Trung tuần tháng 12/2016, Facebook của cô Ba xứ Quảng bất ngờ dậy sóng sau khi bài viết "Cửu âm chân kinh cho gái đẹp" khuyên con gái "đừng chọn chồng già dù có là đại tỷ phú" được chia sẻ và lan nhanh trên mạng xã hội lẫn các tờ báo. Đằng sau những bài viết phản bác quan điểm này, ít người biết rằng khi từ miền Tây lên Sài Gòn lập nghiệp năm 30 tuổi, chị Thủy từng có nhiều đàn ông theo đuổi nhưng chị đã nói không với tất cả. "Dù có là Hoa hậu đi nữa thì không có người đàn ông hay đại gia nào đưa số tiền triệu đô cho cô ấy mà không kèm theo điều kiện. Tôi không phải là Hoa hậu, lại còn có một đứa con, nên tôi phải là đại gia của chính mình chứ không thể dựa dẫm vào bất kỳ một người đàn ông nào khác".
Đoàn Thị Thu Thủy
Tôi sống ở Giồng Riềng, một huyện ở vùng sâu tỉnh Kiên Giang. Học hết lớp 12, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi đành gác lại ước mơ trở thành nhà ngoại giao, ở nhà buôn bán với má. Hai năm sau tôi lấy chồng, mối tình đầu của tôi, rồi tiếp tục nghiệp buôn bán vải.
Có lẽ vì yêu sớm nên suy nghĩ của tôi chưa thấu đáo. Lúc đó yêu là yêu và thấy tình yêu đẹp lắm, không nghĩ rằng một túp lều tranh hai quả tim vàng là chuyện thiếu thực tế, đến khi sống chung gặp va chạm mới khiến mình vỡ mộng. Năm 25 tuổi khi tôi sinh con gái đầu lòng, những bất đồng, tổn thương trong hôn nhân càng nhiều hơn. Cảm giác mình đã sai khi lấy người đàn ông này ngày càng tích tụ nhiều hơn cho đến một ngày tôi đọc một bài thơ có hai câu "Xuống lầu thấy sứ hồng tàn. Tiếc cho ta chút dung nhan trao lầm". Tôi chợt nhận ra nếu không thoát ly khỏi cuộc sống này thì đời mình sẽ giống như bông sứ trong bài thơ, sẽ héo úa, lụi tàn.
Năm 29 tuổi, có một chị bạn nói với tôi nên làm xà lan chở gạo xuất khẩu, thu nhập sẽ khá hơn việc bán vải. Tôi vay mượn khắp nơi để có số vốn nhỏ đóng xà lan chở hàng. Nghĩ lại cũng buồn cười, tôi nào biết hình dáng xà lan là thế nào, bèn gọi điện cho tổng đài 1080 hỏi thăm có nơi nào đóng xà lan, họ tư vấn cho tôi 4, 5 địa chỉ, tôi lần theo đó và cuối cùng tìm được một xưởng đóng tàu uy tín. Từ khi bắt đầu làm xà lan chở gạo xuất khẩu, tôi lên Sài Gòn nhiều hơn và nhìn thấy những chân trời rộng mở ở vùng đất này. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định thay đổi cuộc đời, tôi không thể chấp nhận một cuộc sống tẻ nhạt, trói buộc đời mình vào miền quê yên tĩnh và cuộc hôn nhân không lối thoát này. Đêm trước ngày 30 Tết năm 2001, tôi viết lá thư gửi lại cho chồng rồi dắt con gái lên Sài Gòn bắt đầu cuộc sống mới.
Tôi rời quê với vỏn vẹn 10 triệu đồng trong tay. Lên Sài Gòn, tôi thuê được căn nhà nằm trong con hẻm đường Lạc Long Quân, Quận 11 và chuyển nhà khá nhiều lần. Trước khi con lên lớp 1, tôi khảo sát nhiều trường và quyết định cho con vào học ở trường Nam Sài Gòn. Tôi nhớ mình là người duy nhất đưa con đến trường bằng xe máy, còn lại toàn xe hơi. Những điều đó trở thành động lực để tôi cố gắng "cày cuốc" bằng mọi hình thức, việc gì cũng dám làm để có tiền mua xe hơi chở con đi học, mua nhà ở Phú Mỹ Hưng để con đi học được gần rồi đón ba má ở quê lên ở cùng.
Tài sản duy nhất của tôi năm 2001 là chiếc xà lan. Tôi chở gạo xuất khẩu, chuyển sang chở vật liệu xây dựng rồi bắt qua buôn bán phụ gia của ngành sản xuất xi măng. Khi có nhiều tiền, tôi đóng xà lan lớn hơn, thuê thêm tàu để chở cát cho người ta san lấp mặt bằng rồi làm quen với lĩnh vực san lấp. Ban đầu tôi làm những công trình nhỏ như san lấp khu dân cư, sau làm những công trình lớn hơn như san lấp cảng, rồi làm nạo vét luồng vào cảng, làm việc này dính tới việc kia, cứ thế mà phát triển đi lên.
Khoảng thời gian đó tôi đi học rất nhiều, những lớp học về quản lý, thương lượng đàm phán, giám đốc điều hành, năng lực lãnh đạo, kỹ năng mềm. Ban ngày tôi đi làm, tối vác cặp đi học, thậm chí đến trường rước con rồi đem con tới lớp học. Hai mẹ con ăn vội để kịp giờ học. Vào lớp, con ngồi phía sau học bài, mẹ ngồi trước nghe giảng, tan lớp khoảng 9 giờ tối mới dắt nhau về nhà. Càng làm, càng học tôi càng có nhiều kinh nghiệm và có những mối quan hệ tốt hơn. Cứ thế trong vòng 4 năm, tôi đạt được mục tiêu mua xe hơi, mua được căn nhà ở Phú Mỹ Hưng và duy trì việc kinh doanh thi công nạo vét luồng lạch và san lấp mặt bằng đến nay cũng hơn 15 năm rồi.
Hồi mới lên thành phố, khi đi ăn ở các nhà hàng nổi tiếng ở Sài Gòn, tôi thấy họ làm ăn được lắm, tôi cứ mơ một ngày nào đó mình sẽ mở được một nhà hàng để thoả niềm đam mê nấu nướng. Mãi đến năm 2015, sau khi bước ra từ cuộc thi Master Chef 2014, tôi mới mở được nhà hàng mơ ước của mình: Bếp nhà xứ Quảng, đưa những món ăn miền Trung vào một ngôi nhà thân thuộc, ấm cúng. Thiết kế ở bếp nhà mô phỏng ngôi nhà ở Hội An, có cửa, bàn ghế bằng gỗ, có gác-mang-giê, có lối đi trồng hoa, trồng rau giống như một ngõ nhỏ quanh co đường làng. Tôi thấy dường như ý tưởng của mình được nhiều người đón nhận vì khách đến bếp nhà ngày càng đông.
Giống như niềm đam mê ấp ủ bao nhiêu năm giờ mới có cơ hội thể hiện, khi bước vào con đường ẩm thực, tôi giống như cá trở về với nước, say mê vô cùng. Tôi không ngại bỏ tiền làm kênh YouTube dạy nấu ăn miễn phí, làm sách, làm nhà hàng. Trên những chuyến công tác ra Bắc vào Nam suốt 15 năm qua, tôi nhận ra nhiều vùng miền Việt Nam có những món ăn rất độc đáo nhưng nay đã thất truyền. Như những món ăn hoàng tộc ở Huế chỉ xuất hiện trong cung đình, nếu không ai học nấu và truyền bá lại sẽ dần biến mất.
Cũng có nhiều món ăn có cách làm quá cầu kỳ nên người ta ít phổ biến như món canh măng mực ở Bát Tràng phải qua nhiều công đoạn và phải mất đến 10 ngày mới hoàn thành. Tôi muốn lưu giữ lại tất cả những món ăn cho con cháu mình, để thế hệ sau này biết được Việt Nam từng có những món ngon như vậy. Hiện nay món ăn Hàn Quốc, Nhật Bản đang đổ xô vào Việt Nam, tôi muốn đầu tư sao cho món Việt phải xứng tầm với giá trị thật của nó.
Việt Nam có nền ẩm thực trải dài khắp đất nước, mỗi miền có những món ăn đặc trưng, nên tôi muốn đầu tư nhà hàng theo phong cách riêng từng vùng miền chứ không tham vọng gói cả ba miền ẩm thực vào một nhà hàng. Tôi đang ấp ủ xây dựng một nhà hàng Nam kỳ lục tỉnh giới thiệu những món ăn miền Tây Nam bộ. Tôi sẽ đưa nhà hàng trở lại thời kỳ những năm 1960, tái hiện các món ăn từng một thời được người Pháp thưởng thức và những món ăn miền Tây Nam Bộ vào thời điểm đó.
Khách hàng không chỉ được thưởng thức các món ăn đặc trưng của 6 tỉnh Nam kỳ (Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) mà còn được sống trong không gian năm xưa. Nhà hàng sẽ được thiết kế như ngôi nhà ba gian, cơm sẽ được bày trong nồi đồng, món ăn được dọn ra trên mâm đồng, tái hiện cuộc sống của tầng lớp địa chủ ngày xưa. Vào đây, khách sẽ được gọi là cậu - mợ, y như cách xưng hô của người dân Nam kỳ lục tỉnh những năm hồi đó.
"Tư liều" là biệt danh anh em thuỷ thủ đoàn đặt cho tôi sau những lần mạo hiểm đưa ra các quyết định liều lĩnh trong công việc. Sự liều lĩnh đã giúp tôi gặt hái nhiều thành công nhưng cũng va phải thất bại khi tôi liều nhận công việc mình chưa am hiểu, để rồi phải bán chiếc xe sang trọng đang đi, vay mượn, làm đủ mọi cách để giữ uy tín với các đối tác. Liều sinh con và làm mẹ đơn thân năm 40 tuổi. Liều đầu tư 7 tỷ đồng vào nhà hàng đầu tiên khi mặt bằng cho thuê chỉ có hợp đồng trong hai năm.
Nhưng cú mạo hiểm ấn tượng nhất cuộc đời tôi có lẽ là năm 30 tuổi, khi tôi liều dẫn con gái gần như tay trắng lên Sài Gòn lập nghiệp. Giờ nhớ lại, tôi luôn cảm ơn biến cố ly hôn đã đánh thức một con người khác trong tôi. Không có biến cố ấy, tôi sẽ không nhận ra mình mạnh mẽ, quyết liệt đến thế nào. Không có biến cố ấy, có lẽ tôi giờ đây vẫn là một người đàn bà nhàu nhĩ ở một vùng quê, sống mòn với những cảm xúc đã chai sạn và kiếm từng đồng bạc lẻ với công việc nhàm chán. Trải qua nhiều bể dâu, tôi không có ý định kết hôn với ai nữa nhưng giờ tôi có con, có nhiều niềm đam mê, có nhiều tham vọng nên khiếm khuyết một người chồng cũng là điều bình thường.
Tận trong sâu thẳm, tôi biết mình vẫn là một người đàn bà bình thường, yêu gian bếp nhỏ, thích nấu nướng, cắm hoa, làm bánh hơn là ngược xuôi với những công trình cầu cảng, đất đá ngoài kia. Nhưng tôi cám ơn cuộc sống đã cho tôi cơ hội đổi đời bằng chính những công việc tưởng chừng như khô cằn đó. Tôi nghĩ mọi thứ cần có cơ duyên và dù 15 năm sau tôi mới có cơ hội sống đúng với niềm đam mê của mình, tôi vẫn thấy hạnh phúc với tất cả những gì mình đang có.