Không lo thất nghiệp với nghề shipper
Mùa hè, việc lang thang đi mua sắm, đi ăn uống giữa trời nắng hoặc giữa những cơn mưa giông bất chợt, với nhiều người quả là cực hình. Có lẽ vì thế mà các shop online ăn nên làm ra hơn trong dịp này và những người làm nghề shipper - người giao hàng – cũng có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, với giá vận chuyển từ 15.000 – 20.000 đồng/đơn nội thành và 30.000 – 40.000 đơn ngoại thành, với thời tiết thất thường như hè này, các shipper thậm chí còn chê, không muốn nhận nhiều đơn hoặc “làm mình làm mẩy” để được tăng giá ship.Anh Phạm Thanh Bình, một shipper có kinh nghiệm 2 năm “cày mặt đường” chia sẻ, mùa hè là lúc anh chạy không xuể với những đơn hàng, đặc biệt là đồ ăn. "Trời nắng nóng, khách gọi giao hàng phần lớn là thực phẩm tươi sống, hoa quả giải nhiệt, thức ăn nhanh, nước giải khát… và thường yêu cầu chuẩn giờ ship, thường là giữa trưa hoặc đầu giờ chiều - thời điểm nắng nóng gay gắt nhất. Với những mặt hàng như quần áo, đồ khô, mình thường ghép các đơn xen kẽ cho tiện tuyến đường để mỗi ngày có thể giao được 20 – 25 đơn. Trời nắng 40 độ hay mưa một chút cũng không sao, mình vẫn chạy tốt. Nhưng với những đơn hàng thức ăn, mình thường từ chối ship những đơn xa trên 8 km, vì rủi ro cao, lại mất thời gian.”
Không chỉ các chủ shop online, nhiều khách lẻ cũng cần shipper.
Anh Huy bảo, nghề shipper là nghề nhặt nhạnh, kiếm tiền lẻ, nhưng khéo léo tính toán, có thể kiếm được vài ba trăm một ngày, nhất là với những mặt hàng có giá trị cao hoặc giấy tờ, công văn. “Cái nghề giao hàng này, nhìn địa chỉ mà lượng sức, chỉ cần được công 2.000 đồng/km là đã có thể chạy được rồi, chưa kể có những đơn rất gần, chỉ 2 – 3 km thôi, nên thời này, shipper không lo thiếu việc. Cái khéo của mình là biết cách chọn tuyến đường, di chuyển nhanh sao cho giao được nhiều đơn nhất, mình thì kiếm được, mà cả chủ cửa hàng lẫn khách đều vui lòng”.
Gian nan nghề “xe ôm cao cấp”
Tuy kiếm được khá tiền, không lo thiếu việc, nhưng nghề shipper cũng có những gian nan riêng, mà như một shipper cay đắng gọi là “xe ôm cao cấp”. Nghe qua thì nghề này có vẻ đơn giản, chỉ cần thạo đường có chút vốn để đặt cọc tiền cho khách, khéo léo một chút là shipper có thể “ấm túi” vài triệu/tháng, nhưng có những nỗi vất vả, rủi ro riêng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Với mỗi đơn hàng trung bình có giá từ 15.000 - 40.000 đồng, những shipper phải di chuyển đến cửa hàng nhận đơn, lấy hàng, gọi điện xác nhận, trao đổi với khách trước khi giao hàng, đến nơi lại gọi điện, chờ khách lấy hàng. Nếu việc giao hàng suôn sẻ, cả ngày một shipper có thể giao vài chục đơn, nhưng nhỡ gặp phải khách lề mề, không có mặt ở địa chỉ giao hàng hoặc shipper gặp trục trặc trên đường, có khi họ phải vòng đi vòng lại vài ba lần mới giao được hàng, tiền công không đủ bù chi phí. Đó là chưa kể đến chuyện, shipper đội nắng đội mưa đến giao hàng cho khách, đến nơi, khách không ưng ý, từ chối nhận hàng, shipper lại phải vòng về trả cho cửa hàng, thế là mất 2 lần ship, nhưng có khi không được xu nào, hoặc cùng lắm thì được cửa hàng trả cho 1 lần đi.
Cùng nỗi khổ với anh Đăng, anh Trần Minh Đức, một chủ shop online kiêm shipper kể: “Mình từng mở shop kinh doanh đồ ăn vặt và trải nghiệm việc ship hàng, vất vả lắm. Nhớ có lần mình ship lên Âu Cơ, vừa đi vừa tìm ngõ, lấn làn đường, bị công an tuýt vào phạt mất 200.000 đồng, mình gọi điện cho khách xin lỗi vì đến muộn, khách ừ ừ hử hử. Khi xong việc, mình chạy đến nhà khách thì khách không nghe máy, bấm chuông thì bà giúp việc ra nhòm nhòm xong bảo chủ tôi đi vắng rồi, tôi không biết gì đâu.
Hôm khác, giữa trưa nắng hầm hập, mình ship 20 cốc chè đến một tòa nhà văn phòng, gọi khách mãi không thấy nghe máy, một lúc sau khách nhắn tin bảo chờ một tí vì đang họp dở. Mình đứng giữa đường đợi dài cổ, chắc cũng cỡ 30 phút, khách mới ỏn ẻn đi xuống, còn trách: Đá tan hết rồi, làm sao bọn chị ăn chè được! Đã vậy, mình thu 20.000 đồng tiền ship thì bị mắng như tát nước vào mặt, rằng là mua nhiều thế mà không free ship à, lần sau mà mất ship chị không lấy đâu… Tính ra thêm 20.000 đồng thì mỗi cốc chè thêm có 1.000 đồng thôi mà!”
Ngay cả khi không gặp những tình huống “củ chuối” như điện thoại khách không liên lạc được, khách “bùng” không nhận hàng hay bắt shipper phải đợi lâu, địa chỉ sai… nghề shipper cũng đã đủ vất vả. Những chuyện như mải ship hàng đến đầu giờ chiều mà vẫn chưa được ăn vì nhiều khách hẹn vào giờ ăn trưa, shipper đói mờ mặt, vật vờ trên đường vẫn cố lao nhanh cho kịp hẹn hay những trời mưa bất chợt, shipper lấy nilon che hàng, còn mình ướt như chuột lột… không phải là chuyện lạ với những người đang làm nghề này nữa.