Bộ Y tế cho biết trong tháng 4 số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trở lại so với 3 tháng đầu năm. Đáng chú ý, ngày 28-4, số ca mắc đã tăng lên trên 3.000 ca, cao nhất trong hơn 7 tháng trở lại đây.

Sau gần 4 tháng không có ca COVID-19 tử vong, trong những ngày qua Bộ Y tế cũng công bố 2 ca COVID-19 tử vong, trong đó 1 trường hợp có bệnh nền nhưng không tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Nghỉ lễ 30-4 và 1-5, người dân, du khách nên phòng COVID-19 thế nào? - Ảnh 1.

Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh từ đầu tháng 4 đến nay

Cùng đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong là nam bệnh nhân 54 tuổi (ngụ tại Bình Dương). Người đàn ông này mắc COVID-19 trên nền cơ địa có bệnh lý tim mạch, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng sau nhiều ngày nằm viện, bệnh nhân đã tử vong.

Ngày 28-4, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong, sau dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30-4 và 1-5.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, ký ban hành cho biết hiện nay hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 (kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao); cùng đó nhu cầu giao thương, du lịch của người dân sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn (nhất là trong thời gian nghỉ lễ kéo dài gây nguy cơ cao lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.

Nghỉ lễ 30-4 và 1-5, người dân, du khách nên phòng COVID-19 thế nào? - Ảnh 2.

Công tác phòng chống dịch cũng được tăng cường tại các sân bay. Ảnh: Hữu Hưng

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong và sau dịp nghỉ lễ, không để dịch bùng phát, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai nghiêm việc thường xuyên cập nhật, đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ, quyết định của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Có phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trước, trong và sau thời gian nghỉ lễ; tổ chức thường trực phòng chống dịch tại tất cả các tuyến, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Phối hợp với Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus. Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,...).

Nghỉ lễ 30-4 và 1-5, người dân, du khách nên phòng COVID-19 thế nào? - Ảnh 3.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến nơi đông người để phòng COVID-19

Các chuyên gia y tế cho biết virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại và khó dự báo, trong khi đó biến thể phụ của Omicron liên tục biến đổi, miễn dịch do tiêm vắc-xin COVID-19 lại giảm dần theo thời gian. Do đó, để có kỳ nghỉ lễ an toàn, người dân, du khách khi đi du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cần chủ động thực phòng, chống COVID-19. Cụ thể:

Người dân cần tiêm vắc-xin đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Những người chưa tiêm đủ mũi vắc-xin COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế nên khẩn trương tiêm đủ. Đeo khẩu trang theo đúng hướng dẫn, thực hiện khử khuẩn thường xuyên khi đến các nơi công cộng, đông người.

Khi đi du lịch người dân, du khách, nên mang theo khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, thuốc hạ sốt, giảm ho, nước muối sinh lý, dung dịch súc họng, test nhanh COVID-19... để chủ động chăm sóc bản thân khi cần thiết. Bên cạnh đó, cập nhật thường xuyên tình hình dịch và tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch của địa phương.

Theo quy định của Bộ Y tế, có 8 nhóm đối tượng bắt buộc phải sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng. Cụ thể: Người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19. Đối với hành khách; người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng... Nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối. Nhân viên phục vụ, người bán hàng...; nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng

Tất cả các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế...

Về quy định xử phạt, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, bao gồm đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế và các biện pháp khác.