Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng khẳng định truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hoá và con người Việt Nam. Gửi lời tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền Tổ quốc, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao chất lượng giáo dục phổ thông của nước ta những năm qua.

Học sinh Việt Nam đoạt nhiều giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Một số trường ĐH của Việt Nam được xếp vào top 500 trường đại học tốt nhất châu Á và tốp 1.000 trường tốt nhất thế giới… Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý đội ngũ nhà giáo rằng, sự nghiệp giáo dục đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, tồn tại cần sớm khắc phục và những khó khăn, thách thức phải vượt qua.

Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”, Thủ tướng đề nghị mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc với phương châm xuyên suốt là lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực để truyền cảm hứng, lòng yêu nước cho học sinh.

“Thầy cô chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục cao cả của nước ta”, Thủ tướng nhắc nhở. Đồng thời nhấn mạnh thầy cô cũng là tấm gương sáng cho học sinh về tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm đồng thời vừa là người cha, người mẹ thứ hai, thường xuyên quan tâm tới tâm, sinh lý, nguyện vọng chính đáng của học trò.

Nghề giáo khó nhọc và vinh quang - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng ngành giáo dục. (ảnh: Quỳnh Anh)

Thủ tướng cũng mong mỏi phụ huynh phải luôn tôn trọng, quan tâm, chia sẻ, đồng hành với thầy cô; phối hợp chặt chẽ với nhà trường để cùng dạy dỗ các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt của xã hội. Ông bày tỏ sự tin tưởng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo sẽ khắc phục khó khăn, phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt, thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ thông tin, cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, phổ thông đến hệ thống dạy nghề. Đội ngũ hiện đang đảm nhiệm việc dạy học cho trên 23 triệu học sinh. Trong giai đoạn đổi mới, giáo dục và đào tạo đang thực hiện một cuộc cải cách lớn nhằm thay đổi nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh. Đây là vinh dự lớn nhưng cũng là thách thức chưa từng có đối với ngành Giáo dục và lực lượng nhà giáo.

Dịp này, người đứng đầu Chính phủ cho biết, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp thực tiễn với tình hình đất nước và nền kinh tế chung cùng các ngành nghề khác.

Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, thực tế, chỗ này chỗ khác, có chỗ, có lúc khiến xã hội chưa hài lòng, phụ huynh bức xúc, danh dự nhà giáo có lúc bị tổn thương và sứt mẻ. “Tuy nhiên phải khẳng định rằng đó là bộ phận, là số nhỏ. Phần lớn nhà giáo vẫn lấy giá trị bền vững tốt đẹp của nghề để ứng phó với muôn vàn biến động và thử thách. Đa số họ chấp nhận lương thấp, đời sống khó khăn, gắn bó với nghề. Nhiều nhà giáo vẫn miệt mài học tập, tự vươn lên dẫn dắt chỉ đường cho những lớp học trò thời đại mới rất thông minh, giỏi giang nhưng nhiều khác biệt”, ông nói.

Em Phạm Việt Hưng, học sinh lớp 12A1 Toán, trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) nhắn gửi: em luôn biết ơn thầy cô giáo từ thời tiểu học ân cần dạy em viết chữ, làm toán đến thầy cô THCS - THPT, những người dẫn dắt em vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì, “đi” trong biển tri thức, chinh phục đỉnh cao. Hưng vừa đoạt Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO).

“Giây phút được đeo tấm huy chương, trên tay cầm lá cờ Tổ quốc em vô cùng xúc động và hiểu rằng đằng sau tấm huy chương nhỏ bé là biết bao mồ hôi, công sức, tâm huyết của rất nhiều thầy giáo, cô giáo”, Hưng nói.