Một ngành nghề với mức lương thử việc 20 triệu đồng/tháng, sau một năm thử việc và lên chính thức thì mức lương tăng lên đến 24 - 30 triệu đồng/tháng, có những chức danh 120 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không thể tuyển đủ người, đó là thông tin được một đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại ngày hội "Tiếp sức ngày trở lại" do T.Ư Đoàn tổ chức.
Tại gian hàng của Công ty CP Tập đoàn Green Ocean, anh Dương Quang Hưng, đại diện bộ phận tuyển dụng của công ty tại gian hàng, cho biết nhu cầu cần người lao động làm việc trên tàu biển sau dịch rất nhiều, đến 400 - 500 người lao động nhưng số người đăng ký ứng tuyển thì ngược lại. Thời gian đào tạo cũng được rút ngắn hơn, chẳng hạn với vị trí thủy thủ, tức các chức danh người lao động phổ biến trên tàu thì công ty rút ngắn còn 2 - 3 tuần và hạ tiêu chuẩn về giáo dục xuống, chỉ cần tốt nghiệp lớp 9 là đã có thể làm việc được rồi. Thế mà bây giờ còn không tuyển đủ người.
Các doanh nghiệp vận tải nêu một thực tế là hiện nay, ngành hàng hải, vận tải biển đang rất "khát" lao động. Để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã phải thuê nhân sự nước ngoài với mức lương cao dù trình độ không hơn mấy những lao động trong nước.
Sinh viên ngại theo ngành Hàng hải vì tâm lý sợ xa nhà quá lâu
Các doanh nghiệp hàng hải tại tọa đàm “Hành trình vươn ra biển lớn” do Trường Cao đẳng Hàng Hải II thuộc Cục Hàng hải – Bộ Giao thông vận tải tổ chức trước đó cũng cho biết hiện nay, chỉ cần các sinh viên ra trường và có cam kết gắn bó thì sẽ được những khoản thưởng, được bố trí đào tạo, nâng cao nghiệp vụ và có cơ hội thăng tiến. Sau đào tạo ngắn hạn, bắt đầu đi tàu có thể có mức lương khởi điểm khoảng 18 triệu đồng/tháng, sau 6 năm lên trên 70 triệu đồng/tháng và sau 10 năm có thể là 10.000 USD/tháng. Trong tình hình dịch bệnh, rất nhiều ngành nghề là giảm lương, mất thu nhập, mất công ăn việc làm; riêng ngành hàng hải trong 2 năm COVID-19 lương tăng khoảng gần 50%.
Ngoài ra, các bạn trẻ theo nghề không phân biệt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp. Một học viên sơ cấp ra trường bỏ thời gian học hỏi mỗi ngày sẽ có sức cạnh tranh không kém gì cử nhân đại học.
"Các trường hiện có những module sáu tháng sau khi học là có thể đi làm ngay. Sau khi làm một thời gian, nếu thấy phù hợp vẫn có thể học lên các trình độ cao hơn" - Ông Võ Lê Anh Dũng - trưởng phòng thuyền viên Công ty Inlaco Saigon - cho biết.
Dù đãi ngộ tốt nhưng hiện có một số lý do khiến các bạn trẻ ngại chọn học các ngành hàng hải. Thứ nhất là tâm lý muốn gần gũi người thân và cha mẹ Việt không thích con cái "lênh đênh" xa nhà quá lâu. Ngày nay các gia đình chỉ có từ 1-2 con nên càng không thích để con theo nghề này. Kế đó là tâm lý lo sợ những tai nạn như cướp biển thường được truyền thông đưa tin. Nhưng theo một Tiến sĩ, mức độ an toàn cho các thuyền viên vẫn thuộc tốp cao trong danh sách lao động trên những phương tiện giao thông vận tải.
Theo học Khoa học Hàng hải ở đâu?
Khoa học hàng hải là chuyên ngành đào tạo sinh viên trở thành sĩ quan phục vụ trên tàu biển (tàu vận tải hàng hóa, du thuyền, tàu quốc phòng, tàu công trình…), huấn luyện sinh viên có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và làm việc trên các đội tàu nước ngoài. Ngoài ra, chuyên ngành này còn cung cấp kỹ sư có kiến thức hàng hải phục vụ các công tác cần thiết trên bờ như quản lý khai thác ngành, giám định viên hàng hải, cứu hộ, phục vụ giàn khoan, công an đường thủy, hải quân...
Các khối thi vào ngành Khoa học hàng hải: Khối A00: Toán học, Vật lý, Hóa học; Khối A01: Toán học, Vật lý, Tiếng Anh; Khối D90: Toán học, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh; Khối C01: Ngữ văn, Toán học, Vật lý; Khối D07: Toán học, Hóa học, Tiếng Anh; Khối D01: Ngữ văn, Toán học, Tiếng Anh.
Trong những năm gần đây, điểm chuẩn ngành của các trường đại học nằm ở mức trung bình, dao động trong khoảng 14 đến 24 điểm, theo phương thức xét tuyển điểm thi THPT quốc gia. Một số trường đào tạo ngành Khoa học hàng hải như Đại học Nha Trang, Đại học GTVT TP.HCM; Đại học Hàng Hải Việt Nam; Trường Cao đẳng Hàng Hải I; Trường Cao đẳng Hàng Hải II; Trường Cao đẳng Hàng Hải TP.HCM...