Với mục đích tạo nên những thước phim "đời" nhất, cách Hoa sữa về trong gió khai thác các mâu thuẫn gia đình cũng rất quen thuộc, nhất là sự khác biệt giữa Hiếu, một người bố ngoài 50 và Trang, cô con gái gen Z năng động.
Qua những tập phim đầu, có thể thấy ông Hiếu là một người bố gia trưởng và bảo thủ điển hình. Sự nghiêm khắc của ông luôn đi kèm với sự áp đặt. Đúng như câu nói cửa miệng "miễn bàn", ông Hiếu chưa từng để cho Trang hay Phong thể hiện quan điểm của mình. Trong suy nghĩ của ông, chỉ cần một lời ông nói ra, đó là kết luận không cần bàn bạc thêm. Đây có lẽ là giới hạn cao nhất của sự gia trưởng, khi mà mọi suy nghĩ, cảm xúc của người khác đều không được tôn trọng.
Trang là cô gái năng động, có đam mê và chính kiến rõ ràng, chắc chắn không phải mẫu người dễ dàng chịu sự sắp đặt cho cuộc đời của mình. Người xem thấy được sự tự tin và mạnh mẽ của Trang trong phong cách làm việc và trong các mối quan hệ xã hội bên ngoài.
Một người bố bảo thủ và một người con cá tính, tưởng như khán giả sẽ chứng kiến những mâu thuẫn nảy lửa ngay từ khi bắt đầu. Thế nhưng Trang khi đối diện trực tiếp với bố lại là một con người khác. Cô có thể lên tiếng đối chất với người ngoài khi bị chèn ép, nhưng lại gặp khó khi nói ra suy nghĩ của mình trước mặt bố. Giống như cách ông Hiếu dùng kim bài "miễn bàn", cô cũng chỉ có thể "rút kinh nghiệm" mỗi khi bị bố trách móc.
Sự trái ngược trong tính cách này khá kỳ lạ, nhưng cũng dễ hiểu. Bởi một cô bé mạnh mẽ tới đâu, lớn lên cùng người bố nghiêm khắc và truyền thống cũng sẽ rất khó để khẳng định lập trường của mình, nhất là khi câu trả lời nhận lại luôn là "con không được cãi bố", "con chưa đủ tuổi để quyết định". Bản thân Trang có lẽ cũng đã quá quen với việc đó và dần chấp nhận những khác biệt không thể khỏa lấp của hai bố con.
Mâu thuẫn lớn nhất, làm nút thắt cho việc xây dựng diễn biến mối quan hệ của hai bố con là việc ông Hiếu tìm cách sắp xếp cho Trang công việc dài hạn tại tạp chí, còn Trang lại có sở thích và ước mơ của riêng mình. Quan điểm của cả hai tiếp tục đối lập nhau, có điều lần này, Trang đã chọn cãi lời bố, âm thầm nghỉ việc để tự do làm những gì mình thích.
Và cái gì đến thì cũng phải đến, trong tập 13, ông Hiếu đã phát hiện bí mật lớn của con gái để rồi dẫn đến cuộc đối chất căng thẳng. Để đến nước này một phần do tính bảo thủ của ông Hiếu, nhưng một phần cũng là vì Trang thiếu đi sự dứt khoát, chần chừ không dám nói sự thật sớm hơn. Chưa bàn đến đúng sai thì màn cao trào này đã cho người xem cái nhìn toàn cảnh hơn về cả hai nhân vật.
Người xem vẫn trách ông Hiếu gia trưởng một cách vô lý, nhưng có lẽ trong chuyện này, ông cũng có nỗi khổ tâm của riêng mình. Lát cắt quá khứ hé lộ cho thấy mẹ Trang từng làm một công việc khá bấp bênh về mặt thời gian, trái ngược hoàn toàn với một người ưa sự ổn định như ông Hiếu, khiến cho cả hai xảy ra mâu thuẫn gay gắt. Đi qua hôn nhân đổ vỡ, chắc hẳn ông cũng không muốn lặp lại những khác biệt đó trong gia đình mình một lần nữa. Vì thế mà ông luôn tìm cách gò Trang vào một khuôn khổ nhất định, để chính ông có thể nắm được quyền chủ động trong mối quan hệ cha con.
Nói vậy không có nghĩa việc làm mang tính ép buộc và lời nói tổn thương của ông xứng đáng được bênh vực. Ông Hiếu trách Trang chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình, nhưng chính ông mới là người vì mong muốn và tâm tư riêng mà ép con gái phải nghe theo, cũng chính ông là người thờ ơ, gạt đi mọi ý kiến mà Trang bày tỏ. Ông Hiếu có quyền có quy tắc riêng cho mình và cho các con, nhưng kỷ luật phải gắn với sự tôn trọng. Thêm vào đó, sự ổn định theo tiêu chuẩn của ông cũng không còn phù hợp với thế hệ Gen Z ngày nay, với một người năng động như Trang. Vậy nên, các định hướng của ông không khác nào biến Trang thành một con rối, phải làm theo sự sắp đặt của người khác.
Còn với Trang, câu hỏi đặt ra là, nếu cô thẳng thắn và dám thể hiện mình hơn, liệu mối quan hệ bố con có đi đến mức này? Sự né tránh hiện tại giống như cách mà cô dựng cho mình một vỏ bọc trước mặt ông Hiếu. Không chỉ trong công việc, có lẽ Trang cũng chưa từng được sống với bản ngã thật của mình khi cứ phải lo sợ làm trái ý bố. Trang cũng chính là hình ảnh của các bạn trẻ ngoài kia, dường như đang tự tạo nên một "nhân cách" khác để làm vừa lòng bố mẹ. Bởi họ không cảm nhận được sự chia sẻ và đồng cảm từ gia đình.
Câu chuyện của ông Hiếu và Trang mang một thông điệp sâu sắc: Tình thân là bản năng nhưng nó cũng cần được vun đắp bằng sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Thay vì tranh cãi ai đúng ai sai, điều cần nhất để hóa giải khúc mắc giữa những người thân là nhìn nhận và học cách đặt bản thân mình vào đối phương. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể đảm bảo sự kết nối, để gia đình thực sự là chỗ dựa, là sự ủng hộ thay vì áp đặt.
Quay lại Hoa sữa về trong gió, nội dung sắp tới chắc chắn sẽ khiến khán giả mong đợi. Làm thế nào để người bố truyền thống dần mở lòng mình và học cách lắng nghe con cái, làm thế nào để một người con đã quen với sự áp đặt có thể hạ tấm khiên chắn của mình xuống và sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn? Đó là một hành trình dài để chính chúng ta, những người xem cũng có thể dành thời gian suy ngẫm.