỦA SỰ LINH ĐỘNG THỜI GIAN

"Dân văn phòng kiểu mới" này có một ưu điểm lớn nhất, đó chính là giờ giấc được tự do. Họ không phải chạy đua với máy chấm công mỗi buổi sáng, thức dậy sớm để nấu nướng chuẩn bị bữa trưa mang theo, càng không cần tập trung dán mắt vào máy tính, tài liệu suốt 8 tiếng.

Thế nhưng không bị đưa vào thời gian biểu có khi họ sẽ khó kiểm soát thời gian hơn. Chuyện không phải dậy sớm có thể khiến họ ngủ đến tận trưa, bỏ bữa, và công việc dôi ra đến tối muộn mới xong. Nếu không có thói quen sinh hoạt khoa học, ngoài mắt các bệnh về dạ dày, tiêu hoá do ăn uống không điều độ, dân ngoài văn phòng còn lãng phí cả buổi tối riêng tư của mình. Công việc không có thời gian "tan ca" sẽ khiến họ bị nuốt đi thời gian dành cho gia đình, chơi với con cái hay ra ngoài cùng bạn bè. Thời gian vợ chồng/bạn bè mình làm việc, mình lại dây dưa bởi các việc riêng, đến khi mình phải làm, họ mới rảnh. Thời gian không được khớp với những người xung quanh mình lâu dần sẽ khiến dân ngoài văn phòng thích đi làm theo giờ quy định.

4 lí do khi được công ty "đặc cách" làm tại nhà, nhưng không phải dân văn phòng nào cũng thích - Ảnh 3.

LÂU LÂU THÈM TÁM CHUYỆN CÙNG ĐỒNG NGHIỆP VÀ THẤY SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC TRANH LUẬN VỚI TEAM HOẶC MỘT TẬP THỂ

Nhiều người ái ngại môi trường làm việc tại văn phòng chính vì những mối quan hệ cùng đồng nghiệp. Làm việc tập thể sẽ có không ít vấn đề xảy ra như: cạnh tranh đấu đá, ghen ghét cạnh khoé nhau hay thậm chí là bị cô lập. Việc xây dựng mối quan hệ cùng đồng nghiệp được khá nhiều dân văn phòng lưu tâm và đầu tư cho nó ngang bằng với tính chất công việc. Chính vì văn phòng cũng là một xã hội thu nhỏ, cần phải giao tiếp và chú ý cư xử. 

Thế nhưng mặt tích cực mà môi trường đem lại cũng nhiều vô kể. Nếu được làm việc cùng đồng nghiệp, người đi làm có thể nhận được góp ý, đề xuất, thảo luận để chất lượng công việc được nâng cao hơn. Cùng đó, đồng nghiệp cũng có thể trở thành một người bạn hiểu mình, vì 1/3 thời gian/ngày chúng ta đã ở công ty cùng họ. Có khá nhiều câu chuyện bên lề có thể được chia sẻ, giải toả và nhận được lời khuyên từ những người "bạn" này. Đây cũng chính là lý do dù nhiều nhân viên được sếp cho phép tự quyết về thời gian có mặt tại công ty, họ vẫn đi làm đều mỗi ngày.

4 lí do khi được công ty "đặc cách" làm tại nhà, nhưng không phải dân văn phòng nào cũng thích - Ảnh 4.

Dân văn phòng ngày nay không còn bị công ty ép buộc trong hàng tá các quy định kiểu mẫu, cứng nhắc ngày xưa. Họ có thể ăn mặc thoải mái và giản dị hơn nhiều, miễn là đừng phản cảm. Cùng đó các thiết bị, tài sản công ty cung cấp để tạo điều kiện cho nhân viên khá đủ đầy. Đó là lí do tại sao dân ngoài văn phòng dù có được làm tự do vẫn thích đến công ty hơn nhiều.

https://afamily.vn/ngay-xua-di-lam-chi-uoc-sep-cho-o-nha-khong-can-cham-cong-den-khi-thanh-su-that-va-trai-qua-4-dieu-nay-toi-lai-nho-dong-nghiep-van-phong-khung-khiep-20220624193505676.chn