Chiều ngày 27/11, H.D (lớp 5, quê Hải Dương) sang nhà bạn chơi ở thôn bên bằng xe đạp. Tới gần 5 giờ, D. ra về. Nhưng do đi ngược hướng về nhà nên cô bé đã bị lạc và đạp xe thẳng lên Hà Nội.
Khoảng 12 giờ đêm, một vài người dân phường Phúc Lợi, Long Biên thấy một cô bé nhỏ tuổi, mặt mũi lấm lem nên đã chạy tới hỏi thăm. Lúc này, D. mới mếu máo hỏi đường và nói mình bị đi lạc.
D. kể bản thân biết đã đi nhầm đường nhưng không dám dừng lại hỏi ai. Đạp xe đến đây do mệt và đói nên mới dừng lại hỏi.
Trước đó, cũng có nhiều người tò mò gặng hỏi D. nhưng cô bé không nói vì lý do: "Vừa lúc trưa ngồi ăn cơm mẹ dặn gặp người lạ không được bắt chuyện. Người ta sẽ đánh thuốc mê bắt cóc đi vì đang có nhiều người bắt cóc trẻ con lắm".
Một người dân dẫn D. đi ăn rồi gọi công an cho cô bé.
Dẫu vậy, D. vẫn nhất định không chịu nói quê quán, số điện thoại bố mẹ. Một vài người dân đành đưa D. đi ăn rồi gọi công an tới. Đến lúc này D. mới tin tưởng để nói số điện thoại của gia đình.
1 giờ sáng, công an phường Đức Giang, Long Biên đã gọi về báo tin cho bố mẹ D.. Sau 7 tiếng đồng hồ đi lạc, D. đã được gia đình đón về an toàn.
Nhiều bậc phụ huynh luôn dặn dò con không được bắt chuyện với người lạ nhưng lại không dặn con đâu là đối tượng có thể tin tưởng có thể hỏi thăm khi đi lạc.
Trong trường hợp trẻ bị lạc, cha mẹ cần dạy cho con biết những ai là người an toàn và có thể tin cậy để nhờ giúp đỡ.
Đối với trẻ nhỏ, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là nên chuẩn bị tâm lý cho trẻ về khả năng bị lạc, nhưng không khiến con sợ hãi. Cha mẹ hãy tiếp cận vấn đề một cách tích cực và bình tĩnh, bắt đầu bằng cách nói rằng ở những nơi đông người, bố mẹ và con rất dễ lạc nhau. Nhưng con cần nắm được cách để bản thân an toàn.
Nếu đi lạc ở nơi công cộng như siêu thị, công viên, cha mẹ có thể dặn con nên tìm đến những ông bố, bà mẹ có con nhỏ đi cùng hoặc những nhân viên mặc đồng phục.
Còn nếu đang ở ngoài đường phố, trẻ nên tìm đến các chú công an hoặc ghé vào những nơi gần đó như nhà dân, ủy ban, ngân hàng,... để nhờ liên lạc về với gia đình.