Nghe cô nàng review trọn quá trình kéo dài chân thêm 7cm tại viện 108 mới thấy: Để đẹp bạn còn cần phải dũng cảm nữa!
Tính tới hiện tại là đã hơn 30 ngày từ lần phẫu thuật kéo dài chân đầu tiên, và chân của Hyan đã dài thêm được 3cm.
Khi nói đến phương pháp cải thiện chiều cao, phần đông mọi người sẽ đề cập đến việc tập thể dục, thể thao, cụ thể là bơi lội, chơi bóng rổ, bóng chuyền,... Nhưng không phải ai cũng thành công với những bộ môn này. Chắc hẳn mọi người ít nhiều gì đã từng nghe qua phẫu thuật kéo dài chân, dù đây không phải là phương pháp quá mới lạ, nhưng vẫn còn rất nhiều người e ngại và lo sợ. Vì đây là đại phẫu, lại liên quan đến xương nên hẳn không phải lựa chọn được nhiều người cân nhắc.
Vừa qua cô bạn @hyanna (nickname: Hyan) đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng khi chia sẻ lại quá trình phẫu thuật kéo dài chân trên trang TikTok của mình. Không ít bình luận đã khen ngợi cho sự dũng cảm của cô bạn cũng như bày tỏ sự tò mò liệu quá trình diễn ra như thế nào, có đau đớn lắm không? Biết được những thắc mắc của độc giả, Hyan đã dành một chút thời gian chia sẻ về hành trình phẫu thuật kéo dài chân của mình tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để giúp mọi người có cái nhìn cụ thể và thực tế hơn.
Chiều cao 1m48 trước đây khiến Hyan tự ti nên cô bạn quyết định phẫu thuật kéo dài chân
Đôi nét về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong những nơi đầu tiên thực hiện kéo dài chi ở Việt Nam, đến nay đã thực hiện kéo dài cho hàng trăm trường hợp, gần đây hàng năm đã thực hiện ít nhất hàng chục ca kéo dài chân với mục đích tăng chiều cao. Trong đó, nam chiếm nhiều hơn nữ. Phần lớn các bệnh nhân đến xin kéo dài là bởi sự tự ti về chiều cao ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, và với đàn ông, sự mặc cảm thường rõ ràng hơn.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Trở về với Hyan, với chiều cao hiện tại là 1m48, cô bạn dự định sẽ kéo chân dài thêm 7cm, tức chiều cao sau phẫu thuật sẽ là 1m55. Tuy nhiên, nếu có thể thì Hyan mong muốn kéo được 8cm, nhưng điều này còn phụ thuộc vào quá trình luyện tập. Tính tới hiện tại là đã hơn 30 ngày từ lần phẫu thuật đầu tiên, và chân của Hyan đã dài thêm được 3cm.
Ảnh chụp chân hiện tại của Hyan
“Sau khi thất bại với bơi lội và các môn thể thao khác, mình bắt đầu tìm hiểu phương pháp phẫu thuật kéo dài chân. Mình biết được cũng nhờ tự tìm hiểu qua mạng thôi. Kể từ lúc đó, cụ thể là cuối năm cấp 3, mình đã ấp ủ nguyện vọng này. Lúc học đại học năm 2 mình có tìm đến bác sĩ để tham khảo, nhưng được khuyên hoàn thành hết việc học, sau này mọi thứ ổn định rồi bắt đầu làm, tránh tình trạng dở dang. Bác sĩ cũng khuyên trên 22 tuổi là độ tuổi thích hợp để tiến hành phẫu thuật, vì dưới 22 tuổi bạn vẫn có khả năng cao thêm 1-2cm”, Hyan chia sẻ về giai đoạn tham khảo, chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật.
Khi được hỏi về động lực để thực hiện lần phẫu thuật này, Hyan chia sẻ với cô bạn, quan trọng nhất vẫn là kinh tế và tâm lý. Bạn phải có nguồn tài chính ổn định, chuẩn bị sẵn tinh thần cho mọi tình huống, đặc biệt là những biến chứng, và hơn hết là phải chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân.
"Clip: Tình trạng chân hiện tại sau hơn một tháng phẫu thuật của Hyan"
“Thành thật thì mình không tìm hiểu quá sâu và kỹ đâu. Mình ngại nếu tìm hiểu quá nhiều thì sẽ bị ảnh hưởng bởi những luồng ý kiến khác nhau, nên thành ra mình chỉ đọc những thông tin cơ bản mà thôi” Hyan cho biết.
Ảnh trái là ảnh chụp X-quang sau khi tách xương được 2 ngày. Ảnh phải là ảnh trong quá trình thực hiện phẫu thuật
Hyan chia sẻ vì Hà Nội chỉ có Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là có phẫu thuật kéo dài chân, vậy nên từ đầu bản thân không mất quá nhiều thời gian cho việc lựa chọn và tìm địa điểm phẫu thuật. Cô bạn cho biết bác sĩ tư vấn hai lựa chọn về nơi thực hiện phẫu thuật, đó là bệnh viện công Trung ương Quân đội 108 và bệnh viện tư Đa khoa Quốc tế Bắc Hà. Dù cả hai nơi đều có mức phí cho hai lần phẫu thuật như nhau, đều là 175 triệu đồng, nhưng Hyan đã chọn bệnh viện tư vì muốn được trải nghiệm dịch vụ tốt nhất có thể. Cô bạn cũng cho biết ở bệnh viện 108 có hai bác sĩ chịu trách nhiệm về loại phẫu thuật này, đó là bác sĩ Lượng và bác sĩ Đoàn (người thực hiện phẫu thuật cho Hyan).
Đại tá, Phó giáo sư - Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Lê Văn Đoàn hiện đang giữ chức vụ Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người thực hiện phẫu thuật kéo dài chân cho Hyan
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Văn Lượng hiện đang là Giảng viên cơ hữu tại Viện chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Khi được hỏi về ký ức lần đầu tiên bước vào phòng mổ, Hyan chia sẻ: “Mình không nhớ rõ lắm vì vừa vào là đã được tiêm thuốc mê rồi. Đến 2-3 tiếng sau mình tỉnh lại thì mọi thứ đã xong.”
Nói về những căn dặn của bác sĩ trước khi phẫu thuật, Hyan cho biết bác sĩ khuyên nên tập yoga giãn gân, gót để phẫu thuật thuận lợi hơn. Hiện tại cô nàng cũng đang thực hiện một số bài tập để bổ trợ cho quá trình phục hồi. Tuy nhiên chỉ khi nào có bác sĩ bên cạnh thì Hyan mới thực hiện, vì động tác chủ yếu là nằm sấp người để giãn cơ, để tránh sơ suất thì vẫn nên có bác sĩ giám sát.
"Clip: Cách Hyan sinh hoạt hàng ngày"
Bên cạnh đó, Hyan cũng chia sẻ một số thông tin trong suốt quá trình phẫu thuật. “Sau khi phẫu thuật lần đầu, mình phải nằm viện 7 ngày và trong 3 ngày đầu không được xuống giường. Cứ cách 20-30 ngày mình sẽ đi tái khám để bác sĩ kiểm tra lại vì quá trình tách xương của hai chân là khác nhau, có khi kiểm tra lại thì một chân dài 2,3cm, còn chân kia dài 2,1cm nên phải căn chỉnh lại cho khớp. Số ngày hoàn thành phẫu thuật tùy theo độ dài mà bạn mong muốn, ví dụ kéo 9cm thì sẽ mất 90 ngày cộng thêm 7-10 ngày ở viện để tháo băng, còn nếu chỉ có 7cm thì sẽ bớt được 20 ngày.”
"Clip: Ngày thứ nhất sau khi phẫu thuật xong"
Hiện tại Hyan chỉ uống canxi và một số loại thuốc bổ. Ngoài ra chân đóng đinh phải thay băng mỗi 2 ngày, tất cả cô bạn đều tự làm. Dù muốn thuê điều dưỡng nhưng vì chỗ ở của Hyan cách khá xa bệnh viện nên điều dưỡng không đến được, mà cô bạn không yên tâm khi nhờ người khác nên tự làm hết. Còn một nỗi khổ tâm nữa đó là vì khung đóng xuyên qua chân nên những hôm trời quá lạnh thì sẽ buốt và không ngủ được, song Hyan cũng đã dần quen với việc này.
Đây là lúc Hyan được bác sĩ thực hiện vật lý trị liệu
Dù thực hiện phẫu thuật nhưng cô bạn vẫn vui vẻ chụp hình với những bệnh nhân khác
Về lời khuyên cho các bạn đang có ý định thử phương pháp này, Hyan chia sẻ thẳng thắn rằng: “Mình không thực sự khuyến khích các bạn kéo chân nếu chiều cao hiện tại không ảnh hưởng gì quá lớn đến cuộc sống của bạn. Những ngày đầu mới làm mình cũng hơi khó chịu một chút. Vậy nên nếu chưa chuẩn bị tâm lý thật tốt thì mình nghĩ các bạn không nên. Còn với ai đã có quyết tâm và đã sẵn sàng thì cứ làm thôi. Tất cả là để bản thân đẹp hơn mà.”
Những thông tin về kéo chân bạn cần biết:
- Về lý thuyết, có thể kéo dài bao bao nhiêu cũng được, tùy nhu cầu của bệnh nhân. Song các bác sĩ sẽ tư vấn chiều dài hợp lý, cân xứng với cơ thể cũng như hạn chế thấp nhất các biến chứng.
- Chỉ định kéo dài chân thường chỉ đối với những người có tầm vóc thấp, lùn (nữ dưới 1m50, nam dưới 1m60) hoặc người mắc các dị tật, thương tật. Kỹ thuật này không áp dụng cho trường hợp chân cao chân thấp chênh lệch không quá 3cm. Với mức độ chênh lệch ít thì có thể điều chỉnh bằng độn thêm đế giày dép đơn giản và dễ dàng hơn.
- Lứa tuổi từ 20-30 tuổi là lý tưởng nhất để thực hiện phẫu thuật, vì lúc đó chiều cao cơ thể đã hoàn thiện. Sau 35 tuổi, xương bắt đầu lão hóa nên không thuận lợi để phẫu thuật kéo dài.
- Phẫu thuật kéo dài chân không ảnh hưởng tới tuổi thọ của người thực hiện. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới. Do đó cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài. Khi cơ xương khớp đã ổn định, đã tập luyện tốt, chi được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân đi lại sinh hoạt chạy nhảy bình thường.
- Kéo dài chân không khó song đòi hỏi sự kiên trì và chịu khó mới có kết quả tốt nhất. Về quy trình, người muốn cải thiện chiều cao phải trải qua ba bước, gồm chuẩn bị trước mổ, mổ cắt xương, đặt đinh - khung và kéo dài dần dần sau mổ.
- Bước chuẩn bị: Nhìn chung khâu chuẩn bị sẽ gồm ba công việc chính. Đầu tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng để tìm hiểu kỹ tiền sử của bệnh nhân. Thứ hai là đánh giá tình trạng tâm lý của bệnh nhân, tư vấn toàn bộ quy trình và những vấn đề liên quan tới phẫu thuật. Và cuối cùng, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chuyên sâu để loại trừ các bệnh lý của xương, bệnh lý toàn thân khác có chống chỉ định kéo dài chi.
- Tiến hành phẫu thuật kéo dài cẳng chân: Sau khi được gây mê, hoặc tê tủy sống, phẫu thuật trải qua 3 bước: Đóng đinh - Lắp đặt khung cố định vào cẳng chân - Cắt xương.
- Sau khi mổ:
Sau mổ bệnh nhân được tiêm thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, giảm nề, gác chân cao trong 5 ngày và thay băng vết mổ cách ngày.
Sau 3-5 ngày, được tập vận động thụ động nhẹ nhàng khớp gối và khớp cổ chân, đeo giá kéo bàn chân khi nghỉ ngơi và khi ngủ để chống biến chứng co ngắn gót.
Sau 7-10 ngày, bác sĩ tiến hành căng dãn khung và hướng dẫn cho bệnh nhân tự vận hành khung để căng dãn ổ cắt xương với tốc độ 1mm/ngày, chia đều cho 3 lần. Sau căng dãn 5 ngày, nếu ổ cắt xương đã được căng dãn tốt, người kéo dài chân được ra viện, điều trị ngoại trú thực hiện tự căng dãn theo hướng dẫn. Định kỳ hàng tháng, các bệnh nhân được khám lâm sàng và đánh giá diễn biến liền xương bằng chụp X-quang.
Trong thời gian căng giãn, bệnh nhân đã bắt đầu phải tập tỳ nén một phần trọng lượng cơ thể khi đứng hoặc đi bằng hai nạng trong khung tập đi.
Khi căng giãn đủ chiều dài, bệnh nhân được nhập viện và được bắt 2 vít chốt ngoại vi của đinh nội tủy và tháo bỏ khung cố định ngoài. Thời gian nằm viện khoảng 3 đến 5 ngày.
Ra viện bệnh nhân tiếp tục tập luyện đi lại dưới sự trợ giúp của khung hoặc nạng và tỳ nén tăng dần và được tì nén hoàn toàn khi có can xương bắc cầu ở hai vỏ xương trên phim X-quang. Khám kiểm tra định kỳ 2 tháng/lần đến khi liền xương vững.
Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Ảnh: Nhân vật cung cấp