Mặc dù trong các văn bản, chính sách hiện hành không có bất kỳ quy định nào xử phạt người sinh con thứ 3, nhưng hiện nay tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cha mẹ khi đi làm giấy khai sinh cho con vẫn phải “tự nguyện” nộp phạt 1 triệu đồng.

Việc làm lạ đời, trái khoáy này đã gây bức xúc cho nhiều người dân địa phương, đặc biệt tại huyện Quỳnh Lưu, TX.Hoàng Mai, Nghi Lộc và tại các huyện miền núi như Quỳ Châu, Quỳ Hợp của tỉnh Nghệ An.

"Tự nguyện" nộp phạt 1 triệu đồng

Tin tức cho biết, vào đầu tháng 11 vừa qua, anh Nguyễn Văn T., ở xóm 2, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu đến UBND xã nơi mình cư trú làm giấy khai sinh cho đứa con thứ 3.

Sau khi làm xong, anh T. được cán bộ tư pháp xã là Nguyễn Công Long bảo cầm giấy khai sinh lên phòng dân số đóng 1 triệu đồng.

Khi anh T. hỏi đóng với nội dung gì thì được ông Long trả lời: “Đóng tiền nộp phạt vì sinh con thứ 3”.

Anh T. băn khoăn chưa đóng vì theo anh biết hiện nay không có quy định nào của pháp luật xử phạt người sinh con thứ 3, thì ông Long nổi nóng: “Đây là văn bản quy phạm dưới luật. Dân bình thường thì đóng 1 triệu chứ công nhân, viên chức là 2 triệu.

Anh không chịu đóng chúng tôi sẽ làm công nợ và cưỡng chế nợ. Bây giờ muốn con có tên tuổi không?”.


Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về việc “quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (thay thế Nghị định 114/2006/NĐ-CP) không đề cập gì đến việc “xử lý việc sinh con thứ 3”.

Anh T. đưa thắc mắc lên Chủ tịch xã Quỳnh Văn là Lê Văn Ba hỏi thì được vị này trả lời: “Ở xã này không có ai sinh con thứ 3 mà không phải đóng tiền nộp phạt.

Cứ lên nộp đi, sai đúng đâu thì đi kiện sau”. Nghe bảo vậy, anh T. đành phải cầm tiền lên phòng dân số xã đóng.

Tuy nhiên, vị cán bộ phụ trách ở đây lại không ghi biên lai nộp phạt cho anh mà lại ghi “nộp quỹ”.

Vị này giải thích nếu ghi “nộp phạt” thì số tiền này sẽ chuyển lên huyện, tỉnh, còn ghi “nộp quỹ” thì sẽ sung vào quỹ của Ban Dân số Kế hoạch hóa Gia đình (DS-KHHGĐ) xã Quỳnh Văn.

Cũng bức xúc về tình trạng trên, anh Nguyễn Đức N., ngụ xóm 9, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu phản ánh: “Do gia đình neo người nên vừa qua vợ chồng tôi quyết định sinh thêm cháu thứ 3.

Khi xuống xã làm giấy khai sinh cho con thì được ông Hoàng Danh Điền, cán bộ tư pháp xã bắt đóng 1 triệu đồng.

Tôi thắc mắc thì được ông Điền giải thích là “đóng tiền vào quỹ Ban DS-KHHGĐ của xã. Đây là quy định của cấp trên, ai cũng phải đóng cả”.

Cũng như hàng chục người dân khác, anh N. cũng đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” đóng tiền nếu muốn có giấy khai sinh cho con.

Được biết, thực trạng sinh con thứ 3, thứ 4 phải “tự nguyện” nộp phạt không chỉ diễn ra ở các huyện đồng bằng ven biển Quỳnh Lưu, TX.Hoàng Mai, Nghi Lộc mà còn diễn ra tại các huyện miền núi như Quỳ Châu, Quỳ Hợp của tỉnh Nghệ An.

Chị Lê Thị A., một người dân ở xã Yên Hợp, huyện Qùy Hợp bức xúc: “Theo tôi được biết thì làm gì có văn bản pháp luật nào hiện nay quy định sẽ bị phạt tiền khi sinh con thứ 3 đâu.

Trẻ sinh ra phải có quyền được làm giấy khai sinh chứ sao lại bắt nộp tiền mới có giấy”.

Biết sai nhưng vẫn cố thu?

Trao đổi với PV về những thắc mắc, băn khoăn của người dân địa phương, ông Hoàng Danh Điền, cán bộ tư pháp xã Quỳnh Thạch cho biết:

“Chúng tôi thu tiền của người dân là làm theo công văn, chỉ đạo của cấp trên chứ làm bậy đâu được. Tiền này được nộp vào quỹ của Ban DS-KHHGĐ của xã và phục vụ các vấn đề về dân số”.

Để chứng minh cho PV biết mình “không làm bậy”, “làm đúng luật”, ông Điền đã lấy các văn bản, quyết định mà ông dựa vào để “phạt” dân.

Đó là quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 11/01/2013 của UBND huyện Quỳnh Lưu về việc “Ban hành quy định một số chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu”.


Ông Hoàng Danh Điền đã dựa vào quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 11/01/2013 của UBND huyện Quỳnh Lưu để phạt 1 triệu đồng đối với người sinh con thứ 3 tại xã Quỳnh Thạch.

Ông Điền chỉ tay vào mục a, b của khoản 4 điều 5, chương II của quyết định này rồi nói: “Đây này, tôi có làm sai đâu, anh nghe kỹ nhé:

“Đối với cán bộ công chức, viên chức (kể cả hợp đồng lao động), cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang khi sinh con thứ 3 trở lên (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác) phải đóng góp một khoản kinh phí cho Ban DS-KHHGĐ xã, thị trấn 2.000.000 đồng và bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức nặng nhẹ khác nhau.

Còn đối với các đối tượng khác khi sinh con thứ 3 trở lên thì bị khiển trách và phê bình công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và xử lý theo quy định của hương ước, quy ước nơi cư trú; không được xét danh hiệu gia đình văn hóa và phải đóng một khoản kinh phí theo cam kết cho Ban DS-KHHGĐ xã, thị trấn cho một lần vi phạm với mức là 1.000.000 đồng”.

Tuy nhiên, khi PV cho biết vào tháng 11/2013 Chính phủ đã có nghị định số 176/2013/NĐ-CP về việc “quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (thay thế Nghị định 114/2006/NĐ-CP) không đề cập gì đến việc “xử lý việc sinh con thứ 3” thì ông Điền bảo: “Để xem lại đã”.

Còn theo một cán bộ tư pháp ở huyện Qùy Hợp: “Sinh con thứ 3 không phải là vi phạm hành chính, do đó không được xử phạt.

Việc thu tiền của dân là dựa trên cam kết, quy ước, hương ước phụ thuộc vào từng địa phương cụ thể.

Tuy nhiên vì muốn thu tiền cho dễ nên trước khi đăng ký khai sinh, các xã đã “vận dụng” cho “linh hoạt”, mặc dù về nguyên tắc là không được”.

Trong khi Chính phủ có những chính sách linh hoạt trong việc đối phó với tình trạng già đi của dân số Việt Nam thì tại nghệ An, người dân vẫn bị “đè” ra để đóng tiền “tự nguyện” khi đi làm giấy khai sinh cho con. Sự việc đang gây bức xúc cho người dân nơi đây.