Chen chân phòng khám thai
9h sáng một ngày đầu tuần, chúng tôi đến Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, “khách” của trung tâm đã đông nghẹt người.
Mỗi một người đi giải quyết đưa theo 1- 2 người nhà đi cùng càng khiến không gian nhỏ bé ở đây thêm chật chội. Chúng tôi ngó vào phòng chờ thủ thuật đã có đến gần 20 người đang mặc váy trắng chờ lên bàn. Mọi người gọi nhau í ới, hỏi nhau đã ngậm thuốc hay chưa.
Trong phòng tư vấn, một bác sĩ lớn tiếng “đã bỏ đến 3 lần còn muốn bỏ nữa không? Phòng bên cạnh của những người đã có gia đình thì nhỏ nhẹ hơn.
Mẹ của H. đang chờ con trước của phòng tư vấn.
Một chị tên H (SN 1985) cất công đi từ Hà Nam lên với cái bụng vượt mặt hơn 6 tháng đang chờ bác sĩ làm thủ tục “xảy thai nhân tạo”. Vị bác sĩ một mình tư vấn cho rất nhiều bệnh nhân của mình. Trong khi cô gái cố gắng xin bác sĩ làm cho nhanh để còn kịp về quê.
Vị bác sĩ mồ hôi nhễ nhại “tôi xin cháu, chúng ta đang cùng nhau giết đi một con người đấy, làm nhanh được sao”. Câu nói của vị bác sĩ này khiến nhiều người ngồi bên ngoài không khỏi tái mặt nhất là người nhà của cô gái.
Được biết, cô gái đã mang thai tháng thứ 6, gia đình hai bên định làm đám cưới đột nhiên chú rể “chạy làng”. Chính vì vậy, gia đình đành đưa con lên Hà Nội viết đơn xin phá thai. “Tương lai của nó còn dài lắm, bây giờ sinh con ra thì sau này sống thế nào?”...mẹ cô gái than thở.
Chen chân nhau ở Trung tâm tư vấn Sức khỏe
Sinh sản và Kế hoạch hóa Gia đình.
Bên trong phòng thủ thuật, người hộ lý bắt đầu gọi tên bệnh nhân vào phòng làm thủ thuật. Chưa đầy 5 phút bệnh nhân lại được hộ lý cho ngồi xe đẩy ra, người khác lại lên bàn thủ thuật. Người kêu đau, kẻ thở dài như đã trút bỏ được một cái gì đó.
Trái ngược với những người đi phá thai “chuyên nghiệp” thấp thoáng trong phòng có một vài người phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh. Họ bị bệnh lý nên phải bỏ đi đứa con thân yêu của mình.
Nghề đón xác hài nhi
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc trung tâm Tư vấn Sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình là người đã tiếp xúc với khá nhiều bệnh nhân đến phá thai đã thốt lên rằng: không thể nào tin nổi có những bệnh nhân mặt non choẹt đến đây rất là nhiều lần, mỗi lần đến họ lại lấy một cái tên khác nhau.
Đó là chưa kể đến nhiều bệnh nhân còn khai thêm tuổi để không phải người bảo lãnh. Khi bác sĩ nói đến những biến chứng có thể xảy ra khi phá thai như vô sinh… thì những bệnh nhân này mặt tỉnh bơ “vô sinh cũng phá”.
“Khi họ đã trả lời như vậy, mình còn tư vấn gì nữa. Họ đã biết trước hậu quả có thể xảy ra rồi nhưng vẫn làm. Đó là lúc họ muốn chối bỏ đứa con của mình”.
Mẫu đơn xin phá thai tự nguyện của BV.
Điều khiến bác sĩ Minh trăn trở nhiều nhất là những lần dùng thuốc cắt đi nguồn sống của những thai nhi đã thành hình hay còn gọi là xảy thai nhân tạo. Mỗi lần đỡ cho đứa trẻ này không phải là tiếng khóc chào đời mà một sinh linh bé nhỏ đã không còn thở nữa.
Có những đứa trẻ đã được hơn 20 tuần tuổi, hình hài đã như một con người. Khi các bác sĩ đỡ cho đứa trẻ cảm thấy thương cho số phận của chúng thì không ít bà mẹ cảm thấy thở phào vì điều đó.
Trao đổi về việc phá thai tuổi vị thành niên, bác sĩ Minh càng buồn bã hơn. Có những em đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới đã lỡ mang bầu. Người nhà thường đưa đến bảo lãnh để phá thai. Họ sợ đứa trẻ sinh ra đời sẽ khổ và con cái họ cũng khổ. Có cô học trò đi phá thai còn rủ thêm nhóm bạn đến cùng. Họ nói chuyện rôm rả như một chuyến đi chơi không phải đi phá thai.
Bác sĩ Kính (từng công tác tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội) lắc đầu khi nghĩ lại ca phá thai 13 tuổi. Khi ông còn công tác tại bệnh viện, có một cô bé mới 13 tuổi được bố mẹ đưa đi phá thai. Cái thai đã lên 17 tuần tuổi. Trong khi bà mẹ khóc lóc nói con bị “bạn ép” trong một lần đi sinh nhật còn đứa con gái mặt tỉnh queo nhất quyết không chịu phá thai vì muốn bảo vệ minh chứng của mối tình đầu.
Mỗi ngày, chỉ riêng Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tiếp nhận đơn phá thai tự nguyện từ 20 đến 30 người. Con số đó còn chưa kể các khoa sản của bệnh viện khác và hệ thống phòng khám tư có dịch vụ phá thai. Chỉ tính nhẩm, mỗi ngày cũng lên đến hơn 100 số phận chưa kịp chào đời đã bị phá bỏ.
Mỗi ngày, chỉ riêng Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tiếp nhận đơn phá thai tự nguyện từ 20 đến 30 người. Con số đó còn chưa kể các khoa sản của bệnh viện khác và hệ thống phòng khám tư có dịch vụ phá thai. Chỉ tính nhẩm, mỗi ngày cũng lên đến hơn 100 số phận chưa kịp chào đời đã bị phá bỏ.