Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 hàng năm, không ít các nhóm bạn cũ tranh thủ í ới đi gặp mặt, họp lớp ôn lại những kỉ niệm đẹp trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường hay chia sẻ cùng nhau về công việc, cuộc sống sau khi tốt nghiệp. Thế nhưng, bên cạnh những người hào hứng, hồ hởi lên kế hoạch thì lại có không ít người luôn tìm cách né tránh những buổi họp lớp như thế.
Chặn liên lạc vì liên tục bị làm phiền mời chào bảo hiểm, đầu tư bất động sản sau buổi họp lớp
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoàng Anh (32 tuổi) cho biết, "Tôi tốt nghiệp đại học năm 2014 nhưng từ đó đến nay chưa 1 lần tham dự một buổi họp lớp cùng các bạn. Trong những năm đầu sau tốt nghiệp thì do công tác xa, tôi không sắp xếp được thời gian để về tham dự cùng các bạn. Nhưng những năm sau đó, vì biến cố công việc, kinh tế không dư giả nên tôi rất ngại gặp các bạn.
Trước đây, nếu một bữa tiệc hội ngộ bạn bè với hình thức đơn giản, mọi người gặp mặt hàn huyên vui vẻ là chính nhưng giờ đây trong nhóm lớp mỗi lần bàn đến tụ tập là đi resort 5 sao này, khách sạn 5 sao kia... Chi phí cho mỗi lần họp lớp lên đến cả chục triệu đồng, bằng tiền ăn cả tháng của gia đình 5 người chúng tôi".
Chị Hoàng Anh tâm sự, thấy vợ thiệt thòi nên chồng chị cũng không ít lần động viên vợ cứ tham gia với bạn bè cho vui vì chẳng mấy khi có cơ hội gặp nhau. Dù không khá giả như các bạn nhưng cả nhà sẽ cố chắt bóp chi tiêu để chị có 1 khoản đi tham gia họp lớp. Tuy nhiên, chị Hoàng Anh cho biết, chị đã lắc đầu từ chối, "Tôi nghĩ họp lớp là để gặp gỡ bạn bè cũ, tri ân các thầy cô đã dạy mình chứ không phải đi để hưởng thụ, thể hiện sự giàu có. Gặp các bạn cũng vui đấy, nhưng phải bỏ ra số tiền lớn, vượt quá khả năng kinh tế của bản thân thì tôi thấy vô bổ. Có thể những con số này với nhiều người bạn đại học của tôi là "chuyện nhỏ" nhưng lại là "vấn đề" với những người khác, trong đó có tôi. Tôi không quá giàu, nên việc bỏ ra cả chục triệu cho một cuộc họp lớp cũng khiến tôi phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều.
Tôi vẫn có nhóm bạn riêng để hàn huyên, thỉnh thoảng hẹn cà phê nói chuyện hay đi ăn một bữa nhẹ nhàng vui vẻ. Việc bỏ ra gần 10 triệu để gặp hàng chục người bạn đại học mà có khi tôi chẳng nhớ tên, hoặc nhiều năm không nói chuyện để nghe các bạn khoe chiến tích hay flex sự giàu có, kiếm tiền tốt thì bản thân tôi cũng không vui vẻ", chị Hoàng Anh thẳng thắn nói.
Tương tự, chị Phương Anh (31 tuổi, ở Hưng Yên) cũng cho biết sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị chỉ đi họp lớp duy nhất một lần sau đó thoát nhóm và không đi thêm bất kì một lần nào nữa. "Tôi tốt nghiệp THPT năm 2011. Đến năm 2015, chúng bạn có rủ nên có tham gia họp lớp dịp 2/9. Lâu lắm mới gặp lại bạn bè nên cũng vui lắm, lớp chuyên Văn của chúng tôi toàn là con gái, nên để tụ tập gần 40 con người quả thật không dễ dàng".
Thế nhưng chị Phương Anh cho hay, trong khi một số bạn bè gặp nhau trò chuyện hàn huyên thì không ít người trong nhóm đó lại tranh thủ mời chào mọi người mua bảo hiểm, chơi tiền ảo hay đầu tư bất động sản lướt sóng sinh lời.
"Tôi chỉ mong mọi người gác lại công việc để gặp gỡ, ôn lại kỉ niệm thời học trò quậy phá nghịch ngợm. Thế nhưng các bạn lại dành cả buổi chỉ để tư vấn bán bảo hiểm, rồi hướng dẫn cách đầu cơ sinh lời... chúng tôi là bạn cũ chứ có phải văn phòng tư vấn chứng khoán, bất động sản đâu. Chưa hết, sau buổi họp lớp đó, một số bạn còn truy tôi từ tin nhắn điện thoại đến Zalo, Facebook... nửa đêm gà gáy vẫn gọi hỏi "bạn đâu rồi?". Thật sự tôi rất sốc thêm phần quá phiền nên 1 tuần sau buổi họp lớp tôi đã rời nhóm chat, chặn số bạn cũ ngay tức khắc. Đến nay đã 9 năm rồi, năm nào tôi cũng từ chối tham gia họp lớp. Dịp 2/9 này các bạn cũng đã rủ nhưng có lẽ tôi sẽ vẫn không tham gia, vài bạn vẫn nói chuyện tôi sẽ hẹn một buổi gặp gỡ riêng tư", chị Phương Anh bày tỏ.
Công việc bình thường, lương chỉ đủ sống ngại các bạn hỏi này kia
Ra trường hơn 10 năm, họp lớp đại học được tổ chức 2 lần những anh Thanh Hùng (34 tuổi, Hải Dương) vẫn chưa một lần tham dự. Anh Hùng nói, "Cả hai lần họp lớp đều bị dời lịch đột xuất mà công việc của tôi làm ca kíp không thể nhất thời thay đổi được nên không thể tham gia".
Dịp 2/9 năm nay được nghỉ 2 ngày nên nhóm bạn cũng đang ý ới gọi nhau họp lớp nhưng anh Hùng cho biết có lẽ anh sẽ viện lý do để không tham gia. "Năm nay kinh tế khó khăn, công việc của tôi lại vừa xáo trộn chưa đâu vào đâu nên rất ngại gặp các bạn sợ bị hỏi này hỏi kia.
Trước kia tôi từng là sinh viên top 1 top 2 của lớp, nhận học bổng trong suốt những năm ngồi trên ghế giảng đường mà giờ đây chỉ làm một công việc bình thường, lương đủ sống và chưa có nhà cửa gì cả nên hơi chạnh lòng. Trong khi đó, những người tham dự họp lớp chủ yếu là những bạn đã thành công, làm công ty lớn hay tự kinh doanh phát đạt".
Anh Hùng cho biết, dù không họp lớp nhưng thỉnh thoảng anh vẫn gặp gỡ nhóm bạn gồm 5 thành viên chơi thân với nhau từ hồi đại học. Cả nhóm thường hẹn đi cà phê, đi ăn uống, hoặc cả gia đình cùng thuê homestay để cùng nhau đi chơi. "Mây tầng nào gặp mây tầng ấy, nhóm nhỏ chung tôi chơi với nhau vui vẻ, dễ chia sẻ các câu chuyện cuộc sống, công việc với nhau mà không phải e dè gì cả. Tôi thấy như vậy thoải mái hơn. Tôi không trách gì các bạn khi các bạn thành công, có lẽ là do tôi tự ti thôi", anh Hùng bày tỏ.
Chẳng thể phủ nhận rằng, tổi trẻ rồi sẽ qua đi rất nhanh, cuộc sống bộn bề sẽ tiếp tục bủa vây chúng ta nên mỗi dịp họp lớp là một lần được ôn lại những ký ức đẹp thời đi học. Chắc hẳn để tổ chức họp lớp không phải chuyện dễ dàng, và chắc chắn không ít người đã từng đầm đìa nước mắt trong buổi chia tay nhưng không bao giờ họp lớp. Mỗi người lại có một sự lựa chọn riêng và có lý do đặc biệt để quyết định có đi họp lớp hay không và chúng ta cũng nên tôn trọng.