Dành thời gian ở ngoài trời không chỉ thú vị mà còn cần thiết đối với mọi người, đặc biệt là sự phát triển tư duy cũng như thể chất của trẻ nhỏ.
Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng, những đứa trẻ chơi ngoài trời sẽ vui vẻ hơn, khả năng tập trung cao hơn và ít lo lắng hơn những đứa trẻ dành nhiều thời gian trong nhà.
Vào đầu những năm 1980, một nhà sinh vật học của Đại học Harvard tên Edward O. Wilson đã đề xuất một lý thuyết gọi là biophilia, rằng con người bị thu hút bởi môi trường xung quanh tự nhiên theo bản năng.
Nhưng nhiều bậc cha mẹ ở thế kỷ 21 vẫn hoài nghi về lý thuyết này, khi họ quan sát con mình thể hiện rõ ràng sở thích khi ngồi trên ghế trước màn hình hơn là chơi bên ngoài.
Nỗi hoang mang về việc trẻ em dành quá nhiều thời gian trong nhà đã trở nên nghiêm trọng đến mức cuộc khủng hoảng này có tên: Rối loạn thiếu hụt tự nhiên.
Tại sao trẻ cần thời gian hoạt động ngoài trời?
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra lợi ích cần thiết của việc dành thời gian ở ngoài trời, cho cả trẻ em và người lớn.
Một số người cho rằng nó có thể là bất kỳ môi trường ngoài trời nào. Trong khi một số người khác cho rằng đó phải là một môi trường “xanh” đúng nghĩa - có cây và lá. Những người khác vẫn khẳng định họ chỉ cần một bức tranh cây xanh cũng có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tinh thần.
Bỏ qua những quan điểm trên, hầu hết các nghiên cứu đều đồng ý rằng những đứa trẻ chơi ngoài trời thông minh hơn, hạnh phúc hơn, chú ý hơn và ít lo lắng hơn những đứa trẻ dành nhiều thời gian trong nhà.
Mặc dù vẫn chưa rõ chính xác cách thức hoạt động nhận thức và cải thiện tâm trạng diễn ra như thế nào, nhưng có một số điều chúng ta biết tại sao thiên nhiên lại tốt cho trí óc của trẻ.
Xây dựng sự tự tin
Cách mà trẻ em chơi trong tự nhiên có cấu trúc ít hơn nhiều so với hầu hết các kiểu chơi trong nhà.
Có vô số cách để tương tác với môi trường ngoài trời, từ sân sau nhà đến công viên hay đi bộ đường dài hoặc đạp xe quanh hồ nước ở quê nhà. Để trẻ chọn cách đối xử với thiên nhiên nghĩa là trẻ có khả năng kiểm soát hành động của chính mình.
Thúc đẩy sự sáng tạo và trí tưởng tượng
Phong cách chơi không có cấu trúc này cũng cho phép trẻ em tương tác một cách có ý nghĩa với môi trường xung quanh. Chúng có thể suy nghĩ tự do hơn, thiết kế các hoạt động của riêng mình và tiếp cận thế giới theo những cách đột phá.
Ý thức trách nhiệm
Các sinh vật đang sống sẽ chết nếu bị ngược đãi hoặc không được chăm sóc đúng cách, việc giao cho một đứa trẻ chăm sóc các sinh vật sống trong môi trường của chúng có nghĩa là chúng sẽ biết điều gì xảy ra khi quên tưới cây hoặc nhổ một bông hoa kèm rễ của nó.
Tăng trải nghiệm
Thiên nhiên tốt hơn nhiều so với trò chơi điện tử bạo lực, thậm chí, nó kích hoạt nhiều giác quan hơn. Trẻ có thể nhìn, nghe, ngửi và chạm vào môi trường ngoài trời.
Khi trẻ dành ít thời gian cho môi trường tự nhiên, các giác quan của trẻ bị thu hẹp lại. Điều này làm giảm sự phong phú trong trải nghiệm của chúng.
Khuyến khích vận động
Hầu hết các cách tương tác với thiên nhiên liên quan đến việc tập thể dục nhiều hơn là ngồi trên ghế. Trẻ không nhất thiết phải tham gia đội bóng đá hoặc đạp xe qua công viên, ngay cả việc đi bộ cũng sẽ khiến máu của trẻ được bơm lên.
Vận động không chỉ tốt cho cơ thể của trẻ mà dường như còn khiến chúng tập trung hơn, điều này đặc biệt có lợi cho trẻ bị ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý).
Kích thích não bộ
Thiên nhiên tạo ra cảm giác kỳ diệu độc đáo cho trẻ em mà không môi trường nào khác có thể mang lại. Các hiện tượng xảy ra tự nhiên ở khu vườn của ông bà hay công viên gần nhà khiến trẻ đặt câu hỏi về Trái đất và sự sống của muôn loài.
Giảm căng thẳng và mệt mỏi
Theo Lý thuyết phục hồi sự chú ý, môi trường đô thị đòi hỏi cái được gọi là sự chú ý có định hướng, điều này buộc chúng ta phải phớt lờ những điều gây xao nhãng và làm kiệt sức bộ não của chúng ta.
Trong môi trường tự nhiên, chúng ta thực hành một kiểu chú ý dễ dàng được gọi là sự mê hoặc mềm tạo ra cảm giác thích thú chứ không phải mệt mỏi.
Vì vậy, tranh thủ dịp nghỉ hè, người lớn nên tạo điều kiện để trẻ được vui chơi ngoài trời. Các hoạt động bổ ích không chỉ giúp trẻ vui chơi mà còn biết trân trọng môi trường tự nhiên hơn.