Trong tất cả các nền y học trên thế giới, mật ong luôn được xem như "thần dược" bởi những tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe như giúp giảm mệt mỏi cơ bắp, tăng năng lượng, chữa ho, chống nhiễm trùng, thậm chí còn được dùng như một liệu pháp chăm sóc tóc, dưỡng da.

Theo các nhà khoa học, đường trong mật ong chủ yếu là glucose, fructose - hai loại đường đơn cơ thể có thể hấp thu trực tiếp mà không cần men phân hủy. Bên cạnh đó, mật ong chứa nhiều vitamin như B1, B2, E, PP, K… Hỗn hợp vitamin này ở dạng tự nhiên nên chỉ cần số lượng nhỏ đã có hiệu quả tốt.

Nghe lời ông bà xưa rơ lưỡi cho con bằng cách này, bố mẹ có thể khiến con bị ngộ độc nguy hiểm - Ảnh 1.

Mật ong luôn được xem như "thần dược" (Ảnh: Internet)

Có lẽ bởi những công dụng quá tuyệt vời như vậy mà nhiều người vẫn tin rằng nên dùng mật ong rơ lưỡi cho em bé. Họ cho rằng làm như vậy sẽ giúp miệng bé được sạch, diệt khuẩn, bảo vệ sức khỏe bé tốt hơn so với việc rơ lưỡi theo cách thông thường. Tuy nhiên, đây là một cách hoàn toàn sai lầm.

Theo y học hiện đại, dù mật ong có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn thật nhưng cũng chứa độc tố từ vi khuẩn clostridium botulinum, tiết ra độc tố khiến trẻ sơ sinh bị tê liệt tạm thời. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), ngộ độc botulinum tuy hiếm nhưng không phải là không có và rất nghiêm trọng. Khi trẻ sơ sinh ăn phải thức ăn có chứa mật ong, vi khuẩn botulinum sẽ phát triển trong ruột và giải phóng độc tố, khiến trẻ bị ngộ độc do sức đề kháng trẻ sơ sinh còn yếu.

Do đó, bố mẹ không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng mật ong, dù là nấu với thức ăn hay rơ lưỡi, đặc biệt quan trọng đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Khi trẻ đã được một tuổi, hệ tiêu hóa của con có thể tiêu diệt được bất kì bào tử botulinum nào. Để rơ lưỡi an toàn nhất cho trẻ sơ sinh, mẹ chỉ nên rơ lưỡi bằng gạc sạch cùng với nước ấm hoặc nước muối sinh lý. Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh, không phải trẻ nào cũng cần phải rơ lưỡi mỗi ngày. Cụ thể hơn:

- Bú mẹ hoàn toàn: Khi bé bú mẹ hoàn toàn mẹ không cần phải rơ lưỡi bé nhiều vì lưỡi bé được cọ vào vú mẹ thường xuyên nên không bị đọng sữa nhiều. Từ khoảng 2 đến 3 ngày, mẹ rơ lưỡi cho con một lần là được.

- Bú sữa mẹ kết hợp sữa bột hoặc hoàn toàn sữa bột: Mẹ nên rơ lưỡi mỗi ngày cho con.

Nghe lời ông bà xưa rơ lưỡi cho con bằng cách này, bố mẹ có thể khiến con bị ngộ độc nguy hiểm - Ảnh 2.

Để rơ lưỡi an toàn nhất cho trẻ sơ sinh, mẹ chỉ nên rơ lưỡi bằng gạc sạch cùng với nước ấm hoặc nước muối sinh lý (Ảnh: Internet)

Vì thao tác rơ lưỡi có thể khiến bé nôn nên mẹ nên rơ lưỡi cho bé khi bé đang đói.

(Nguồn: Tổng hợp)