Nhưng những gì đã thuộc về ẩm thực truyền thống thì nó vẫn trường tồn chẳng khác nào một môn nghệ thuật.

Chùa Silleuka, một ngôi chùa nổi tiếng ở Thủ đô Seoul không chỉ bởi cảnh quan đẹp. Nơi đây, còn là điểm thường xuyên tổ chức cho du khách trải nghiệm về cách thức ăn uống của người Hàn. Rất cầu kỳ và mất nhiều thời gian, nhưng đằng sau những nghi thức cho mỗi bữa ăn hàng ngày ở ngôi chùa này đều ẩn chứa những giá trị tinh thần to lớn.

Nhà sư Young Kyu Oh - Chùa Silleuka, Seoul, Hàn Quốc cho biết: "Trước khi ăn, tôi muốn mọi người đưa bát cơm lên ngang trán để nhớ đến những giọt mồ hôi mà người nông dân đã đổ trên cánh đồng để chúng ta có hạt gạo dẻo thơm trắng ngần hôm nay".
 
 

Bữa ăn của người Hàn cũng gồm gạo, rau, thịt và đậu phụ. Nhưng bữa ăn truyền thống thường có nhiều món ăn phụ, ăn kèm với cơm, canh, và kim chi. Người Hàn sử dụng nhiều loại gia vị như: dầu mè, bột đậu nành lên men, nước tương, tỏi, gừng và bột ớt đỏ. Đây là quốc gia tiêu thụ tỏi hàng đầu châu Á. Cách nấu nướng cũng thay đổi theo mùa, đặc biệt trong mùa đông, họ thường dùng nhiều kim chi và các loại rau củ ngâm được bảo quản trong những vò gốm chôn dưới đất hay để quanh hiên nhà. 

 
Nhưng điều đáng nói là việc chuẩn bị món ăn của người Hàn rất công phu, thức ăn được dọn ra phải theo một trật tự nhất định, món ăn nhỏ xen kẽ nhau để tôn lên hình dáng và màu sắc các món khác.

 

Ông Xiaoyi Ma - Du khách đến từ Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc cũng có nhiều món ăn cầu kỳ, nhưng khi được ăn các món ăn truyền thống của người Hàn, tôi thật sự nể phục bởi cách chế biến, đặc biệt là việc tạo ra những màu sắc bắt mắt và tạo hình độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực của người Hàn. Tôi có cảm giác thưởng thức một bữa tiệc hơn là việc ăn uống thuần túy". 

 

Ẩm thực Hàn Quốc đã góp phần làm cho cái gọi là làn sóng Hàn từ trang phục đến ẩm thực được giới trẻ nhiều quốc gia thích thú qua phim ảnh. Chính vì thế, chính phủ Hàn Quốc càng khuyến khích việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ẩm thực Hàn Quốc.
 
TheoVTV